tạp ghi của Giác Kiến







Pages

8.10.15

Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng

Từ nhỏ, tôi nghe cha tôi kể nhiều về làng Phong Lệ. Có nhiều chuyện rất thú vị, nhưng tiếc là cha tôi kể không rõ ràng và trí nhớ tôi cũng kém. Vì thế, mỗi lần tôi đọc đâu đó được câu chuyện giống như cha tôi kể, tôi như người được nhận lại của bị đánh rơi.
Đọc bài "Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng" của GS. Trần Hữu Tá là một trường hợp như thế.
Dù chỉ mới đọc được một ít bài viết của GS. Trần Hữu Tá và được gặp ông hai lần, tôi kính ông như một bậc thầy lớn. Về nhà văn Nguyễn Văn Xuân, tôi hoàn toàn chưa biết.
Còn về chuyện xưa, đó là câu chuyện về bản lĩnh của Ông Ích Khiêm, người làng Phong Lệ, mà nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã kể và thầy Trần Hữu Tá ghi lại ở cuối bài viết này. Đây là câu chuyện đáng nhớ!
--------------------------
Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng
Trần Hữu Tá
Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nguyen-van-xuan-nguoi-khoi-day-hon-xu-quang
Nhà văn Nguyễn Văn XuânNhà văn Nguyễn Văn Xuân
Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nhà sử học Dương Trung Quốc không gọi Nguyễn Văn Xuân là “nhà Quảng Nam học”như nhiều người,mà ông trân trọng bớt đi một chữ: nhà Quảng học.
Một thoáng ngạc nhiên ấy nhanh chóng qua đi.Dương Trung Quốc rất có lý. Nguyễn Văn Xuân là con dân đất Quảng Nam, cả đời say mê viết về nơi chôn nhau cắt rốn,điều đó ai cũng thấy. Nhưng ông đã viết với một nội lực học thuật sung mãn, thành công trong nhiều phương diện lĩnh vực, thể loại khác nhau, khiến bất cứ ai đọc ông đều phải tâm phục khả năng “bác văn cường ký” (hiểu biết rộng, sức nhớ khoẻ) của vị học giả này. Vì thế gọi là “nhà Quảng học” là đúng, vì bao gồm được cả hai đặc điểm, hai giá trị đó.
Tôi đến với những tác phẩm đầu tay của ông cũng khá tình cờ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và tôi tham gia biên soạn bộ sách đồ sộ Tổng tập văn học Việt Nam trên 50 tập của Ủy ban khoa học xã hội. Chúng tôi được giao 2 tập 30A – 30B, tập trung giới thiệu “Văn xuôi hiện thực giai đoạn 1939-1945”. Tìm kỹ trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Ủy ban Khoa học xã hội, Thư viện Viện văn học…ở Hà Nội cũng kiếm được một lượng tác phẩm kha khá. Chưa yên tâm, đầu năm 1978 chúng tôi sục sạo trong các thư viện công và cả các tủ sách rất phong phú của những người bạn mới tại thành phố Hồ Chí Minh. Rất mừng, vì ở đây còn lưu trữ được nhiều báo xuất bản trước 1945 như Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Trung Bắc chủ nhật, Thanh Nghị, Phổ thông bán nguyệt san v.v…và phát hiện ra những truyện ngắn hay, lạ của Văn Cao, Lê Tam Kỉnh, Nguyễn Văn Xuân…Riêng về Nguyễn Văn Xuân, chúng tôi tìm được 2 truyện ngắn của ông đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy: Ngày giỗ cha (số ra 26/6/1943) và Ngày cuối năm trên đảo (số ra đầu tháng 1/1945).

10.5.15

Sống bình an để thiết lập bình an


Giác Ngộ Online

Sống bình an để thiết lập bình an

Các hoạt động phục vụ cho hoà bình và công bằng xã hội luôn gắn liền với sự bình an từ nội tâm của con người. Theo quan điểm Phật giáo, muốn đóng góp cho hoà bình, trước tiên mỗi người cần phải sống an bình và hoà hợp trong gia đình cũng như trong cộng đồng của mình.

Sở dĩ người viết muốn nói lên điều này là vì nó liên quan đến những lời kêu gọi của các nhà hoạt động chống chiến tranh xưa nay. Những lời kêu gọi hoà bình trước công chúng đôi lúc còn mang nhiều chất liệu sân giận, chấp trước và tham muốn. Đó là vì tức giận các nhà lãnh đạo đã gây nên chiến tranh, là chấp trước vào các khuôn khổ và giáo điều về thiện và ác, và cho rằng chỉ có quan điểm của mình là đúng. Nhưng tiếc rằng những quan điểm được cho là đúng, lại không dựa trên cái nhìn bao quát và sâu sắc, không thấy được bản chất quan hệ hỗ tương của sự vật hiện tượng. Họ lại hô hào để nhiều người cùng hưởng ứng các cuộc biểu tình “vì hoà bình” của mình. Đó là vì họ mong muốn tiêu diệt những nhà lãnh đạo chiến tranh; và điều có nghĩa là một hình thức bạo động mang nhãn hiệu hoà bình đã xuất hiện.

7.5.15

Vượt qua cái đau khi ngồi thiền

Nội dung này được chia sẻ nhiều lần trong các buổi hướng dẫn thiền cho những người mới thực tập. Tôi ghi lại và luôn muốn giữ bài này như một kỷ niệm nhắc nhớ những ngày tôi theo Thầy mở các thời tập thiền tại Tịnh xá Ngọc Pháp và Tịnh xá Ngọc Quang. Chắc các bạn có tham gia các buổi tu thiền đầu tiên tại 2 tịnh xá này không thể quên được nỗ lực của Trưởng lão Giác Dũng trong việc quyết tâm làm sống lại đạo thiền trong giáo hội Khất sĩ. Và chắc các bạn cũng khó quên những giờ gồng mình để ngồi cho hết thời ngồi thiền trong những buổi tập đầu tiên. Về nỗ lực của Trưởng lão, cũng như nỗ lực của những người học thiền với Trưởng lão, có nhiều điều cần được viết ra. Ngay sau những buổi tập tu đầu tiên, tôi có nói với Trưởng lão là tôi sẽ từ từ viết về phương pháp thực hành thiền dựa trên những trải nghiệm thực tế. Chưa viết được gì thì Trưởng lão đã đi. May mà có bài "Cảm nhận cái đau khi ngồi thiền" này được viết sớm và được Trưởng lão đọc và đích thân Trưởng lão đặt bút sửa những từ ngữ chưa chuẩn. Đây là nguyên bài mà Trưởng lão đã đọc và sửa. Tôi muốn lưu những cảm nhận này ở đây như một kỷ niệm là vì vậy. 
Trong phần hai của bài viết này, tôi thử gợi ý một vài cách để vượt qua cái đau khi ngồi thiền. Với những gợi ý nhỏ này, tôi hy vọng những bạn mới bắt đầu tập ngồi thiền có hướng vượt qua cái đau, và các bạn có ý muốn ngồi thiền tự tin tham gia các khóa thiền mà không để nỗi sợ đau chân làm chướng ngại cắt mất duyên lành. 
Đây là những chia sẻ chủ quan và rất giới hạn, có gì chưa đúng, rất mong quý vị có kinh nghiệm thực hành và hướng dẫn chỉ dạy thêm.

------------------------------------  
1. Cảm nhận cái đau khi ngồi thiền
Khi ngồi thiền với tư thế kiết-già hay bán kiết-già, đau chân là một điều không thể tránh khỏi. Những ai muốn ngồi lâu 1 tiếng, 2 tiếng hay lâu hơn nữa, cơn đau đôi khi là một thử thách, làm cho tâm không thể tập trung được. Ngoài các cơn đau nảy sinh ở chân, có người đôi khi lại phải đối mặt với những cơn đau bất thường nảy sinh ở lưng, ở hông, ở vai, ở dạ dày khi ngồi thiền. Mỗi người có một cách cảm nhận về những cái đau này và ngộ ra các nguyên nhân của chúng. Và đây là một chia sẻ về điều đó.

4.5.15

Giáo dục đúng hướng phải đặt nền tảng trên tỉnh thức


Lời người dịch: Richard Brady là nhà Tư vấn Giáo Dục của tổ chức Minding Your Life Inc. Ông là thành viên sáng lập Mạng Lưới Giáo Dục Tỉnh Thức Mindfulness in Education Network. Giáo dục đúng hướng phải đặt nền tảng trên tỉnh thức là bài dịch từ bản tiếng Anh Realizing True Education with Mindfulness, bài tham luận của Richard Brady tại Hội Nghị Phật Giáo Quốc Tế tại Hà Nội nhân Đại Lễ Vesak 2551/2008 (United Nations Day of Vesak Celebrations, 13-14 May 2551/2008). Chúng tôi đã dịch bài viết này để đăng trong kỷ yếu Hội Nghị với tựa đề Để Có Một Nền Giáo Dục Lý Tưởng Qua Con Đường Tỉnh Thức. Bài viết Realizing True Education with Mindfulness nay được tác giả hiệu đính và đăng trong tạp chí khoa học Journal of the Sociology of Self-knowledge, Vol. VI, Issue 3, 87-98 với cùng tựa đề. Nhận thấy tầm quan trọng của bài viết trong giáo dục Phật giáo nói riêng và trong ngành giáo dục nói chung, đồng thời cũng nhận ra một số lỗi trong lần dịch trước, chúng tôi xin dùng bản đăng trên tạp chí Journal of the Sociology of Self-knowledge để dịch lại và chia sẻ cùng bạn đọc. Nhân đây, tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã giới thiệu cho tôi bài viết rất hay này của Richard Brady và yêu cầu tôi dịch cho kỷ yếu Hội thảo. Nhờ dịch bài này mà tôi học được rất nhiều điều hay từ giáo pháp của Đức Phật và từ tác giả. Tôi cũng xin cảm ơn các bạn mà tôi không tiện nêu tên ở đây đã giúp tôi nhận ra một số lỗi trong dịch thuật khi tôi mới bắt đầu dịch. Trong bài này, dịch sát nghĩa cái tựa vẫn là việc khó, nên tôi đành dịch thoát. Ngoài ra, còn có chỗ nào không ổn, rất mong bạn đọc chỉ giúp.  

Nội dung chính của bài viết: Giáo dục đúng hướng phải là giáo dục có mục đích đánh thức người học tự hiểu biết mình và hiểu biết thế giới xung quanh. Là người học Phật, chúng ta có thể xây dựng một nền giáo dục như vậy dựa trên giáo lý Bảy Yếu Tố Giác Ngộ của Đức Phật. Bài viết này bàn về những chướng ngại đang tồn tại trong nền giáo dục hiện đại cản trở quá trình phát triển bảy yếu tố giác ngộ và đề xuất các biện pháp có thể vượt qua các chướng ngại đó bằng con đường tỉnh thức.

---------------------------

Giáo dục đúng hướng phải đặt nền tảng trên tỉnh thức
Richard Brady
Giác Kiến dịch
Ngày nay giáo dục ở tuổi đầu đời được xem là giai đoạn quyết định nhất cho thành tựu của mỗi người trong tương lai. Trong khi đó, quá chú trọng những tựu trong tương lai lại là sự cản trở cho yếu tố thứ nhất trong bảy yếu tố  giác ngộ, làm mất đi niềm vui trong hiện tại. Học sinh càng ngày càng mất đi niềm vui do tâm lý cạnh tranh và chia rẽ trong học sinh. Vì học sinh tin rằng hạnh phúc có thể đạt được trong tương lai phụ thuộc vào những gì các em có thể đạt được trong hiện tại, các em nỗ lực học liên tục, rút ngắn thời gian nghỉ ngơi và vô tình đánh mất giá trị của yếu tố giác ngộ thứ hai, đó là thư giãn. Do có quá nhiều bài tập phải làm, quá nhiều hoạt động phải tham gia, và lòng lúc nào cũng mong chờ thành tích sẽ đạt được, khả năng tập trung của học sinh - yếu tố thứ ba - yếu đi.

Biết dừng lại là hạnh phúc

Chẳng có ai cả
Có một cuốn sách mỏng, có tựa là Chẳng có ai cả. Tác giả cuốn sách là thiền sư Ajahn Chah, do một người Việt sưu tầm và soạn dịch. Tôi có đọc qua vài trang nhưng không nhớ lắm. Tôi chỉ mường tượng và suy đoán rằng, thiền sư Ajahn Chah không nói có ai hay không có ai trong hay ngoài cuốn sách. Điều thiền sư muốn nói là tinh thần chẳng có ai cả. Đó là tinh thần không chấp dính vào một con người thực thể nào, dù ta hay người.

3.5.15

Quay về trong tỉnh thức

(Bài này đã đăng trên Nội san Vô Ưu số 55, Kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành Đạo PL. 2558 / DL. 2014).


Quay về trong tỉnh thức

Trưởng lão Sumedho | Giác Kiến dịch

Một trong những điều tôi suy tư và thấy lợi ích cho mình là hãy bắt đầu mọi việc ngay bây giờ và ở đây, ngay chỗ mà ta đang đứng. Chúng ta nên bắt đầu ngay bây giờ và ở đây để có khả năng nhận ra thân thể, tình cảm và tâm thức mình ra sao ngay trong giây phút hiện tại, thay vì bắt đầu từ chỗ “Thầy Sumedho dạy hãy lắng nghe tiếng vọng thinh không mà con đâu có nghe gì đâu – Ngài muốn nói gì với tiếng vọng thinh không?” Tiếng gọi thinh không là chuyện khác. Điều quan trọng ở đây không phải là tiếng vọng thinh không hay bất cứ điều gì khác, mà là nhận chân sự thật như nó đang là ngay bây giờ. Vì vậy, dù quý vị đang ở trong bất cứ trạng thái tâm thức nào, ví dụ đang phân vân không biết Thầy Sumedho đang nói gì, nếu quý vị đang ý thức được rằng quý vị đang suy nghĩ như vậy, đó chính là tỉnh thức.

2.5.15

Con đường dẫn đến hạnh phúc (*)

Con đường dẫn đến hạnh phúc là con đường “trung đạo.” Đức Phật Gotama đã nói như thế. Trung đạo trong ngôn ngữ mà đức Phật dùng thời ấy là majjhimā patipadā. Con đường này không giống với con đường tìm cầu hạnh phúc của số đông người đời từ xưa đến nay. 

1.5.15

Nuôi dưỡng lòng khoan dung và thấu cảm trong môi trường đa văn hóa và đa tôn giáo

(Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Tiến sĩ Padmasiri de Silva đã cho phép tôi dịch một số tài liệu của ông. Lần thứ hai gặp lại ông tại Đại lễ Vesak LHQ, 2014, Hà Nội, nhận thấy một người thực hành Pháp, tuy già, nhưng thật minh mẫn, tôi càng ngưỡng mộ ông hơn. Chia sẻ bài này ở đây để các bạn đọc, xin hồi hướng công đức cầu nguyện mọi người đều có duyên học và thực hành Pháp).

------------------------
Nuôi dưỡng lòng khoan dung và thấu cảm trong môi trường đa văn hóa và đa tôn giáo: ĐƯA “THỰC HÀNH TỈNH THỨC” VÀO CHƯƠNG TRÌNH BẬC ĐẠI HỌC

Prof. Dr. Padmasiri de Silva (Monash University)
Dịch Việt: Giác Kiến, Ph.D. (Pune University)

“Khả năng tự nguyện dẫn một chú ý đang đi rông trở về, cứ dẫn về, dẫn về nhiều lần như thế, là nền tảng căn bản của sự phán đoán, tính cách và ý chí. Nền giáo dục nào nuôi dưỡng khả năng này là nền giáo dục tuyệt vời. Thế nhưng, đề ra ý tưởng này dễ dàng hơn là đưa ra hướng dẫn thực tế để thực hiện ý tưởng ấy.” (William James)

“Cần đẩy mạnh việc ứng dụng tỉnh thức một cách có đạo đức theo phương thức khả thi phổ biến trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý và giáo dục cộng đồng. (Tuyên bố Bangkok, Vesak Liên Hiệp Quốc 2012).


Dẫn nhập
Xuất phát từ nguồn cảm hứng và phương pháp thực hành Phật giáo, bài nghiên cứu này khám phá những mục đích “giáo dục thiền định và chuyển hóa” có phạm vi lớn hơn, đặt vấn đề về phương cách làm thế nào chúng ta có thể hội nhập với những người khác đạo một cách có tính xây dựng. Cần nhấn mạnh rằng tôi nêu lên ở đây một chiều hướng mới liên quan đến Những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Để thực hiện điều này, chúng ta tập trung vào thế giới hôm nay, một thế giới mà trong đó thanh niên thường xuyên xung đột do căng thẳng nội bộ nhóm, đưa đến áp lực, lo lắng về bất đồng chính trị và thiên tai. Chúng ta cũng có thể theo lời khuyên của William James và đề ra một chương trình phát triển lòng khoan dung, thấu cảm và “lắng nghe” đối với những quan điểm trái chiều khác nhau. Khi chúng ta giữ tâm tĩnh lặng vững chãi, chúng ta sẽ có khả năng sáng tạo và nhận ra nhiều chiều hướng chọn lựa mới.

21.4.15

Đức Phật: Lịch sử và Truyền thuyết

Xin cáo lỗi: Bài viết này đã được lấy xuống. Có một điểm cần bổ sung để làm cho lịch sử được Phật được hiểu rõ hơn. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại.


Image result for buddha

10.4.15

Xớ rớ ghi ân (*)

Vo tròn lẽ sống
Trưởng lão Giác Dũng
Xin tự tánh đừng cho tôi nếp sống
Trong ấm êm nhung gấm của chương đài
Vì bên tôi còn lắm người vất vả
Sống cuộc đời phải nếm mật nằm gai.
Xin tự tánh đừng cho tôi nếp sống
Mãi sanh lòng kiêu hãnh bởi tự cao
Nhìn chung quanh bằng đôi mắt tự hào
Thành hoang đảo, đầy tôi xa vĩnh viễn.
Xin tự tánh ban cho tôi nếp sống
Phải hằng thường kham nhẫn để hòa nhau
Vì kiếp người vương vấn mãi sầu đau
Do bản ngã lộng quyền che khuất trí.
Xin tự tánh ban cho tôi nếp sống
Hạnh thanh bần biết đủ lấy làm vui
Sống yêu thương ấp ủ khắp muôn loài
Được như thế tôi vo tròn lẽ sống.


Sau khi tiễn những người bạn hiền xuất sĩ và cư sĩ ra về, tôi một mình ngồi lại trong chiếc cốc gỗ muồng tại Phương Thảo Am. Tập Tưởng Niệm Ân Sư đặt trên bàn với tôn ảnh của Thầy. Mười ngón tay đặt trên bàn phím chiếc máy điện toán nhỏ mà những con chữ sao khó hiện ra trên màn hình. Bao tưởng và niệm tràn lên trên mặt ký ức sau Lễ Tiểu Tường của Thầy tôi, Trưởng lão Giác Dũng, 25/2/Quý Tỵ - 25/2/Giáp Ngọ.