tạp ghi của Giác Kiến







Pages

14.3.16

Tỉnh thức và hạnh phúc

David. I. Miller phỏng vấn Jack Kornfield 
Giác Kiến dịch

Với tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống bận rộn của con người, khái niệm “sống trong hiện tại” của Phật giáo dường như là một mục tiêu đáng theo đuổi nhưng có vẻ quá lý tưởng. Nghe thì hay đó - bạn có thể nói vậy - nhưng ai có thời gian đâu mà “sống trong hiện tại”? Thế nhưng, kiên nhẫn thực tập ý thức những gì đang diễn ra, ngay bây giờ và ở đây, sẽ mang lại những kết quả không ngờ.
* * *
Jack Kornfield là một thiền giả và tác giả nổi tiếng. Kornfield có nhiều năm kinh nghiệm dạy phương pháp sống tỉnh thức, đặc biệt là nghệ thuật sống tỉnh thức giữa những thử thách và cám dỗ của thế giới hiện đại. Kornfield hiện nay đã 60 tuổi, đã từng tu tập ở các tu viện Phật giáo ở Thái Lan, Ấn Độ và Miến Điện. Ông là tác giả của các tập sách “A Path With Heart” - Con đường từ tâm, “The Art of Forgiveness, Lovingkindness, and Peace” - Nghệ thuật tha thứ, thương yêu và hạnh phúc, “Meditation for Beginners” - Bước đầu hành thiền” và nhiều tác phẩm khác.
Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với Kornfield tại khu vườn quê của Spirit Rock, một trung tâm thiền ở Marin County mà Kornfield là một trong những người sáng lập.

 I

D. I. Miller: Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện với câu hỏi căn bản nhất: Tỉnh thức là gì và tại sao tỉnh thức quan trọng?
Kornfield: Tỉnh thức là khả năng ý thức trọn vẹn về chính mình, về sự sống của chính mình, là khả năng học từ sự sống ấy. Chúng ta sử dụng phần lớn thời gian trong ngày cho các hoạt động tự phát. Lái xe, chúng ta biết là mình lái xe chứ không phải không, nhưng đến khi cho xe dừng lại bên đường, chúng ta mới chợt nhận ra rằng, “Ủa, tôi tới đây rồi sao? Tôi đâu có biết là tôi đang lái xe đâu.” Thế nhưng, khi chúng ta ý thức, mọi thứ trở nên đẹp lạ, nghĩa là, chúng ta thấy có không gian đủ cho những vui buồn được mất của mình, tất cả đều diễn ra một cách yên ắng.

12.3.16

Kinh nghiệm thiền tài tử: Nhớ, tưởng và quán

Từ sau khóa thiền cuối năm 2013 tại Phương Thảo Am, các bạn mới học thiền mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của mình mà không ngại đúng sai. Tốt cũng chia sẻ mà xấu cũng chia sẻ. Tốt chia sẻ để người khác biết và có thể thử nếu thích. Xấu chia sẻ để người khác biết và tránh, nếu không muốn phí sức phí thời gian.
Từ đó, những bạn đến Phương Thảo Am tập thiền cởi mở hơn trong chia sẻ. Chúng tôi gọi những điều được chia sẻ đó là kinh nghiệm thiền tài tử. Chúng tôi tạm gọi là “tài tử” với nghĩa là những kinh nghiệm nghiệp dư của những người thích thì tập thử chơi chứ chưa biết mô tê gì về thiền đạo hay Phật đạo cả. Đó là những kinh nghiệm abc về thiền. Và cũng như các bạn, những gì chúng tôi chia sẻ với các bạn cũng chỉ là kinh nghiệm thực tập của người mới bắt đầu mà thôi. Những kinh nghiệm đó cũng là những kinh nghiệm nghiệp dư vậy. 
Với tinh thần đó, chúng tôi chia sẻ với các bạn nội dung trao đổi của Phật tử Ngọc Thủy Hoàng Thị Quang, chuyên viên xét nghiệm, nguyên giảng viên trường Đại Học Tây Nguyên, và Sư Giác Kiến, người chăm sóc vườn thiền Phương Thảo Am, Buôn Ma Thuột, cùng sự có mặt của nhiều học viên trong buổi học thiền tại Phương Thảo Am ngày 5/4/2014 vừa qua. Chúng tôi xin cảm ơn sư Giác Kiến, anh Duy Thịnh, cô Huỳnh Huệ, cô Hoàng Quang đã dành thời gian ghi lại âm thanh, hình ảnh, phiên tả, đọc lại, hiệu chỉnh và cho phép chia sẻ nội dung này.
---------
Nhớ, tưởng và quán


Phật tử Ngọc Thủy tại Phương Thảo Am, ảnh Huỳnh Huệ


Hỏi: Sống, có muôn điều cần suy nghĩ. Khi ngồi tu thiền, tâm tĩnh lặng, con suy nghĩ tốt hơn. Vậy con có thể suy nghĩ trong khi ngồi thiền không ạ?

Đáp: Trong quá trình thực hành thiền, các luồng tư tưởng thường kéo đến làm cho mình phải suy nghĩ theo. Đặc biệt, những luồng tư tưởng mạnh thường đến và buộc mình phải suy nghĩ. Có đúng vậy không?
Khi tu thiền, chúng ta ngồi để suy nghĩ thì không ổn. Mà chúng ta chỉ ngồi và để tâm trống rỗng, không nghĩ gì hết, như vậy cũng không ổn. Nếu chúng ta ngồi chỉ để tâm trống rỗng thì đó không phải là pháp thiền của Phật giáo. Nếu ngồi để suy nghĩ thì đó cũng không đúng với con đường thiền mà đức Phật dạy.
Phần đông chúng ta thường rơi vào trường hợp thứ hai này. Tức là chúng ta ngồi để suy nghĩ và chúng ta gọi là tư duy, là quán chiếu. Có lẽ khái niệm “tư duy tu” hoặc “suy nghĩ trong sự tĩnh lặng” xuất phát từ cách hiểu từ “quán” trong Phật giáo như vậy, và chúng ta gọi thực hành như vậy là thực hành thiền quán.