tạp ghi của Giác Kiến







Pages

14.3.19

Sống và chết

Sống chết là một. Chết ở góc nhìn này là sống ở góc nhìn khác. Và nữa, có thể, sống là chết và chết là sống dưới cùng một góc nhìn.
Cây hoa mai tôi trồng bên thềm sống bảy năm nay, giờ nó chết. Vâng, nó chết thật rồi. Nó chết qua góc nhìn của tôi. Nhưng qua góc nhìn của đàn mối, cây mai đang sống đó. Nếu hỏi để kiểm chứng được, chúng ta thử xem.
Tôi đang sống và ngồi viết mấy dòng này đây, dưới góc nhìn của tôi. Và ngay dưới góc nhìn này, tôi cũng đang chết. Nói rõ hơn, tôi đang chết lần lần. Người ta hay nói cái đang chết này một cách dễ hiểu hơn là người ta đang tiến dần đến cái chết.
Đó, sống chết là một là vậy đó.
Ai đã từng sống chết thì  ngẫm câu này của Tổ sư Minh Đăng Quang "sống bởi chúng sanh, chết bởi mình" chắc là thú vị.
Nói vậy, chứ để hiểu sâu lẽ sống chết không phải dễ. Có lẽ nói sống và chết là hai thì dễ hiểu hơn.
Thông thường, với đời người, sống bắt đầu từ khi chúng ta hiện diện (?) trên cuộc đời này và chết là khi chúng ta ngưng thở vĩnh viễn (?) để chuẩn bị trở về với cát bụi. Sống là một quá trình, và chết là một sự kiện tức khắc (tạm hiểu vậy, chứ không chắc vậy đâu!).
Trong tiếng Hán Việt, cặp quá trình và sự kiện này được gọi là sanh và tử, nghe có vẻ thâm thúy hơn.
Tôi mời các bạn đọc Chơn Lý Sanh và Tử của Tổ sư Minh Đăng Quang để hiểu thêm về điều rất rất quan trọng này của cuộc đời mình nhé.
------------------

CHƠN LÝ 7

SANH và TỬ

1.- Vấn: Cái gì là chúng sanh?
 Đáp: Cái biết là chúng sanh.
2.- V: Cái gì sống chết?
 Đ: Cái biết sống chết.
3.- V: Cái gì sanh biết?
 Đ: Đất nước lửa gió do nhơn duyên tập mà biết lần, từ chưa biết đến thành hình biết.
4.- V: Hình dạng của cái biết mỗi lúc ra sao?
 Đ: Lúc mới tượng là thọ cảm, ví như một làn khói. Khi thành tư tưởng, tức làn khói ấy kết đặc thành hình. Kịp có hành vi thì hình khói ấy lộ ra rõ rệt. Đến thức trí, hình bóng ấy lại lâu tan. Được giác chơn, thì thân hình ấy đời đời bất hoại, lại màu sắc vàng ròng, kêu gọi là thân của biết, giác thân hay Phật thân.
5.- V: Cái hình thể của biết ấy, ta có thể thấy được chăng?
 Đ: Có thể thấy được, nếu định tâm yên lặng lại, nhìn xem sự sống đang cử động tác dụng, của mỗi chúng sanh thì ta sẽ thấy rõ rệt. Cho đến nó cũng có nói chuyện nữa, trí ta vắng lặng sẽ nghe rõ ràng từ tiếng nói của trùng dế cỏ cây Phật, Trời, Người, quỉ (ở tận phương xa) cũng nghe thấy.

6.- V: Tại sao cái biết đó linh diệu?
 Đ: Cái biết linh diệu là nhờ vắng lặng; khi nó đứng ngừng thì cái điển của nó thâu rút được các pháp khắp nơi. Càng yên lặng một chỗ thì càng vung tỏa ra rộng lớn cũng như ánh sáng ngọn đèn, như lò máy điện. Cái biết mà được thong thả khỏe khoắn, thanh nhàn, khoái lạc yên tịnh thì có được đủ sức mạnh thần thông.
7.- V: Tại sao cái biết có nhiều tên gọi như thọ, tưởng, hành, thức, giác?
 Đ: Chính cái giác mới là đúng tên của biết, là sự biết hoàn toàn sáng suốt không mê lầm. Còn thọ tưởng hành thức là cái biết mới tượng sanh, mới tập nảy cũng như cái hột còn lép còn non, mới cứng mới già cũng tạm kêu là hột vậy.
Cái biết mới kêu là thọ cảm, cũng gọi là tình.
Cái biết khá hơn kêu là tư tưởng, cũng gọi là ý.
Cái biết lớn rộng nữa kêu là hành vi, cũng gọi là thân.
Cái biết cứng chắc hơn kêu là thức trí, cũng gọi là khẩu.
Cái biết già kêu là giác, cũng gọi là tánh, hay tâm chơn.
Tình thọ và ý tưởng, cũng gọi là tâm vọng.
   Thân hành và khẩu thức, cũng gọi là trí phàm. Tâm vọng nói đây là cái tim sống hay là ngòi sống phát sanh từ nơi tứ đại, trước nhứt là cỏ cây thú. Tâm vọng sanh trí phàm là sự khổ sở điên đảo, do đó mới có pháp thánh chơn, để nuôi tánh giác là Phật.
8.- V: Cái biết ấy có sống chết chăng?
 Đ: Nếu nuôi mãi thì nó sống hoài, còn giết hại thì nó phải chết mất, theo hồi giết hại.
9.- V: Cái gì nuôi nó sống? Cái gì giết nó chết?
 Đ: Thiện vui là nuôi nó, ác khổ là hại nó.
10.- V: Cái sống của biết là sao? Cái chết của biết là sao?
   Đ: Cái biết sống là tỉnh táo, định yên, cứng chắc mạnh mẽ, trong sạch, vui mừng, tìm xét sáng suốt, không loạn vọng, không xao động. Cái biết chết là điên cuồng, rối trí, tán loạn, mê sảng, đến mất cái biết, tiêu tan cái biết không còn biết gì nữa. Vả chăng cái biết là sự kết hợp tập lần của các pháp, mà nơi đây sự điên đảo tán loạn mê sa làm cho hư rã tan hoại.
11.- V: Trong sắc thân này, cái biết ở tại chỗ nào?
   Đ: Chỗ nào nó cũng ở cả, nhưng chẳng bao giờ ở đứng hoài một chỗ, hễ chỗ nào bị xao động kích thích, hoặc gặp phải sự thái quá bất cập, thì nó mới đến ngay chỗ đó biết ở đó. Cái biết chỉ có một, khi đang ở chỗ này thì không có ở những chỗ kia.
12.- V: Khi ngủ, cái biết ở tại chỗ nào?
   Đ: Đã là cái biết ngủ nghỉ, thì nó ở tại cái mê say chớ không ở chỗ nào hết. Cũng như kẻ say rượu, như người hửi thuốc mê, thì nó là say mê, chớ không phải ở đâu cả. Ví như người kia ở trong nhà đóng kín các cửa, thì không ai có thể nói nó ở tại chỗ nào; bao giờ có một cửa mở hay là xao động tại đâu, là nó ở tại chỗ đó. Trước khi ngủ mê say, người ta yếu xuội, đờ ra, và hơi thở nghe êm nhẹ điều hòa, rồi thiếp hẳn tại chỗ hơi thở và yếu xuội đó; cho nên lắm kẻ nói rằng: Khi ngủ cái biết ở tại hơi thở, vì còn sống là còn hơi thở. (Nếu như nói vậy thì trái tim cũng vẫn đang đập, máu cũng vẫn đang chạy nữa kia? Còn nhiều kẻ ngủ mê, lại đi đứng ngồi hay cử động; như vậy là đâu phải ở riêng nơi hơi thở). Xác thân như chiếc xe hơi, máy vẫn chạy đằm làm sự sống, còn cái biết như người chủ, là khác hẳn với chiếc xe.
Trước kia là cái sống sanh lần cái biết, khi có biết rồi thì biết và sống là hai, chớ không phải một. Cũng như cây và hột, trước là cây, sau là hột. Cây hột khác nhau, khi cây chết là còn hột. Cho nên thân người có chết, thì cái biết của thân ấy vẫn còn. Cái biết là con, hay là tinh ba của sự sống nơi thân thể vậy.
13.- V: Tại sao có chiêm bao?
   Đ: Chiêm bao có nhiều cách. Khi thức cũng chiêm bao thay, lựa là nói lúc ngủ? Cái gì lại không phải là chiêm bao? Khi thức đây mà lúc thì ta nhớ thấy chuyện đã qua, xét thấy việc sẽ đến, nhận thấy sự hiện tại, nhận thấy cảnh ngộ nhơn duyên, nhận thấy tư tưởng mình, nhận thấy sự thái quá, nhận thấy sự bất cập, nhận thấy bởi thất tình lục dục, nhận thấy bởi kẻ khác đến, đồ vật ai đem cho v.v… Tóm lại, cái thấy nào cũng là mộng ảo huyễn cảnh cả. Ta đang ở trên mặt đất của quả địa cầu này, mà đó là chỗ nào của võ trụ, và chúng sanh vạn vật, với các pháp vốn không thường, khi ẩn khi hiện, khi có khi không, khi còn khi mất, khi đến khi đi, khi sống khi chết, nào ta có thấy chắc thiệt cái gì đâu? Trong giấc ngủ mơ cũng thế, khi cái biết đã thức mà xác thân còn mê mệt, thì cái biết hành động tự ý nó, nó thấy ra tất cả như khi thức chớ sao? Cũng có đôi khi ta thấy thần quỉ Phật Trời thiệt, nhưng lại là rất ít, vì ta với họ khác nhau về cảnh giới, nào có liên quan gì nhau.
Phần nhiều chiêm bao là bởi sự kích thích, lúc trước khi ngủ hay đang ngủ, bị nóng lạnh, nhức mỏi giựt mình, lo sợ, vọng tưởng… bởi pháp tương đối, hoặc lúc thức, cái biết đang bị nhốt trong cảnh trí nào đó, vì vậy mà có lắm sự chiêm bao như lúc thức. Vả lại các sự chiêm bao không ích lợi bằng thiện lành, kẻ mà biết ngăn ác là đáng tin cậy hơn vậy.
14.- V: Sau khi chết rồi, cái biết sẽ đi đâu?
   Đ: Nó đi theo cái nghiệp của nó, cũng như kẻ sống đây có khác gì? Cờ bạc đến chỗ cờ bạc, uống rượu đến chỗ uống rượu, ác đến chỗ ác, thiện đến chỗ thiện, đạo đức đến chỗ đạo đức… mà kết quả của nó là sự yên vui hay rối khổ, định hay là loạn vậy.
15.- V: Lúc xác thân chết, cái hình dạng của  biết xuất ra bằng cách nào?
   Đ: Lúc chết thiếp đi như say rượu, như say thuốc, như ngủ quên, như hít phải thuốc mê nào có biết gì! Cũng như người lái xe nằm ngủ quên trong xe, khi giựt mình thức giấc mới biết là xe đã chết máy lạnh hư, sét cứng rồi. Người chết hoặc mê sảng, hoặc ngủ quên, khi tỉnh dậy thì máu đã trắng, xương thịt đã cứng, lạnh hết hơi, thì mới biết mình đã chết thân, hư nhà, thôi thì muốn đi đâu là đi theo ý trí tình vọng. Với kẻ ác, kẻ khổ sở nặng nề, thì mê muội lâu hơn là người thiện thanh vui nhẹ, tùy theo hột giống gieo tạo của mỗi người trong lúc sanh tiền.
16.- V: Cái biết bao lớn và ra sao?
   Đ: Khi ta ngước lên không, thì cái biết của ta là bao la vô cực. Lúc ta lựa từ hột cát, thì cái biết của ta là hột cát. Khi ta xỏ chỉ vào lỗ kim, thì cái biết của ta bằng lỗ kim. Lúc ta thấy con gà, con vịt, cọng cỏ, cái cây, thì cái biết của ta là gà vịt, cỏ cây. Tai nghe tiếng, biết là tiếng. Mũi hửi mùi, biết là mùi. Lưỡi nếm vị, biết là vị. Thân đụng vật mềm, biết là mềm. Ý nhớ người ta, biết là người ta. Trí phân biệt thiện ác, biết là thiện ác. Gặp màu xanh đỏ trắng vàng… biết là xanh đỏ trắng vàng. Thấy món vật tròn hay dài, là biết tròn hay dài. Chú ý nơi xa, biết ở xa; tưởng tượng gần, biết là gần. Thoạt xứ này, thoạt cõi khác, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài v.v... Cái biết là bao gồm vạn pháp, mà lúc nào nó cũng chỉ có một thôi. Hễ biết cái này thì không biết cái kia. Biết nhiều khổ nhiều, biết ít khổ ít, không biết là không khổ; hay là muốn dứt khổ, thì cái biết phải cho định, hoặc phải cho đầy đủ toàn giác. Biết loạn là ma, biết định là Phật… Cái biết hằng định trong mỗi lúc, hoặc biết đầy đủ rồi là định. Có Định mới yên vui, gọi là cái biết đứng vững, sống đời, thiệt thọ, kêu là giác.
17.- V: Cái gì là ta và có bao nhiêu cái ta?
   Đ: Tiếng ta là tư kỷ bổn ngã, do sở chấp mê muội ai cũng tự ái, tự đắc, tự tôn, tự thị, tự kiêu mà cho rằng ta là vầy đúng, ta là vầy phải… Cái ta ấy là biết, cái biết của mỗi trình độ nhơn duyên bao giờ cũng khác nhau chớ không giống một. Các cái biết ấy đều phải cho họ cả, không có ai trật sái hết; nhưng nếu có một người nào toàn giác biết đầy đủ cả, thì không bao giờ tranh cải, người cũng không nhận cái ta ở một chỗ nào, tùy theo duyên, cái ta biến hiện trong mỗi lúc, chớ không phải là sở trụ mà cố chấp được, nên gọi là cái ta vô thường, hay các pháp không ta. Nếu tất cả đều được toàn giác như thế, thì cả thảy đều có một cái ta như nhau, không khổ não; khác hơn là muôn vạn cái ta của chúng sanh không định, biết đâu mà lường, khi nói vầy, khi tính khác, chấp kia chấp nọ mãi, mà định mạng của cái ta chẳng biết tại chỗ nào, bởi càng quấy tung, tâm trí càng nát nhừ bấn loạn: cho nên gọi chúng sanh chưa có ta, chư Phật mới có ta, cái ta toàn thể như một.
18.- V: Cái hình bóng của biết nhập thai bằng cách nào?
   Đ: Đã là hình bóng như làn khói, là một điện lực mạnh mẽ, thì ra vào trong thân thể người lúc nào lại không được. Thân thể ta vốn trống thông các lỗ hơi, gió trong ngoài thường ra vào, thì sự nhập thai đâu phải lạ. Có điều là ta nên hiểu rằng: nếu bọc thai trống không, không có tinh huyết, thì không lấy gì mà tượng hình được, dầu cái hình bóng của biết, có vào ở trong ấy bao lâu cũng không sanh sản được. Cho nên cần phải đợi cho có sự giao hiệp, tinh huyết đầy đủ mới nên sắc thân đặng. Tinh huyết ấy có đủ bốn chất tứ đại là đất nước lửa gió, cho nên gọi tứ đại là thân, hay là thân tứ đại.
19.- V: Người ta nói cái thần hồn là gì? Phách là gì?
Đ: CÂY có phách là tình thọ, hay thọ cảm, cũng như đứa trẻ nên ba tuổi.
THÚ có hồn là ý tưởng, hay tư tưởng, cũng như đứa trẻ được sáu tuổi.
NGƯỜI có hành vi, gồm cả hồn phách thọ tưởng, cũng như người nhỏ tuổi mười hai.
TRỜI gồm cả thọ tưởng hành, mà sanh thức trí, kêu là thần thức, cũng như người lớn ba mươi tuổi.
PHẬT là giác chơn hay tánh, gồm cả thọ tưởng hành thức, cũng như ông già trên bốn mươi tám tuổi.
Ấy vậy hồn phách hay thần thức, là người ta chỉ về cái hình bóng của biết, hay thân hình của biết. Tuy nói khác tên chớ hiểu ra thì có một. Còn về pháp thì không nói thân hình bóng của biết ấy, mà chỉ rõ ra danh từ của mỗi trình độ của biết, là thọ, tưởng, hành, thức, giác vậy thôi. Đó là lý và sự. Hiểu nơi lý thì rộng đường cho trí, chấp theo sự là nói hẹp cho kẻ tối tăm dễ hiểu, nên gọi là linh hồn cũng đủ.
20.- V: Sự sanh thân có mấy cách?
   Đ: Sanh thân nơi người có bốn cách:
a. CÓ LINH HỒN NHẬP THAI TRƯỚC là cây và thú, vì khổ sở lâu ngày, nên sau khi chết, nhập thai người liền, để tấn hóa và yên vui hơn. Với lại những người ác như thú, trơ độn như cây, sau khi thác, vì sợ tội lỗi, vì sợ khổ sầu, vì quả báo oán thù oan trái, vì luyến ái mê nghiệp đắm trần, mà nhập thai trước trong bụng người, như giành chỗ, chư choán phần, như trốn tránh, như bị kẻ khác kéo lôi. Hoặc tự mình nhập thai, hoặc bị người bắt buộc phải nhập thai trước để sanh ra đặng đền ơn hay trả oán.
b. THAI TƯỢNG KHÔNG CÓ LINH HỒN là do chất tinh của cha, huyết của mẹ, đầy đủ thể chất là thành hình, cũng như hột giống cây sanh cây, hột giống cỏ sanh cỏ, hột giống thú sanh thú, hột giống người sanh người, tinh ba của cha là giống hột, huyết kinh của mẹ là đất nước sanh ra đứa con cũng như cỏ mới mọc vượt lên. Chất tinh ba năng sanh xương gân, chất huyết kinh năng làm máu thịt do đó tượng thân người. Cũng có những thai người, do tư tưởng mong muốn có con, của người cha hay mẹ, mà sanh đứa con và sẽ giống cha hay giống mẹ, tức là thai bào tư tưởng do cha mẹ chiết để tư tưởng mình vào đó mà thành hình, dầu tinh huyết có kém chớ tư tưởng vẫn mạnh hơn nên tượng sanh được. Đoạn này ta thấy sự chiết tư tưởng là một sức mạnh linh thiêng, mà cục đá, khúc cây, hình cốt, nơi chỗ thờ phượng, có nhiều người khấn nguyện tưởng tượng để ý mình chăm chú vào đó, lâu ngày sẽ linh ứng có hồn, đây tức là hồn nhân tạo, cha mẹ sanh con, sanh cả thân và tâm. Thuyết cha mẹ sanh con này cũng giống như tứ đại đất nước lửa gió sanh cỏ cây thú người Trời Phật, vì xác thân của người ta cũng là tứ đại đất nước lửa gió vậy.
c. NHỮNG THAI KHÔNG CÓ GIAO DÂM: Có những thai thần thông, do các bậc tiên thánh quỉ thần dùng tư tưởng riêng của mình mà cho đi nhập thai, tượng hình trước, để khi sanh ra rồi các vị ấy mới đến nhập vào. Những thai này cũng không cần chất tinh ba của cha, mà vẫn phải có bằng phép linh diệu kỳ thuật.
d. LINH HỒN SANH KHÔNG NHẬP THAI: Bậc trong sạch trọn lành, không hạp nơi nhơ uế, sự giáng sanh là để cứu thế độ đời, tự lòng từ bi chớ không phải sự ép buộc, hoặc mê trần, nên không hay nhập thai trước, khiến nên chúng ta hằng thấy nhiều người lúc lâm bồn khai hoa có nhiều điều quí lạ, hoặc đứa trẻ sanh ra mà còn chờ chủ, đến năm bảy năm vẫn trơ trơ, rồi thình lình trở nên sáng suốt hay diệu lạ kỳ. (Đó là bốn cách sanh thân vậy).
21.- V: Bốn cách sanh ấy đứa trẻ có khác nhau chăng?
   Đ: Sắc thân thì không mấy khác, vì là cũng đều ở trong miếng đất của người mà ra, song cái biết thì khác nhau nhiều, và bẩm tánh không đồng:
Đứa trẻ cây sanh, thì đần độn.
Đứa trẻ thú sanh, thì ngu muội và hung ác.
Đứa trẻ người ác sanh, thì xảo trá, ngang tàng, xấu xa.
Đứa trẻ người thiện sanh, thì hiền lương, dễ dạy, tốt đẹp.
Đứa trẻ quỉ thần sanh, thì lanh lợi, quỉ quyệt, khác thường.
Đứa trẻ tiên thánh sanh, thì có đủ đức tánh quí lạ.
Đứa trẻ cha mẹ sanh, không hồn trước, thì dạy đâu biết đó, chậm tấn hóa hơn là kẻ đã có hồn sẵn. Những đứa trẻ này mới sanh mà bỏ chỗ vắng cho chết luôn, thì cái biết lại chết luôn, hoặc nó có chất sống mà không ai dạy, không gặp chi cả thì không biết gì hết, chỉ như cọng cỏ khúc cây thôi.
22.- V: Có phải khoa học nói không hồn là đúng chăng?
   Đ: Khoa học là các môn học, tức là sự học chung về sự vật. Môn siêu hình học thì ít người chăm chú, vì mảng lo đeo đuổi theo vật chất hữu hình. Chớ chơn lý hay Phật pháp đâu phải khác. Chính khoa học là ở trong thế giới, mà Phật học là bao gồm võ trụ rộng hơn! Thế nên khoa học là còn đang học, thì bao giờ cũng còn đi sau và ở trong giáo pháp của chư Phật.
Môn siêu hình học biết có Phật, Thánh, Tiên, Thần, ma, quỷ thì đó là hồn của thân xác vậy. Luận về cái sống của các bộ thần kinh trong thân, thì như bộ máy xe hơi, mà hễ có xe thì sẽ có sự điều khiển là cái biết, biết lần cho đến nên hình là người chủ xe, cỡi lại xe. Thân tứ đại của người, không phải như sắt, thép, lẽ nào lại chẳng tượng sanh cái biết và có hình: Cỏ cây kia ta còn thấy nó có cái biết lần thay! Ấy bởi chấp thân mà không thấy cái kết quả của thân như nhìn cây mà không thấy hột của cây. Cây chết hột còn, thân mất cái biết còn. Chính cây sanh hột, chính thân sanh tâm vậy.
Vả lại sự sanh có bốn cách, nếu nói chỉ có tứ đại: đất nước lửa gió là sự sống chớ không có cái biết sao? Vậy còn ai biết cái gì đang hiểu đây, đang nói đó? Biết là cái tập của tứ đại nếu nói tứ đại, mà biết thì đất đá kia, bảo nói chuyện xem có được chăng? Còn nói chết rồi hết biết thì hỏi cái biết ấy đi đâu? Lại nếu nói cái biết mới càng sanh thì cái biết cũ trốn đàng nào?
Đời nay có thánh linh giáo, thần linh học, sao lại còn nói là không có hồn linh? Chỉ có kẻ thật chuyên môn siêu hình học luận, mới nhận rõ ràng được sự sống chết của cái biết linh hồn. Vậy nên câu nói ấy chỉ trúng có một khoảng đầu và trúng có một cách, trong bốn cách sanh thân kia vậy.
23.- V: Xin nói cho rõ, thân sanh tâm hay tâm sanh thân?
   Đ: Trước là thân sanh tâm, khi có tâm rồi, nếu luân hồi, thì tâm sanh thân là lẽ sau.
24.- V: Có phải mỗi linh hồn đều sống mãi và tấn hóa đến thành Phật hết chăng?
   Đ: Có sống có chết, sống thì ít, mà chết thì nhiều, nhưng lớp khác vẫn tấn lên mãi. Cũng như học trò đi thi, trong số mười chỉ đậu có một hai, kẻ đậu thì đi tới, kẻ rớt ở lại, hoặc đi ra, và còn kẻ khác mới bước lên nữa.
Mười cọng cỏ, có được một thành cây.
Mười cái cây, có được một sanh thú.
Mười con thú nhỏ, có được một con thú lớn.
Mười con thú lớn, có được một con sanh người.
Mười người, có một người thành Trời.
Mười vị Trời, có một vị đắc quả Phật.
Cũng như một cái cây có lá một muôn, bông một ngàn trái một trăm, đến thành hột chỉ có mười và hột tốt lớn thì chỉ có một. Mà qua lớp này thì có lớp khác tiến ra nữa.
25.- V: Cõi siêu hình Trời Phật ở tại đâu?
   Đ: Không gian võ trụ bao la, vô số địa cầu thảy là tứ đại, thì thảy in như nhau không khác, nào đợi phải đi đâu! Có thế giới đang có Phật nhiều, có thế giới đang có Trời nhiều, có thế giới đang có người nhiều, có thế giới đang có thú nhiều, có thế giới đang có cây nhiều, có thế giới đang có cỏ nhiều, có thế giới đang có đất nước lửa gió mới tượng. Cũng như nơi loài người có xứ đang có ông già nhiều, có xứ đang có người lớn nhiều, có xứ đang có trẻ em nhiều, có xứ đang có phụ nữ nhiều, có xứ đang có nam nhân nhiều, có xứ người tu đang có nhiều, có xứ kẻ thiện đang có nhiều, có xứ kẻ ác đang có nhiều, có xứ đang vui cười, có xứ đang khóc lóc v.v… nói chẳng hay cùng. Nhưng bởi địa cầu thế giới là do tứ đại mãi lăn xoay, cho nên chốn nào cũng dời đổi không thường, hoặc lâu hoặc mau. Vậy thì tâm Trời Phật, ở chỗ Trời Phật, tâm người thú đến ở chỗ người thú, tâm quỉ ma thì đi lại chỗ quỉ ma. Cũng có kẻ lựa chọn chỗ tốt xấu, hoặc đi qua thế giới khác, hoặc đi xứ khác, nhưng dầu ở đâu đi nữa, thì cũng không bền lâu. Tốt hơn là ở chỗ tâm mình, tâm mình tạo quyến thuộc cảnh ngoài, ai ai sự chi dời đổi, mà tâm mình thì phải cho nhứt định, mới có yên vui được.
Vậy nên phải lựa chọn cái tâm, bằng được tâm thiện, tâm huệ, tâm chơn, thì dầu cảnh nào đi nữa, nó cũng vẫn tìm chỗ thiện huệ chơn của nó, và sẽ luôn luôn chung cùng với quyến thuộc thiện huệ chơn, để hưởng sự yên vui mà thôi.
Trái lại ác mê vọng thì phải rối khổ chết tiêu, và ở đâu đi đâu cũng không được, lại chẳng bao giờ có quyến thuộc thân cận, đời nó bao giờ cũng lẻ loi, lạnh lùng trong bóng tối, thúi dơ, nặng nề, khổ sở. Sống cũng vậy, mà chết mất thân rồi thì tâm hồn nó cũng vậy, nó ở theo cái tâm của nó.
26.- V: Người ta nói địa ngục dưới đất phải chăng?
   Đ: Đức Phật nói rằng: giữa ruột trái đất là bộng trống tối đen, lửa cháy, vách sắt, dưới sâu dơ dáy… là quyền giáo ví dụ. Chớ thật ra, Thiên đường là thiện đạo, địa ngục là ác đạo, thiện là trên, ác là dưới. Kẻ ác trược là dơ dáy, thấp thỏi, sâu độc, tham lam là vách sắt, sân dục là lửa cháy, si mê là tối đen, vật chất là đất bao bọc nấm mồ. Muốn dễ hiểu ta hãy nhìn xem giữa buổi chợ đông thì thấy rõ. Cảnh do tâm, tâm nào thì hạp cảnh nấy, đợi gì sống chết và ở đâu đâu.
27.- V: Do đâu mà kẻ nói chết còn, người nói chết mất?
   Đ: Bởi kẻ ác nói liều, kiếp này làm ác vui chơi cho thỏa thích, đời sau sẽ tu cũng không muộn, nên bậc hiền thánh dạy rằng: Công lý tương đối của võ trụ vốn công bằng, được bây giờ thì mất về sau, được thân thì mất tâm, được ngoài thì mất trong, thái quá thì bất cập, sanh thì tử, nếu như đời trước không tu tập phước đức, mà đời nay lại làm tội quá ác, thì e sau khi chết, linh hồn, cái biết, bị quả báo điên khổ mà tiêu tan, thì còn có đâu đời sau nữa mà hòng tu?
Còn như kẻ ác nói ngang: chết là mất, nếu không làm ác vui chơi bời là khờ dại. Bằng như đời trước không làm tội gây nghiệp, kiếp này phước dồn đang hưởng, mà lại quá ác xài nhiều, có ra không vô, thì sau khi chết đi, linh hồn cái biết chưa bị khổ, chưa bị khổ điên chết mất, đến lúc sanh ra đời sau, hết phước mà lại chịu quả báo tội nghiệp thì khổ lắm, chịu sao cho nổi?
Thế nên, kẻ ác nói đoản thì Phật Thánh chỉ chỗ trường, cho nó biết tu mà nhớ lấy. Còn kẻ ác nói trường thì Phật Thánh chỉ chỗ đoản, để giác ngộ cảnh tỉnh mà cứu nó về sau. Đời sau kẻ chẳng rõ lẽ ấy, nên mới có câu: “Chết còn, chết mất”, chớ còn mất là tại nơi thiện hay ác của mỗi người gây tạo.
28.- V: Tiêu diệt cả thân tâm bằng cách nào?
   Đ: Kẻ ác, trẻ con, rủ nhau làm thiện là ít ai hưởng ứng. Bằng hô lên làm ác, giết trâu bò, thì lại rất đông nhiều, không kêu cũng tới, không mời cũng bu, một dao thêm một dao, một mạng thêm một mạng; lại còn khen hay khoe giỏi vi cánh càng to, thiếu chi người xu bợ. Cũng như kẻ lượm đất liệng lên không, có trớn rất mạnh, rất cao, hết trớn thì đứng lại và rồi rớt xuống, càng to lớn nặng nề, càng sa nhào mau lẹ, đã lún sâu mà còn tan rã mất hình hài. Kẻ ác cũng thế, lúc đầu thì bạo phát và sẽ bạo tàn kế đó. Trước tập ác với thú, ác lần tới người, ác với kẻ xa, rồi lại ác với người gần là đồng bọn nó. Nó bị phản bội thế lực tan rã, nó bị thương, bơ vơ, đói khát, tàn tật… mà bởi tánh ác đã quen cao, không hạ thấp xuống được, mới sanh tức khí, bất mãn, khổ giận, lại bị trả thù, ai ai đều ghét. Cái khổ làm cho nó ngây khùng mất trí, khổ quá bủn rủn mất cả hành vi cử dộng. Gần như thú, chơi với thú, ghét loài người. Khổ nữa và thêm sự hành phạt cuồng điên, mất cả tư tưởng, ghét thú, mến cỏ cây, ở nơi lùm bụi; và rốt cuộc sự điên khổ đói bịnh hành phạt, làm cho đứt luôn thọ cảm, hết biết, mất biết, không còn biết; cái biết kết tập lâu ngày tan mất! Kẻ ấy quá khùng điên không giảm làm mất thọ cảm, không còn biết cỏ cây thú người, và sự nhập thai, ăn uống chi cả, thì thân tâm tiêu diệt, tiêu cả bóng hình. Cảnh khổ ấy gọi là địa ngục vô gián a-tỳ. Kẻ ác vương mang, thì không còn phương nào ai cứu chữa, và cũng khó lại gần nó, mà nào có ai thương tiếc gì nó đâu?
KHỔ ĐIÊN CÓ HAI CÁCH
Kẻ ác điên khổ thì tiêu diệt. Còn người thiện vì lo, vì quá học mà điên, thì như đi nhảy cấp sụt thang, điên sảng chỉ một thời gian thôi. Bởi nhờ hiền lương, có kẻ thương yêu săn sóc, chăm nom chiều chuộng ở gần, nên chẳng bao lâu được tỉnh lại lần, như đứa trẻ tập biết lần lần khi mới lớn.
Nhiều bịnh điên nhứt là khổ vì tình dục, chính khổ ái ân là lưỡi kiếm giết tâm hồn, diệt tiêu cái biết đau đớn vô ngần. Kẻ khổ điên vì tình mà làm ác thì mau chết lắm, nhưng nếu thiện lành là còn cứu chữa được. Thế nên Phật dạy: Tình dục là cửa địa ngục a-tỳ!
29.- V: Nếu vậy ai cũng có thể tiêu diệt hết sao?
   Đ: Đừng giựt mình, hãy làm thiện là tấn hóa và nuôi sống mãi vậy. Lẽ sanh diệt của tạo hóa có chi lạ, thân cũng vậy mà tâm cũng vậy. Chớ nếu càng sanh mà không diệt, thì xưa nay đất đâu mà chứa hết chúng sanh? Nào riêng loài người, loài thú, cây, cỏ kia, sao không ai nghĩ đến mà thương xót cho nó. Làm ác giết người, người chết thân mà còn tâm, trái lại mình cái tâm đã chết, hột giống tâm đã đứt, còn thân thì sau sự vay phải trả, phải đền bù bằng cái chết. Thế rõ ràng là mình tự giết thân tâm mình đó! Sự thật, xưa nay nào ai dám nghĩ đến, hoặc nhắc cho lẽ ấy, nhưng sao ta làm ác lại lo hoài và nhớ mãi, chỉ ngó tới mà chẳng tin rằng là có sự lui. Trong đời đâu có lẽ tốt hảo tuyệt đối cho riêng ta vậy.
30.- V: Làm thế nào mới thành Phật và sống đời đời?
   Đ: Không khó! Một con thú mới tái sanh ra làm người, chỉ biết ăn, kiếm ăn để sống và rồi chờ chết; nhưng lâu ngày nhàm chán mệt mỏi. Một hôm đi ra đường gặp kẻ đói khó hơn nó, nó liền bố thí cái dư của nó giúp người. Nó được lời cảm ơn và khuyến khích, nó vui mừng sung sướng, nó no mát nhẹ nhàng, nó thấy hay hay mới lạ, và từ đó nó ham bố thí, quên mình mà nghĩ đến người, mặc cho kẻ khác chê cười ngu dại, nó siêng làm việc cho kẻ chung quanh, để được vui trong tâm và làm gương trong cõi đời về sau cho trẻ nhỏ, nhờ vậy mà thân tâm nó càng được trong sạch, yên lặng và sáng suốt lần lần. Nó gặp được sự ích lợi thanh cao, chơn thật, nó hiểu được con đường sống có ý nghĩa! Nó làm phải cho một gia đình, người ta coi nó như cha. Nó giúp cho cả làng tỉnh, người ta kỉnh nó như quan. Nó thương yêu cả xứ, người ta mến nó như vua. Ai cũng muốn gần nó, nương dựa dưới sự mát mẻ êm ái của nó. Khi trọn phận sự của kiếp người, bằng xác thân vật chất, thì nó chết, nó đi nghỉ mệt ở núi non, mà ôn nhớ lại những sự lành, để cho tâm hưởng ăn no đầy khoái lạc.
Trước khi nó chết, sau khi nó chết, đang khi nó chết, cũng có nhiều kẻ chết. Họ chết sau sự khổ nạn, họ tìm nó và đến ở chung với nó, để nhờ nó an ủi dạy dỗ tâm hồn. Lần lần xã hội siêu hình của nó càng đông, nơi đây nó làm vị vua Trời bởi người ta tôn, cũng như ông thầy giáo bước lần lên Đốc học.
Kẻ thiện lành dầu câm cũng biết nói, nói lời lành ai cũng mến. Kẻ ác dầu học giỏi cũng như câm, vì nói chẳng ai nghe. Nơi đây nó tập nói, lần lần sáng trí hoàn toàn giác ngộ, thấu chơn lý và đắc đạo. Nó bước đi thêm một bước, để dạy đạo giải thoát Niết-bàn, và đi giáo hóa khắp nơi cùng xứ. Cho đến khi thành đạo to lớn, có người thay thế, nó bèn nhập định hưu trí nghỉ ngơi (Niết-bàn Như Lai). Đến đây cái biết cứng đầy no vui sống mãi, nghỉ dưỡng đời đời, trường sanh bất diệt. Hình bóng của biết đã trở nên một sức mạnh không tan, sắc vàng chói rực, muôn loại kỉnh thờ, gương lành giáo lý phóng khắp cùng nơi, đời đời sống mãi, quét sạch bụi hồng.
Đó là từ thú đến người, đến Trời, đến Phật, mỗi bước đi lên, không tự cao chấp lầm đứng nghỉ, ấy cũng chỉ từ nơi cái thiện mà nên được.
Vậy chúng ta hãy ráng noi theo gương lành này đặng diệt trừ hết ác, làm tất trọn lành, thương dạy cả chúng sanh chung, bình đẳng bác ái, không lựa nhỏ lớn sang hèn, thì mới chắc mong thành Phật sống đời, yên vui không còn rối khổ.
Vậy thì ai ai cũng nên là Phật hết.










No comments: