tạp ghi của Giác Kiến







Pages

28.12.14

Võ Như Lanh: Đường trí tuệ nở hoa

Võ Như Lanh, Ảnh: Phổ Tâm, Nguồn: GN

Hơi đất Quảng
Giữa tháng 11, trong kế hoạch tìm lại nguồn xưa, tôi đi dọc một vòng từ Non Nước, vô Vĩnh Điện, rồi Hà Lam, Việt An, rồi vòng lên Hiệp Đức, ra Quế Sơn, Phong Thử, Điện Thọ, Điện Bàn, rồi ra Miếu Bông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Tôi dừng chân ở Cẩm Lệ.
Tôi chẳng tìm được gì, như dự tính, nhưng phát hiện ra một điều, đó là, người quê ở miệt này rất yêu độc lập, yêu tự do, và yêu hạnh phúc. Dọc đường tự Hiệp Đức ra Quế Sơn, nhà nào cũng treo bảng đỏ chữ vàng Không có gì quý hơn đọc lập tự do hạnh phúc. Trừ một số nhà còn hơi nghèo. Tôi đoán vậy vì tôi thấy những nhà hơi cũ kỷ lụp xụp một chút thì vắng cái bảng đỏ chữ vàng đó thôi. Nói chuyện với cô phụ xe (ở đây phụ nữ phụ xe có vẻ hiền lành và tử tế hơn thanh niên), tôi hiểu là họ nghĩ họ chưa hạnh phúc lắm, để khi nào hạnh phúc rồi họ mới treo, chứ họ vốn chân quê, không thích hô khẩu hiệu suông. Tôi thấy dân ở đây còn dùng cót và sáo tre nhiều, tôi hỏi mua. Cô phụ xe đã ân cần chỉ dẫn cho tôi chi tiết chỗ và hàng tôi nên mua để đảm bảo chất lượng tốt và giá cả phải chăng. 


Đoạn đường từ Hà Lam lên Việt An, tôi được một cậu thanh niên đi Honda cho quá giang khi tôi đang ngồi chờ xe buýt. Qua cách cậu nói chuyện trên chặng đường hơn 20 cây số, tôi thấy cả những người thanh niên trẻ ở quê cũng chân chất và tử tế. Dọc đường ra Miếu Bông, Cẩm Lệ, tôi cũng chứng kiến cảnh sống và cung cách rất dễ thương của người quê mình. Không phải tôi quên rằng người Quảng Nam hay cãi, không phải tôi không biết những thói hư tật xấu đã tràn ngập vào thôn làng, chủ yếu là từ thành thị, thực cảnh ở miền quê như tôi chứng kiến đã làm cho tôi tin vào tính chân chất của người dân mình và yêu và trọng cái nghèo cái lành của quê mình hơn.


  
Có võ như không 
Lội bờ ruộng vùng triền núi gần Phong Thử, Điện Thọ, Điện Bàn, té lên té xuống, ông bạn gốc Quảng của tôi cười bảo có võ mà tệ. Chẳng qua, tình cờ theo gió rong chơi/ Cái tôi té ngã trời không khóc òa, thôi ông à. 
Vô lại Sài Gòn, đọc báo tôi mới biết nhà báo Võ Như Lanh vừa từ trần. 
Ông mất ngày 23/11/2014, lúc tôi đang ở Quảng Nam. Qua báo, tôi biết ông là người có thiện cảm với đạo Phật và về sau rất mến đạo. Võ Như Lanh đã từng là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập đầu tiên của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một tờ báo mang danh kinh tế nhưng truyền tải nội dung rất nhân văn một thời mà tôi rất thích đọc. 

Võ Như Lanh là một nhà báo có đóng góp lớn trong làng báo và được nhiều yêu mến. Không những thế, ông còn được xem là người có “trách nhiệm với thế hệ trẻ”, theo Tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Sanh. Đóng góp và trách nhiệm thế nào? Theo đánh giá của đồng nghiệp, Võ Như Lanh 
- có khả năng rất hay là truyền cảm hứng yêu nghề, khơi dậy khả năng làm nghề và giữ được đam mê làm nghề ở những người cộng sự khiến họ quý trọng, tự hào, say mê, hưng phấn với công việc. Làm việc với anh, gần như ai cũng phát huy được hết khả năng bản thân dù đó là một phóng viên ngang tàng, một người làm tòa soạn cá tính, hay một nhà thơ gàn dở một chút. - Nhà báo Nguyễn Đình Nam
- không có nhận thức kiểu to tát rằng mình sẽ đào tạo ra một lớp thế hệ nhà báo phải như thế này như thế kia. Cái mà anh làm nên sự thành công của mình ở Tuổi Trẻ và sau này là Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn là bản năng muốn đưa thông tin đến người đọc, rồi kiểm tra thông tin mình đưa tác động đến người đọc như thế nào. Rồi sau đó là muốn nhận, càng nhiều càng tốt, phản hồi từ người đọc, nhất là ý kiến… chê (bây giờ gọi là phản biện). Điều này ở anh đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người như tôi muốn làm báo kiểu đưa thông tin (chính xác nhất có thể) cho người đọc, một kiểu báo chí “hướng về người đọc”, vượt khỏi kiểu báo chí tuyên truyền. Và anh đã tạo điều kiện rất tốt, giữ cho những người làm báo kiểu như thế phát huy được khả năng cũng như khát vọng nghề nghiệp của mình. - Nhà báo Trần Ngọc Châu
Nhưng lạ. Một nhà báo có tầm như vậy mà tìm một bài viết bên dưới ký tên Võ Như Lanh lại không có. 
Tôi đoán ông là người Quảng Nam. Tìm thử, cũng không thấy, đến Google cũng chịu. Tôi chợt nhớ đến lời một người Quảng Nam biệt tài: Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.(*) Tôi không dám lấy ý người xưa nói rằng chim bay qua trời không để lại dấu(**) để nói khoa trương về Võ Như Lanh. Nhưng sống một đời cống hiến hết mình như ông, mà giờ người sau tìm cái dấu nhỏ cũng khó, thì quả là không chỉ có tầm, mà còn có tâm ít người bì kịp.
Võ Như Lanh đúng là có võ như không. Làm mà như không làm.

Võ Như Lanh nói như chưa hề nói một lời nào
“Nhà báo, anh là cái gì? Anh có quyền ban ơn, giá họa tới cho người khác? Anh chỉ là người đưa tin, anh ráng đưa tin trung thực đi. Hoặc giả anh chống tiêu cực ư? Đừng có làm ông Bao Công phán kẻ này chết, kẻ kia sống. Chắc gì anh đúng, đừng có ảo tưởng. Nhà báo chẳng là cái thá gì…”.
“Mình làm báo tuần như một dạng tạp chí, cái lớn là truyền thông về chủ trương, chính sách và tác động tới chủ trương, chính sách chứ không phải đi vào những điều cụ thể. Vả lại chuyện cụ thể, tôi nói cho ông nghe, chả có tác động gì đâu, nếu có cũng nhỏ lắm. Đó là chưa kể đa số chuyện chống tiêu cực là cử điểu giữ tha nhân tiểu tiện (cầm chim cho người ta đái)”.
“Đức Phật là nhân vật vĩ đại, là một nhà khoa học thực thụ dưới nhiều góc cạnh chứ không phải là một ông thần, ông thánh. Suốt hơn 45 năm thuyết pháp, cuối cùng Ngài tuyên bố rằng Ta chưa hề nói một lời nào”.
“Khi tập thử môn yoga, tôi chợt nhớ lại trước đây từng được thầy Minh Châu chỉ dạy phương pháp hành thiền trong đời sống hàng ngày. Vậy tại sao mình không ôn lại phương pháp hành thiền đã từng học?! Tình nghĩa thầy trò được gắn kết lại, khi tôi tìm tới thiền viện Vạn Hạnh (Học viện Phật giáo Việt Nam, đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM) thăm thầy Minh Châu. Chứng rối loạn tiền đình cũng hết kể từ đó”.
Võ Như Lanh: Đường trí tuệ nở hoa
Vào tuần thất thứ Ba sau ngày ông mất, trên báo Giác Ngộ có bài Đường trí tuệ nở hoa (***) để tưởng nhớ Nhà báo Võ Như Lanh. Đọc bài viết này của Uyên Viễn, tôi giật mình kính nể. Khi tìm chưa tìm ra sách báo đề tên Võ Như Lanh, tôi đoán mò đây là người có võ như không, làm mà như không làm, quả không sai. Đọc kỹ bài của Uyên Viễn, tôi càng kính phục ông hơn.

- Mỗi ngày anh đều ngồi thiền vào buổi sáng và buổi tối. Một trong những loại sách anh thường đọc là sách Phật pháp. Chính vì nhờ những món ăn tinh thần đó đã giúp anh sống một mình mà an vui suốt nhiều năm tháng; sống một mình và đủ nghị lực để đối diện với chứng bệnh nan y.
- Anh Lanh còn cảm thấy tiếc khi các kênh truyền thông của Phật giáo chưa xây dựng và kết nối được các thành phần trí thức trong xã hội làm kênh phản biện khách quan các trên mặt hoạt động của GHPGVN. (nhấn mạnh của HC)
- Con đường nhà báo Võ Như Lanh đã đi lấy trí tuệ làm sự nghiệp và chặng đường sắp tới khi anh khoác chiếc áo mới chắc chắn sẽ như vậy. Những bậc thầy của anh, những vị thiện hữu tri thức trong đời anh từng gặp, cùng đồng hành cũng lấy trí tuệ làm sự nghiệp mà thành tựu đời mình, mang lại lợi ích cùng khắp, điều đó há chẳng giúp anh thêm tự tin, ung dung bước vào chân trời mới hay sao!?
Càng kính phục Võ Như Lanh bao nhiêu, tôi càng tâm đắc với những tâm tình và suy nghĩ mà Uyên Viễn chia sẻ bấy nhiều. Trong các con đường dẫn đến trí tuệ, có lẽ con đường ngôn từ thông mà như không là con đường sâu xa nhất.

Giác Kiến
TVA, 12/2014


Chú thích:

(*) Chào Nguyên Xuân
Bùi Giáng

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: Ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.

(**)
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Theo Thầy Lê Mạnh Thát, đây là bài thơ của Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài, chứ không phải của Thiền sư Hương Hải, như Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục.

(***) 

Đường trí tuệ nở hoa

http://giacngo.vn/vanhoa/2014/12/15/1FF018/


Tưởng nhớ Nhà báo Võ Như Lanh

GN - Con đường nhà báo Võ Như Lanh đã đi lấy trí tuệ làm sự nghiệp và chặng đường sắp tới khi anh khoác chiếc áo mới chắc chắn sẽ như vậy.
Vô ngôn mà không phải không có lời
Những người làm nghề cầm bút, nhất là giới nhà báo, phần đông thường rơi vào “cái bẫy” chấp chặt ngôn ngữ, văn tự do mình viết ra. Sự sân si, ngã mạn, phiền não cũng từ đó mà sinh ra. Khá nhiều nhà báo tự cảm thấy dâng trào niềm tự hào khi mà cuộc đời họ là chứng nhân các biến cố lịch sử, là một trong những nhân vật trung tâm của giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. 
P1000372.JPG
Nhà báo Võ Như Lanh trong một lần đến vấn an
Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh tại chùa Vạn Đức - Ảnh: Phổ Tâm
Phần đông những người làm nghề cầm bút thường chọn cách viết sách, viết tự truyện, viết hồi ký về một thời hào hùng khi họ bước sang tuổi trung niên hoặc qua độ tuổi xế chiều. Với nhà báo Võ Như Lanh (1948-2014), người sáng lập và nguyên là Tổng Biên tập đầu tiên của nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn(TBKTSG) suốt 16 năm (1990-2006), Tổng Biên tập đầu tiên Báo Tuổi Trẻ (1977-1983), Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng (1985-1990) đã không chọn bất cứ cách làm nào như đã nêu trên. Trước năm 1975, anh Lanh (cách gọi thân mật của anh em trong làng báo, cộng sự dành cho anh thay vì gọi bằng ông, bằng sếp) từng làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh trong phong trào đấu tranh của sinh viên-học sinh Sài Gòn. Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh (1964-1975).
Chia buồn về sự ra đi của anh Võ Như Lanh (từ trần lúc 9 giờ 5 phút ngày 23-11-2014, hưởng thọ 67 tuổi), nhà báo Quốc Vĩnh, nguyên Phó Tổng Biên tập nhóm TBKTSG, viết trên báo Sài Gòn Giải Phóng(ngày 24-11-2014) có đoạn: “Một lãnh đạo nổi tiếng của phong trào sinh viên viết hồi ký và nhờ anh bổ sung phần công tác của anh trước năm 1975 vào hồi ký, anh từ chối. Trong dòng chảy của lịch sử từ thập niên 70 đến 90 của thế kỷ trước, sự am hiểu tình hình và tư liệu sống của anh ngồn ngộn. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một số vị lãnh đạo khác có mối quan hệ rất thân tình với anh, trao đổi công việc với anh rất nhiều, nhưng anh không bao giờ nhắc lại trên mặt báo dưới dạng hoài niệm hay hồi ký vì anh quan niệm “cái gì đã qua, cho qua luôn” v.v...
Nói về người lãnh đạo tiền nhiệm, chị Trần Thị Ngọc Huệ, Tổng Biên tập nhóm TBKTSG, cảm niệm rằng:“Trong suốt 16 năm làm Tổng Biên tập TBKTSG, rất hiếm khi nhà báo Võ Như Lanh đứng tên là tác giả bài viết nào. Nhưng hầu như bài viết nào, số báo nào cũng có dấu ấn của ông. Dấu ấn của Võ Như Lanh nằm ở chỗ định ra chiến lược của một tờ báo kinh tế trong bối cảnh Việt Nam vừa mới mở cửa vào đầu thập niên 1990 khi nền kinh tế thị trường chưa thật sự hình thành, đầu tư nước ngoài chỉ mới chập chững kêu gọi, kinh tế tư nhân còn mong manh và ảnh hưởng của nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp còn rất nặng nề…”.
Phật chất trong người làm báo
Từ Báo Giác Ngộ, năm 2005, người viết bài này chuyển sang công tác tại nhóm TBKTSG. Ngày đầu vào cơ quan mới làm việc, anh Lanh nhắn thư ký cho gọi U.V lên phòng riêng để hỏi thăm về tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay. Anh giới thiệu mình từng là học trò của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, người sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh.
Cũng trong năm 2005, trong một cuộc họp với Ban Biên tập nhóm TBKTSG, anh Lanh bất ngờ tuyên bố sẽ nghỉ làm Tổng Biên tập ở tuổi 57 dù còn tới ba năm nữa mới nghỉ hưu. Nói là làm, năm 2006, anh Lanh làm công văn đề nghị cấp trên cho thôi giữ chức Tổng Biên tập. Kể từ đó, anh làm việc bên Quỹ phi lợi nhuận TBKTSG (Saigon Times Foundation - STF).
Kể từ khi bàn giao “ấn tước” (2006), Phật chất trong người anh Lanh có điều kiện và thời gian để đâm chồi nhiều hơn. Mỗi ngày anh đều ngồi thiền vào buổi sáng và buổi tối. Một trong những loại sách anh thường đọc là sách Phật pháp. Chính vì nhờ những món ăn tinh thần đó đã giúp anh sống một mình mà an vui suốt nhiều năm tháng; sống một mình và đủ nghị lực để đối diện với chứng bệnh nan y.
Anh Lanh từng kể với người viết bài, trong thời sinh viên tranh đấu (1965-1968) dưới sự lãnh đạo của anh (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đại học Vạn Hạnh) có nhiều đợt sinh viên biểu tình làm náo động cả khuôn viên trường. Lúc bấy giờ Hòa thượng Thích Minh Châu từ trên phòng Viện trưởng đi xuống gặp anh khuyên “tụi con nên dừng lại, bớt ồn náo để cho thầy được ngồi thiền”. “Thầy xuống khuyên thì tụi anh yên được một chút. Lát thầy lên phòng, tụi anh tiếp tục biểu tình”, anh Lanh kể mà vẫn còn cảm xúc canh cánh trong lòng vì đã làm phật ý thầy mãi về sau mới nhận ra.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, đến năm 49 tuổi anh Lanh bị bệnh  rối loạn tiền đình. Đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh anh vẫn chưa hết. Có người mách nước tập yoga sẽ chữa được bệnh. “Khi tập thử môn yoga, tôi chợt nhớ lại trước đây từng được thầy Minh Châu chỉ dạy phương pháp hành thiền trong đời sống hàng ngày. Vậy tại sao mình không ôn lại phương pháp hành thiền đã từng học?! Tình nghĩa thầy trò được gắn kết lại, khi tôi tìm tới thiền viện Vạn Hạnh (Học viện Phật giáo Việt Nam, đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM) thăm thầy Minh Châu. Chứng rối loạn tiền đình cũng hết kể từ đó”, anh Lanh kể lại chi tiết này trong một dịp viếng thăm thiền viện Thường Chiếu, huyện Long Thành, Đồng Nai, trong lúc thưởng trà cùng với Hòa thượng trụ trì Thích Nhật Quang, Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ.
Trong hai năm cuối đời, anh Lanh thường dành thời gian đi viếng chùa hoặc các thiền viện để đảnh lễ các vị cao tăng thạc đức như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đại lão Thiền sư Thích Thanh Từ v.v... Không chỉ tỏ vẻ kính  phục đức hạnh, sự uyên thâm của các Hòa thượng đã dày công đấu tranh, thống nhất, khôi phục Phật giáo Việt Nam trở nên khởi sắc, hưng thịnh như ngày hôm nay, anh Lanh còn cảm thấy tiếc khi các kênh truyền thông của Phật giáo chưa xây dựng và kết nối được các thành phần trí thức trong xã hội làm kênh phản biện khách quan các trên mặt hoạt động của GHPGVN.
Một trong những không gian thiền khiến anh Lanh thú vị và hài lòng nhất đó là thiền viện Viên Chiếu, huyện Long Thành, Đồng Nai, vì tiêu chuẩn ở nơi đây còn cao cấp hơn cả... resort 5 sao. Sự “cao cấp” của thiền viện chính là phương pháp quản trị tương đương với tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản, áp dụng trong việc vận hành các doanh nghiệp. 5S là tên của một phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc. Nó được viết tắt của năm từ trong tiếng Nhật gồm: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng). “Chưa bao giờ hình dung ra ở thiền viện lại có sự sắp xếp khoa học, ngăn nắp, vệ sinh, ngay hàng thẳng lối đến như vậy. Đời sống của chư Ni thì tự cung tự cấp theo truyền thống nông thiền của Phật giáo (vừa tu, vừa làm vườn, trồng rau củ quả để chủ động nguồn thực phẩm - PV)”, anh Lanh chia sẻ nhận xét này rất nhiều lần với các thân hữu, bạn đạo mỗi khi nhắc đến Viên Chiếu.
Vo Như Lanh.jpg
Nhà báo Võ Như Lanh tọa thiền trong không gian tĩnh lặng ở thiền viện Viên Chiếu - Ảnh: Phổ Tâm
Mỗi khi đến thiền viện Viên Chiếu, anh Lanh có hai điều thú vị. Thứ nhất là được đi thiền hành, tham quan không gian nông thiền trồng trọt rau củ quả, rồi được ngồi thiền an nhiên trên gian thiền đường thông thoáng và sạch bóng giữa không gian tịch lặng. Điều thú vị thứ hai là được thăm hỏi và vấn đạo với hai người bạn sinh viên thời Vạn Hạnh đó là Ni sư Thích nữ Như Đức, trụ trì và Ni sư Thích nữ Hạnh Huệ, thủ bổn.
Trên những cung đường đi chùa, viếng thiền viện bằng xe gắn máy, anh Lanh thường chia sẻ với người viết bài rằng trong đời mình cái gì đã nói bỏ anh sẽ từ bỏ được, sự việc gì đã được anh nhìn ra chân tướng sẽ không tham gia nữa, khi nghỉ hưu quy ẩn trong lòng rất thảnh thơi, nhẹ nhàng vì chẳng còn gì vướng bận cả.“Đức Phật là nhân vật vĩ đại, là một nhà khoa học thực thụ dưới nhiều góc cạnh chứ không phải là một ông thần, ông thánh. Suốt hơn 45 năm thuyết pháp, cuối cùng Ngài tuyên bố rằng Ta chưa hề nói một lời nào”, cảm nghiệm của nhà báo Võ Như Lanh như vậy có phải chăng đã thấm nhuần vào tư duy và hành động cho cuộc đời mình bằng cách chẳng viết một dòng nào về những gì anh đã biết!
Bây giờ là giây phút tiễn biệt anh, người lãnh đạo quý kính, người bạn đạo dễ gần về cảnh giới an lành, thiện nghiệp. Con đường nhà báo Võ Như Lanh đã đi lấy trí tuệ làm sự nghiệp và chặng đường sắp tới khi anh khoác chiếc áo mới chắc chắn sẽ như vậy. Những bậc thầy của anh, những vị thiện hữu tri thức trong đời anh từng gặp, cùng đồng hành cũng lấy trí tuệ làm sự nghiệp mà thành tựu đời mình, mang lại lợi ích cùng khắp, điều đó há chẳng giúp anh thêm tự tin, ung dung bước vào chân trời mới hay sao!?
Uyên Viễn


No comments: