Vo tròn lẽ sống
Trưởng lão Giác Dũng
Xin tự tánh đừng cho tôi nếp sống
Trong ấm êm nhung gấm của chương đài
Vì bên tôi còn lắm người vất vả
Sống cuộc đời phải nếm mật nằm gai.
Xin tự tánh đừng cho tôi nếp sống
Mãi sanh lòng kiêu hãnh bởi tự cao
Nhìn chung quanh bằng đôi mắt tự hào
Thành hoang đảo, đầy tôi xa vĩnh viễn.
Xin tự tánh ban cho tôi nếp sống
Phải hằng thường kham nhẫn để hòa nhau
Vì kiếp người vương vấn mãi sầu đau
Do bản ngã lộng quyền che khuất trí.
Xin tự tánh ban cho tôi nếp sống
Hạnh thanh bần biết đủ lấy làm vui
Sống yêu thương ấp ủ khắp muôn loài
Được như thế tôi vo tròn lẽ sống.
Sau khi tiễn những người bạn hiền xuất sĩ và cư sĩ ra về, tôi
một mình ngồi lại trong chiếc cốc gỗ muồng tại Phương Thảo Am. Tập Tưởng Niệm
Ân Sư đặt trên bàn với tôn ảnh của Thầy. Mười ngón tay đặt trên bàn phím chiếc
máy điện toán nhỏ mà những con chữ sao khó hiện ra trên màn hình. Bao tưởng và
niệm tràn lên trên mặt ký ức sau Lễ Tiểu Tường của Thầy tôi, Trưởng lão Giác
Dũng, 25/2/Quý Tỵ - 25/2/Giáp Ngọ.
Tôi chợt nhớ mấy câu thơ con cóc tôi ghi trong nhật ký ngày lạy
Thầy đi học xa, 14/8/2003.
Thơ muốn viết giấy chừng muốn hết
Tình muốn ghi mực đã khô queo....
Hôm ấy, Thầy từ Phan Rang vào Thành phố Hồ Chí Minh, ra tận
sân bay Tân Sơn Nhất để đưa tôi đi xa cầu học. Phút ra đi, tôi xớ rớ xin Thầy:
- Thầy, con xin được hướng
tâm... nghe Thầy! - Ừm.
Tiếng “ừm” đặc giọng
của Thầy như thấm trong từng giọt nước mắt không thể chảy vào trong được nữa. Tôi
nặng lòng cất bước ra đi, Thầy nhẹ gót thong dong quay về.
Giờ nhớ lại ngày Thầy tự tại ra đi, 25/2/Quý Tỵ (5/4/2013), tôi
xớ rớ chẳng biết làm gì, chỉ biết lòng dặn lòng không quên lối về.
Ngày ấy tôi đã dại khờ viết:
Lúc Thầy ra đi,
Chúng con chưa học hết những lời Thầy dạy
Con vẫn còn thơ dại
Dưới bóng Thầy tự tại
Thầy đã tự tại đến rồi đi.
Hết sao nổi mà tôi dại khờ nói thế. Một phần rất nhỏ thôi
trong muôn ngàn bài học lớn Thầy để lại mà tôi nào đã làm được. Như lời bác lão
thành cách mạng Nguyễn Hữu Tân kể về Thầy chiều ngày 23/3/2014, trong buổi Toạ
đàm “Trưởng lão Giác Dũng: Những điều
chưa biết về một bậc thầy khả kính” tại Phương Thảo Am:
- “Làm gì
cũng phải tỉ mỉ như thợ sửa đồng hồ. Bốn chục năm trước, Ổng đã dặn tôi như thế.” - Bác Tân
kể.
Tôi nghe và để đó, thói quen của tôi là vậy. Để đó đã, chuyện
gì cũng vậy. Sau đó một ngày, chiều 24/3/2014, cũng tại Phương Thảo Am, anh Thiện
Thạnh, một người trong gia quyến thân cận với Thầy nhất, kể cho tôi nghe chuyện
Thầy “sửa” đồng hồ trong một dịp trước năm 1975 như thế nào, tôi mới ngộ ra tại
sao thầy biết và lấy hình ảnh của người
thợ sửa đồng hồ để minh hoạ cho tính tỉ mỉ mà hôm kia tôi không rõ và chỉ để đó đã. Thế đó, một lời dạy đơn giản mộc
mạc như thế mà tôi đã sống nửa đời người rồi vẫn chưa hiểu được, đừng nói chi đến làm.
Thế mới biết làm sao “học hết những lời
Thầy dạy” mà tôi đã dại khờ nói thế.
Buổi sáng, chị Nguyễn Thị Yến, trợ lý của thầy Hà Ngọc Đào về
dự Lễ Tiểu Tường của Thầy, thấy tôi xớ rớ giữa đám người bên thềm tịnh xá, chị gọi
tôi lại hỏi:
- Cốc nào
là cốc của Trưởng lão vậy Thầy?
Tôi chỉ chiếc cốc đơn sơ của Thầy mà anh Tống Ngọc Dũng và
tôi đã kể cho bác Nguyễn Hữu Tân, thầy Hà Ngọc Đào, chú Lê Văn Bình, cô Huệ Mẫn,
cô Nguyên Hoa, chú Thiện Tài và nhiều người trong buổi Toạ đàm hôm ấy.
Rồi chị mừng nói, “Thế
thì, khi xây dựng, cốc vẫn còn thầy nhỉ!”
Tôi nói “chưa chắc”
rồi tiếp tục xớ rớ tới lui.
Giờ đọc lại điều tôi nói năm ngoái:
Chỗ Thầy ở cốc ván sàn thưa
Bàn làm việc chiếc giường xưa cũ kỹ.
mà tôi cảm thấy xấu hổ, khi chỗ tôi đang ngồi để gõ những
dòng chữ này đã lót tấm nhựa sạch bóng trên sàn gỗ đã bào sạch và đóng ghép chắc
khít.
Tôi thuộc làu làu lời Thầy dạy:
Xin tự tánh đừng cho tôi nếp sống
Trong ấm êm nhung gấm của chương đài
Vì bên tôi còn lắm người vất vả
Sống cuộc đời phải nếm mật nằm gai.
(Vo
tròn lẽ sống, Trưởng lão Giác Dũng) (**)
|
Mười ngón tay tôi đang hững hờ chờ trên bàn phím thì anh B. Đ.
H., một trí thức Ki-tô giáo, đến đặt trước cốc tôi một phần điểm tâm sáng.
Nam mô Phật! Như một sự sắp đặt!? Tôi giật mình nhớ lời anh Tống
Ngọc Dũng đã hơn chục lần nói với tôi khi anh nhắc đến Thầy: Sự sắp đặt mầu nhiệm!
Những ngày đầu tiên bên Thầy, Thầy có đọc cho tôi nghe:
Xin thượng đế đừng cho tôi nếp sống
Trong ấm êm
nhung gấm của chương đài
Vì bên tôi
còn lắm người vất vả
Sống cuộc đời
phải nếm mật nằm gai.
...
Sau đó một thời gian, Thầy thường dạy và đọc cho tôi và nhiều
người Phật tử cùng nghe:
Xin phật tánh đừng cho tôi nếp sống
Trong ấm êm nhung gấm của chương đài
Vì bên tôi còn lắm người vất vả
Sống cuộc đời phải nếm mật nằm gai.
...
Ngày tôi trở về sau những năm đi xa cầu học, Thầy biết tôi
chưa học được bao nhiêu những lời Thầy dạy, Thầy lại đọc cho tôi nghe:
Xin tự tánh đừng cho tôi nếp sống
Trong ấm êm nhung gấm của chương đài
Vì bên tôi còn lắm người vất vả
Sống cuộc đời phải nếm mật nằm gai.
...
Đến đây, tôi hiểu hơn một chút về bài học “tỉ mỉ” của Thầy mà
bác Hữu Tân đã thuật lại. Không chỉ trong công việc tay chân, mà trong từng con
chữ. Tuy nhiên, từ thượng đế, đến phật tánh, rồi đến tự tánh, tôi đã học được
đâu.
Tôi nghe và để đó. Mặc dù tôi đã gọi điện thoại cho cô Nguyên
Thanh - một người cư sĩ thường thân cận
bên Thầy, thành viên Đoàn từ thiện Tự Tánh Tâm do cô và một nhóm cư sĩ ở Thành
phố Hồ Chí Minh lập theo lời dạy của Thầy - để hỏi về duyên của cái tên Tự Tánh
Tâm ấy, tôi vẫn chưa học được lời dạy
này.
Anh Đ. H. đến đúng lúc liền nhắc tôi nhớ lại lời anh kể về Thầy
trong buổi Toạ đàm ngày 23/3/2014: “Thầy
chưa bao giờ lấy Phật pháp dạy cho tôi. Mỗi lần tôi đến thăm Tịnh xá, Thầy đều hỏi
chuyện cuộc sống đời thường, đủ ân cần để tôi hiểu là mình nên trải lòng sống tốt,
sống tử tế với người. Sau này, khi đọc giáo lý Phật giáo để giúp hoàn tất phần
học cho một người bạn thân, tôi mới hiểu ra những gì thầy nói cho tôi chính là Từ
Bi trong đạo Phật, là Bác Ái trong đạo Chúa.”
Đến đây tôi vẫn chưa tin là mình đã học được lời dạy “vo tròn lẽ sống” của Thầy. Nhưng lời anh Đ. H.
chia sẻ, với những câu chuyện anh gặp Thầy như thế nào, đã giúp tôi hiểu hơn lời
Thầy dạy nhờ nhớ lại những câu chuyện Thầy kể Thầy đã đi khất thực hoá duyên ở
các xóm Đạo ở Đồng Nai, Phan Thiết, và Thầy đã vào thăm Cha lạy Chúa trong nhà
thờ khi mới về hành đạo ở Buôn Ma Thuột như thế nào.
Xin tự tánh đừng cho tôi nếp sống
Mãi sanh lòng kiêu hãnh bởi tự cao
Nhìn chung quanh bằng đôi mắt tự hào
Thành hoang đảo, đày tôi xa vĩnh viễn.
(Vo
tròn lẽ sống, Trưởng lão Giác Dũng) (**)
Nhưng tôi đã học được
đâu. Làm sao dám nói học hết.
Tôi chỉ dám viết lời ghi ân Thầy. Ghi ân các thầy, các bác, các
cô, các anh chị đã kể cho tôi nghe những lời Thầy dạy, những câu chuyện mang
theo nhiều giá trị sống trong cuộc đời của Thầy. Ghi ân các Sư, các bạn hiền đã
tạo duyên cho tôi xớ rớ để tôi có thời gian có điều kiện, để nhớ để ghi những
bài học giản dị mà uyên thâm của Thầy của bạn.
Phương Thảo Am,
8 giờ 45, ngày 25 tháng 2
năm Giáp Ngọ
Giác Kiến
Ghi chú:
(*) Bài này, theo góp ý của một người bạn, tôi đã cho đăng trên nội san Vô ưu số 53 (2014), với tựa đề "Thầy, giản dị mà uyên thâm."
(**) Hiện nay phổ biến 3 dị bản của bài thơ Vo tròn lẽ sống của Trưởng lão Giác Dũng
với một số từ khác nhau trong các bản. Ở đây, tôi dùng bản Trưởng lão đọc cho
tôi nghe sau cùng, với từ “tự tánh”
thay cho “thượng đế” và “phật tánh”.
No comments:
Post a Comment