tạp ghi của Giác Kiến







Pages

8.10.15

Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng

Từ nhỏ, tôi nghe cha tôi kể nhiều về làng Phong Lệ. Có nhiều chuyện rất thú vị, nhưng tiếc là cha tôi kể không rõ ràng và trí nhớ tôi cũng kém. Vì thế, mỗi lần tôi đọc đâu đó được câu chuyện giống như cha tôi kể, tôi như người được nhận lại của bị đánh rơi.
Đọc bài "Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng" của GS. Trần Hữu Tá là một trường hợp như thế.
Dù chỉ mới đọc được một ít bài viết của GS. Trần Hữu Tá và được gặp ông hai lần, tôi kính ông như một bậc thầy lớn. Về nhà văn Nguyễn Văn Xuân, tôi hoàn toàn chưa biết.
Còn về chuyện xưa, đó là câu chuyện về bản lĩnh của Ông Ích Khiêm, người làng Phong Lệ, mà nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã kể và thầy Trần Hữu Tá ghi lại ở cuối bài viết này. Đây là câu chuyện đáng nhớ!
--------------------------
Nguyễn Văn Xuân - Người khơi dậy hồn xứ Quảng
Trần Hữu Tá
Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/nguyen-van-xuan-nguoi-khoi-day-hon-xu-quang
Nhà văn Nguyễn Văn XuânNhà văn Nguyễn Văn Xuân
Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nhà sử học Dương Trung Quốc không gọi Nguyễn Văn Xuân là “nhà Quảng Nam học”như nhiều người,mà ông trân trọng bớt đi một chữ: nhà Quảng học.
Một thoáng ngạc nhiên ấy nhanh chóng qua đi.Dương Trung Quốc rất có lý. Nguyễn Văn Xuân là con dân đất Quảng Nam, cả đời say mê viết về nơi chôn nhau cắt rốn,điều đó ai cũng thấy. Nhưng ông đã viết với một nội lực học thuật sung mãn, thành công trong nhiều phương diện lĩnh vực, thể loại khác nhau, khiến bất cứ ai đọc ông đều phải tâm phục khả năng “bác văn cường ký” (hiểu biết rộng, sức nhớ khoẻ) của vị học giả này. Vì thế gọi là “nhà Quảng học” là đúng, vì bao gồm được cả hai đặc điểm, hai giá trị đó.
Tôi đến với những tác phẩm đầu tay của ông cũng khá tình cờ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và tôi tham gia biên soạn bộ sách đồ sộ Tổng tập văn học Việt Nam trên 50 tập của Ủy ban khoa học xã hội. Chúng tôi được giao 2 tập 30A – 30B, tập trung giới thiệu “Văn xuôi hiện thực giai đoạn 1939-1945”. Tìm kỹ trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Ủy ban Khoa học xã hội, Thư viện Viện văn học…ở Hà Nội cũng kiếm được một lượng tác phẩm kha khá. Chưa yên tâm, đầu năm 1978 chúng tôi sục sạo trong các thư viện công và cả các tủ sách rất phong phú của những người bạn mới tại thành phố Hồ Chí Minh. Rất mừng, vì ở đây còn lưu trữ được nhiều báo xuất bản trước 1945 như Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Trung Bắc chủ nhật, Thanh Nghị, Phổ thông bán nguyệt san v.v…và phát hiện ra những truyện ngắn hay, lạ của Văn Cao, Lê Tam Kỉnh, Nguyễn Văn Xuân…Riêng về Nguyễn Văn Xuân, chúng tôi tìm được 2 truyện ngắn của ông đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy: Ngày giỗ cha (số ra 26/6/1943) và Ngày cuối năm trên đảo (số ra đầu tháng 1/1945).