tạp ghi của Giác Kiến







Pages

14.3.16

Tỉnh thức và hạnh phúc

David. I. Miller phỏng vấn Jack Kornfield 
Giác Kiến dịch

Với tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống bận rộn của con người, khái niệm “sống trong hiện tại” của Phật giáo dường như là một mục tiêu đáng theo đuổi nhưng có vẻ quá lý tưởng. Nghe thì hay đó - bạn có thể nói vậy - nhưng ai có thời gian đâu mà “sống trong hiện tại”? Thế nhưng, kiên nhẫn thực tập ý thức những gì đang diễn ra, ngay bây giờ và ở đây, sẽ mang lại những kết quả không ngờ.
* * *
Jack Kornfield là một thiền giả và tác giả nổi tiếng. Kornfield có nhiều năm kinh nghiệm dạy phương pháp sống tỉnh thức, đặc biệt là nghệ thuật sống tỉnh thức giữa những thử thách và cám dỗ của thế giới hiện đại. Kornfield hiện nay đã 60 tuổi, đã từng tu tập ở các tu viện Phật giáo ở Thái Lan, Ấn Độ và Miến Điện. Ông là tác giả của các tập sách “A Path With Heart” - Con đường từ tâm, “The Art of Forgiveness, Lovingkindness, and Peace” - Nghệ thuật tha thứ, thương yêu và hạnh phúc, “Meditation for Beginners” - Bước đầu hành thiền” và nhiều tác phẩm khác.
Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với Kornfield tại khu vườn quê của Spirit Rock, một trung tâm thiền ở Marin County mà Kornfield là một trong những người sáng lập.

 I

D. I. Miller: Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện với câu hỏi căn bản nhất: Tỉnh thức là gì và tại sao tỉnh thức quan trọng?
Kornfield: Tỉnh thức là khả năng ý thức trọn vẹn về chính mình, về sự sống của chính mình, là khả năng học từ sự sống ấy. Chúng ta sử dụng phần lớn thời gian trong ngày cho các hoạt động tự phát. Lái xe, chúng ta biết là mình lái xe chứ không phải không, nhưng đến khi cho xe dừng lại bên đường, chúng ta mới chợt nhận ra rằng, “Ủa, tôi tới đây rồi sao? Tôi đâu có biết là tôi đang lái xe đâu.” Thế nhưng, khi chúng ta ý thức, mọi thứ trở nên đẹp lạ, nghĩa là, chúng ta thấy có không gian đủ cho những vui buồn được mất của mình, tất cả đều diễn ra một cách yên ắng.

D. I. Miller: Và con đường dẫn đến tỉnh thức là thiền?
Kornfield: Có nhiều phương pháp thực tập tỉnh thức. Thiền là một phương pháp tốt. Muốn giỏi trong công việc gì, bạn cần tỉnh thức. Một người đầu bếp giỏi phải ý thức về những món mình nấu, về dao cắt, về hương vị thực của món ăn mình tạo ra. Tỉnh thức là một kỹ năng, là một phần trong sự phát triển của con người trong nhiều lĩnh vực. Thực hành thiền có thể khó, nhất là trong những nền văn hóa mà công nghệ đã đẩy con người lao tới. Khó vậy thì sao? Thực ra, thực hành thiền không đến nỗi quá khó vậy đâu.
Những người theo học lớp thiền của tôi, ban đầu, thường tỏ ra bận rộn và cảm thấy căng thẳng. Và bởi vì họ không biết phải làm sao với những bận rộn và căng thẳng đó, họ cảm thấy thực hành thiền sao khó quá. Nhưng một khi họ nhận ra khả năng tạo được một bầu không khí êm dịu cho sự căng thẳng đó trong tỉnh thức để cho sự căng thẳng đó tự nó tan đi, hay khả năng thấy được sự chộn rộn của tâm mình trong không gian tỉnh thức và để cho những tâm tưởng tự đến rồi đi như mây khói; một khi họ biết chút ít về phương pháp làm lắng dịu tâm tưởng và mở rộng con tim, thì ngay cả khi họ phải đương đầu với những bận rộn và thậm chí khó khăn của cuộc sống, thực hành thiền sẽ giúp họ vượt qua.
D. I. Miller: Ông cũng có vẻ hơi bận rộn đó. Ông có bao giờ thấy vất vả để tìm được sự bình yên giữa thế giới cuồng quay này không?
Kornfield: Tôi cũng bận rộn nhưng tôi rất vui. Tôi bận rộn với cuộc sống gia đình như một người bình thường, như một người thầy, như một tác gia và như một thành viên của cộng đồng. Nhưng, ở một mức nào đó, tôi làm tất cả những việc này trong thiền định. Tôi làm trong tỉnh thức. Và tất nhiên, tôi phải ngồi thiền và những thời ngồi thiền đó giúp tôi làm lắng dịu tâm mình và đưa tôi trở về với trạng thái yên tĩnh. Tôi cũng thường ngồi thiền và thực tập tâm từ để cho chất liệu từ bi đó xông ướp công việc hằng ngày của tôi. Tôi nghĩ trong cuộc sống bận rộn mà chúng ta có khả năng thực tập như vậy mới là điều quan trọng.
D. I. Miller: Ông tự cho mình là người hạnh phúc. Thế thì, theo ông, hạnh phúc là gì?
Kornfield: Hạnh phúc là một trạng thái bình an sâu lắng, dung thông cả mình và vạn vật. Hạnh phúc khác với vui thích. Vui thích đến rồi đi. Bạn có thể có một bữa ăn ngon, và bạn vui thích, nhưng rồi trạng thái vui thích đó sẽ qua mau. Khó và khổ cũng đến rồi đi. Còn hạnh phúc, hạnh phúc chân thật, là chất liệu an lạc có thể luôn có mặt giữa dòng trôi của khổ vui còn mất đó. Chúng ta có thể thấy nguồn hạnh phúc đó tỏa ra từ những người như Đức Đạt Lai Lạt Ma chẳng hạn, hay như Nelson Mandela, một người, sau 27 năm bị giam cầm trên đảo Robben, vẫn có thể bước đi với một trái tim rộng mở và một tâm hồn cao đẹp, không hề trách cứ cuộc đời một cách chua cay. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều có thể sống một cuộc sống trọn vẹn cao quý như vậy.
D. I. Miller: Với nhiều người, hạnh phúc luôn là cuộc đuổi bắt - hoặc là chiếc xe mới, hoặc là được thăng cấp, hoặc là một chuyến du lịch đến Bermuda. Nhưng khi đuổi bắt được rồi, họ vẫn chưa thỏa mãn. Họ muốn nữa. Tại sao lại vậy?
Kornfield: Để tôi kể anh nghe câu chuyện này. Một ký giả hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài đến Washington vừa rồi: Ngài vừa viết quyển sách “Nghệ thuật hạnh phúc”, đó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong hai năm qua – Ngài có thể chia sẻ với độc giả về giây phút hạnh phúc nhất trong đời Ngài được không? Và Đức Đạt Lai Lạt Ma cười giòn nói rằng:  “Bây giờ, để tôi nghĩ thử xem!”
Hạnh phúc không thể có nhờ đạt được một điều gì đó trong tương lai. Hạnh phúc là khả năng mở rộng trái tim và tầm nhìn, là khả năng có mặt bây giờ và ở đây để cảm nghiệm được hạnh phúc đang có mặt. Ngay cả trong gian khó, hạnh phúc cũng có mặt nếu chúng ta có trái tim từ ái; nguồn hạnh phúc đó có thể đưa chúng ta vượt qua gian khó. Do vậy, hạnh phúc khác với vui thích, khác với niềm vui đuổi bắt.
D. I. Miller: Ông có thể cho một lời khuyên thiết thực nhất về con đường tâm linh được không?
Kornfield: Buông xả. Đó là hướng dẫn đầu tiên. Ai cũng biết, tất cả chúng ta đều gặp những tình huống có vấn đề, chẳng hạn như, có việc khẩn tại công sở, hay có người thân đang nhập viện, hay có tin vui nào đó ngập cả lòng ta. Buông xả giúp chúng ta phản ứng một cách tự nhiên thay vì để cho căng thẳng hay lo lắng sai khiến mình.
Hướng dẫn tiếp theo là, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, hãy cố gắng giữ tâm từ ái. Em bé khóc cả đêm làm bạn không ngủ được, hay một tai nạn xe hơi vừa mới xảy ra, hay bạn đang cố gắng làm hòa với một người gắt gỏng, bạn đều có thể phản ứng một cách nhẹ nhàng trong mọi tình huống nếu bạn giữ được tâm từ ái.
D. I. Miller: Nghe có vẻ khá đơn giản. Nhưng thực hành có dễ không?
Kornfield: Cái hay cái đẹp của tỉnh thức hay của lòng từ mà chúng ta đang nói nằm ở chỗ các trạng thái đó đã có sẵn trong ta. Ngay cả một người tội phạm cứng đầu nhất cũng có thể lao ra cứu em bé nếu em bị té giữa đường phố trong tình trạng nguy hiểm. Tự mình đủ khả năng nhận ra lòng từ ái là gì, nhưng có điều là lòng từ ái dễ bị che khuất bởi cuộc sống bận rộn và nỗi lo lắng của mình.

II

D. I. Miller: Cho tôi được hỏi một điều có tính cá nhân một chút. Ông sinh ra trong một gia đình Do-thái. Vậy ông vốn có xu hướng tôn giáo nào không?
Kornfield: Cũng không có gì rõ ràng lắm. Chúng tôi cũng theo các phong tục Do-thái. Tôi cũng học để làm lễ “mitzvah” (tạm gọi là lễ thành nhân) và theo học trường Chủ Nhật. Đó là một phần văn hóa lịch sử của người Do-thái, căn bản là để làm một người tốt.
D. I. Miller: Có một hiện tượng là có rất nhiều người Do-thái theo Đạo Phật, và họ tự cho mình là “Phật-do-thái,” đặc biệt là trong Vùng Vịnh này. Tại sao một số người Do-thái lại hướng về Đạo Phật như vậy?    
Kornfield: Tôi thực sự không biết nữa. Tôi chỉ biết là trong gia đình và cộng động của tôi, rất có truyền thống hiếu học. Đây là đặc điểm chung của người Do-thái. Và tôi thấy ở những người Do-thái trở thành Phật tử, họ đều là những người hiếu học và hiểu nhiều. Có thể đó là một lý do.
D. I. Miller: Cho đến bây giờ thì ông có liên hệ gì với đạo Do-thái nữa hay không?
Kornfield: Có chứ. Con gái tôi được dạy và học lịch sử Do-thái, và cũng theo các lễ hội của Do-thái. Cô ấy cũng là một tín đồ Ki-tô giáo, vì theo mẹ, nên cô ấy cũng đã làm lễ rửa tội ở nhà thờ Glide Memorial tại San Francisco. Và chúng tôi cũng đã sống ở đất nước theo Ấn giáo một thời gian lâu, nên cô ta cũng có ảnh hưởng của Ấn giáo nữa. Hồi còn trẻ, khi cô bé được hỏi: “Cháu theo đạo gì?” cô bé thường trả lời rằng “Tôi theo Ki-tô-giáo, Phật giáo, Do-thái giáo và Ấn giáo” và có lẽ còn nhiều nữa, tôi không biết. Trong câu trả lời đơn giản của cô, lúc đó cô mới khoảng 9 tuổi, có một ý nghĩ rằng đằng sau những tôn giáo khác nhau luôn có một cái chung là hãy đến với nhau che chở nhau kính mến nhau bằng tất cả lòng thương, lòng tốt của con người.
D. I. Miller: Nhân duyên nào đã đưa ông đến với Phật giáo?
Kornfield: Khi đó tôi đang học tại trường Cao đẳng Dartmouth. Tôi rất thích khoa học, y dược và điều trị; cha tôi là một nhà khoa học. Và tôi có học một khoá Triết học Á châu với Tiến sĩ Wing-tsit Chan, một bậc tiền bối đã từng là giáo sư của Đại Học Harvard. Ông sinh vào khoảng thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 ở Trung Hoa, và được đào tạo qua hệ thống giáo dục cổ điển Khổng giáo Trung hoa. Ông thường thượng lên bàn ngồi xếp bằng mà giảng về Lão tử, Đức Phật và Khổng tử, và chúng tôi cảm thấy được nuôi dưỡng rất nhiều khi nghe học về minh triết của các bậc Thánh này.
Cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Cha tôi là một người sáng trí, nhưng lại khá rắt rối; ông là người hoang tưởng, hay cáu gắt và cộc cằn, đặt biệt đối với mẹ tôi. Và từ đó tôi sớm hiểu ra rằng những thành công về tri thức ở đại học của các giáo sư hoặc thành công về tài lợi không hẳn là làm cho người ta hạnh phúc. 
Vì vậy khi tôi nghe giáo lý về một lối sống minh triết, về phương pháp đối diện với khổ đau của cuộc đời bằng hiểu biết và thương yêu, thay vì chất chứa nỗi đau trong lòng, tôi liền tâm đắc. Tôi học xong khoá học về Phật học đó. Sau đó tôi đăng ký tham gia Quân tình nguyện vì Hoà Bình với mong muốn được gởi đến phục vụ tại một đất nước Phật giáo để tôi có thể đến học tập ở một tu viện nào đó. Và tôi đã đến Thái Lan, làm việc trong một đội y tế ở miền quê thuộc thung lũng sông Mê Kông hai năm, và cuối cùng tôi đã trở thành một tu sĩ Phật giáo ở đó.  
D. I. MillerÔng từng là một tu sĩ nhiều năm. Sau khi ở trong tu viện Phật giáo ở Châu Á, trở lại Mỹ, ông thấy thế nào? Sự chuyển tiếp đó có khó khăn lắm không?
Kornfield:  Ban đầu, nó lạ lắm, bởi vì tôi đã sống rất đơn giản, chủ yếu là với chân trần bát đất xin ăn. Trong cuốn Con đường từ tâm (Path of Heart) của tôi, tôi có kể câu chuyện gặp cô em dâu, vợ của người em sinh đôi của tôi, ở New York khi tôi trở lại Mỹ. Tôi đến thăm cô trong bộ y vàng khi cô đang làm việc tại Trung Tâm chăm sóc sức khoẻ Elizabeth Arden. Tất cả phụ nữ ở đây đều nghĩ rằng tôi là một trường hợp không bình thường mà họ chưa từng gặp bao giờ, và có lẽ đúng vậy, còn tôi thì nhìn thấy họ trong đủ các dạng trang điểm. Đúng vậy, chuyển từ nếp sống đơn giản trong tu viện sơn dã ở châu Á sang nếp sống thành thị ở New York và Boston đúng là một cú sốc văn hoá. Tôi phải mất một thời gian để tập hội nhập lại vào trong văn hoá Mỹ với cùng một tinh thần thương yêu mà tôi đã có.
D. I. Miller: Ông vừa bước sang tuổi 60. Ở những năm sau này, ông đã học được gì ở cuộc sống?
Kornfield: Bước sang tuổi 60, nếu chúng ta để ý, chúng ta đã bắt đầu nhìn về cái chết của mình và nghĩ thử mình sống được bao lâu nữa. Còn điều gì chưa làm được? Ba năm nữa hay 20 năm nữa? Có một điều tôi đã nhận ra nơi tôi cũng như mọi người trong những năm qua là, thân thể thay đổi nhiều mà nhân cách không thay đổi nhiều lắm. Cái thay đổi thực sự phải là tấm lòng. Có nhiều người, họ trở nên đẹp lạ với một tấm lòng rộng mở, với một nét duyên dáng của trí tuệ khi họ già hơn. Tôi vừa mới thuyết giảng tại một hội nghị cùng với Huston Smith. Ông năm nay đã ngoài 80, và ông đã thể hiện vẻ đẹp cao quý đó bằng trí tuệ và tấm lòng rộng mở qua cách trả lời những câu hỏi mà người ta dành cho ông. Trông ông đẹp lạ.
D. I. Miller: Có điều gì ông muốn làm mà chưa thực hiện được hay không?
Kornfield: Tôi cảm thấy đã mãn nguyện. Tôi có thể chết rất hạnh phúc bây giờ. Đời tôi nhiều ân phước. Tôi vô cùng biết ơn những kinh nghiệm, các mối quan hệ và tình thương dành cho tôi. Cũng có những điều tôi thích làm hoặc tôi hy vọng tôi có thể làm, nhưng tuỳ thời gian. Có nhiều cơ duyên để giảng dạy ở nhiều nơi khác trên thế giới, để chia sẻ những gì chúng ta học được với những người ở các cộng động khác, như trong giới khoa học chẳng hạn. Tôi sẽ phải chờ xem hiện thực. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người cảm thấy hài lòng khi chia sẻ những gì lợi ích cho cuộc sống qua mình.
D. I. Miller: Ông có nghĩ đó là mục đích của đời mình?
Kornfield: Tôi không thực sự nghĩ như vậy. Tôi không biết mục đích đời mình là gì. Tôi chỉ biết tôi muốn có khả năng yêu thương và thấy sự giải thoát nội tâm của mình có lợi ích cho nhiều người như cho chính mình.

No comments: