tạp ghi của Giác Kiến







Pages

29.9.19

Dạy và học

Nhận lời mời của BGĐ Ureka Media Vietnam, tôi ra Hà Nội hướng dẫn thực hành tỉnh thức cho nhân viên Ureka chi nhánh Hà Nội hai ngày. Chương trình được thực hiện không thú vị và hiệu quả như chương trình dành cho Team HCM. Ngoài một vài điều hơi tiếc, như môi trường, nhân sự tổ chức,... nhìn chung nỗ lực của anh em Ureka Media đã làm có thể tạm gọi là... cũng được! Với anh em, tôi thấy anh em hơi thiệt thòi chút xíu vì những lý do khách quan. Với tôi, tôi thấy vui và cảm ơn anh em nhiều vì lần này tôi dạy không nhiều mà học nhiều hơn. Cả những gì tôi đã chia sẻ với anh em cũng chỉ là một cách học mà thôi.
Sự thực này khiến tôi lại suy ngẫm về quá trình học và dạy, điều mà hơn 5 năm qua tôi không nghĩ tới.
Trước khi về lại phố núi, tôi có duyên được đến đảnh lễ Đức Trưởng lão Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, năm nay ngài đã 104 tuổi. Tôi lại ghé thăm Văn Miếu ở Hà Nội, nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột. Những duyên lành này càng khiến tôi nghĩ về chuyện dạy và học nhiều hơn.
...
Cái khó bây giờ là bắt đầu lại từ đâu đây.
Tôi để đây tấm hình Văn Miếu năm xưa như một sự nhắc nhớ.
Nhớ cái duyên với Ureka, đặc biệt với Q. H., T. A., K. P., L. A.
Nhớ cái duyên với T. T., M. T., và nhóm hỗ trợ.
Tạp ghi thôi mà.


26.8.19

Chúng ta nên sống như thế nào?

Chúng tôi vừa có buổi huấn luyện tỉnh thức cùng team Ureka thật tuyệt vời. Team là chữ anh em Ureka dùng. Dường như chữ này đã trở thành thuật ngữ trong cách dùng của anh em đó, chứ không chỉ là từ dùng tạm trong đợt đi tour team-building này. Cũng như "am' đã trở thành thuật ngữ chỉ cho một cơ sở huấn luyện tỉnh thức cổ điển ở Việt Nam chứ không chỉ là một từ bình thường mà anh em dùng chỉ cho chỗ chúng tôi đang ở :)
Trong các đợt huấn luyện tỉnh thức cho anh em sinh viên và các nhóm bạn trẻ mới ra nghề, chúng tôi đều cảm thấy thú vị và học được nhiều điều hay từ các bạn trẻ.
Riêng đợt huấn luyện cùng Ureka Media này, chúng tôi vô cùng ấn tượng với sự thông minh, nhạy bén và rộng mở của các bạn trong team.

22.8.19

Giá trị tinh thần

Đây là bài phỏng vấn trên Báo Tuổi Trẻ một người bạn mới gởi cho mình. Mình muốn chia sẻ thông tin này đến một số bạn thân với vài điều nhắn gởi.
Một trong những điều mình muốn nói là giá trị tinh thần.

8.8.19

TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG



Nhà thơ Đỗ Trung Quân có một bài thơ về mẹ rất hay.
“Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngả nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?”

25.7.19

Thức và ngủ

Ai đánh thức, không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức, bất kể họ là ai.
Cao Huy Thuần

Trong loạt bài nói chuyện với các anh em học thiền gần đây, tôi thấy anh em bắt đầu quan tâm nhiều đến "tỉnh thức". Tỉnh thức không phải là điều gì mới. Tỉnh thức cũng không cần phải đặt trong ngoặc kép. Nhưng ở đây, tôi phải đặt từ này trong ngoặc kép vì nhiều lý do.
Thứ nhất, tỉnh thức đang nổi lên như một trào lưu. Đã là trào lưu, tỉnh thức chắc hẳn được hiểu theo nhiều dạng, nhiều chiều, nhiều cấp độ khác nhau. Và như thế, những người đang dùng từ tỉnh thức có tỉnh thức về hiện tượng này hay không?
Thứ hai, tỉnh thức có thể được dùng như một từ phổ thông, ai cũng hiểu được, không nhiều thì ít. Đồng thời, tỉnh thức có thể được dùng như một thuật ngữ, chỉ một chuyên môn trong Phật giáo. Một từ được dùng trong hai ngữ cảnh khác nhau, nghĩa chắc hẳn khác nhau.
Thứ ba, (qua cách diễn đạt của một số bạn, tôi cảm nhận) dường như từ tỉnh thức trong Phật giáo bị hiểu nhầm (cùng với từ chánh niệm) khi từ này được sử dụng rộng rãi.
Sống tỉnh thức. Sống tỉnh thức là sống thế nào? Đi nhẹ nhàng vào đời bằng bước chân tỉnh thức. Thế nào là bước chân tỉnh thức? Có thực vào đời bằng bước chân tỉnh thức đó được không? Ăn trong tỉnh thức. Ăn có chánh niệm. Là ăn sao? Và nhiều câu hỏi nữa. Tưởng đơn giản mà không đơn giản.

14.3.19

Sống và chết

Sống chết là một. Chết ở góc nhìn này là sống ở góc nhìn khác. Và nữa, có thể, sống là chết và chết là sống dưới cùng một góc nhìn.
Cây hoa mai tôi trồng bên thềm sống bảy năm nay, giờ nó chết. Vâng, nó chết thật rồi. Nó chết qua góc nhìn của tôi. Nhưng qua góc nhìn của đàn mối, cây mai đang sống đó. Nếu hỏi để kiểm chứng được, chúng ta thử xem.
Tôi đang sống và ngồi viết mấy dòng này đây, dưới góc nhìn của tôi. Và ngay dưới góc nhìn này, tôi cũng đang chết. Nói rõ hơn, tôi đang chết lần lần. Người ta hay nói cái đang chết này một cách dễ hiểu hơn là người ta đang tiến dần đến cái chết.
Đó, sống chết là một là vậy đó.
Ai đã từng sống chết thì  ngẫm câu này của Tổ sư Minh Đăng Quang "sống bởi chúng sanh, chết bởi mình" chắc là thú vị.
Nói vậy, chứ để hiểu sâu lẽ sống chết không phải dễ. Có lẽ nói sống và chết là hai thì dễ hiểu hơn.
Thông thường, với đời người, sống bắt đầu từ khi chúng ta hiện diện (?) trên cuộc đời này và chết là khi chúng ta ngưng thở vĩnh viễn (?) để chuẩn bị trở về với cát bụi. Sống là một quá trình, và chết là một sự kiện tức khắc (tạm hiểu vậy, chứ không chắc vậy đâu!).
Trong tiếng Hán Việt, cặp quá trình và sự kiện này được gọi là sanh và tử, nghe có vẻ thâm thúy hơn.
Tôi mời các bạn đọc Chơn Lý Sanh và Tử của Tổ sư Minh Đăng Quang để hiểu thêm về điều rất rất quan trọng này của cuộc đời mình nhé.
------------------

CHƠN LÝ 7

SANH và TỬ

1.- Vấn: Cái gì là chúng sanh?
 Đáp: Cái biết là chúng sanh.
2.- V: Cái gì sống chết?
 Đ: Cái biết sống chết.
3.- V: Cái gì sanh biết?
 Đ: Đất nước lửa gió do nhơn duyên tập mà biết lần, từ chưa biết đến thành hình biết.
4.- V: Hình dạng của cái biết mỗi lúc ra sao?
 Đ: Lúc mới tượng là thọ cảm, ví như một làn khói. Khi thành tư tưởng, tức làn khói ấy kết đặc thành hình. Kịp có hành vi thì hình khói ấy lộ ra rõ rệt. Đến thức trí, hình bóng ấy lại lâu tan. Được giác chơn, thì thân hình ấy đời đời bất hoại, lại màu sắc vàng ròng, kêu gọi là thân của biết, giác thân hay Phật thân.
5.- V: Cái hình thể của biết ấy, ta có thể thấy được chăng?
 Đ: Có thể thấy được, nếu định tâm yên lặng lại, nhìn xem sự sống đang cử động tác dụng, của mỗi chúng sanh thì ta sẽ thấy rõ rệt. Cho đến nó cũng có nói chuyện nữa, trí ta vắng lặng sẽ nghe rõ ràng từ tiếng nói của trùng dế cỏ cây Phật, Trời, Người, quỉ (ở tận phương xa) cũng nghe thấy.

6.2.19

Năng lượng tâm linh

Ngày đầu Xuân, tôi không làm gì cả, chỉ nghỉ ngơi, cảm nhận năng lượng tâm linh. Cảm sự bình yên lan tỏa. Tôi nghĩ, nhiều người cũng vậy.
Mong sự an lành đến với mọi người. Trong sự an lành, người ta mới có thể cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, bên trong và bên ngoài. Trong sự an lành, người ta mới có thể chế tác được niềm vui mà họ cần.