tạp ghi của Giác Kiến







Pages

7.5.15

Vượt qua cái đau khi ngồi thiền

Nội dung này được chia sẻ nhiều lần trong các buổi hướng dẫn thiền cho những người mới thực tập. Tôi ghi lại và luôn muốn giữ bài này như một kỷ niệm nhắc nhớ những ngày tôi theo Thầy mở các thời tập thiền tại Tịnh xá Ngọc Pháp và Tịnh xá Ngọc Quang. Chắc các bạn có tham gia các buổi tu thiền đầu tiên tại 2 tịnh xá này không thể quên được nỗ lực của Trưởng lão Giác Dũng trong việc quyết tâm làm sống lại đạo thiền trong giáo hội Khất sĩ. Và chắc các bạn cũng khó quên những giờ gồng mình để ngồi cho hết thời ngồi thiền trong những buổi tập đầu tiên. Về nỗ lực của Trưởng lão, cũng như nỗ lực của những người học thiền với Trưởng lão, có nhiều điều cần được viết ra. Ngay sau những buổi tập tu đầu tiên, tôi có nói với Trưởng lão là tôi sẽ từ từ viết về phương pháp thực hành thiền dựa trên những trải nghiệm thực tế. Chưa viết được gì thì Trưởng lão đã đi. May mà có bài "Cảm nhận cái đau khi ngồi thiền" này được viết sớm và được Trưởng lão đọc và đích thân Trưởng lão đặt bút sửa những từ ngữ chưa chuẩn. Đây là nguyên bài mà Trưởng lão đã đọc và sửa. Tôi muốn lưu những cảm nhận này ở đây như một kỷ niệm là vì vậy. 
Trong phần hai của bài viết này, tôi thử gợi ý một vài cách để vượt qua cái đau khi ngồi thiền. Với những gợi ý nhỏ này, tôi hy vọng những bạn mới bắt đầu tập ngồi thiền có hướng vượt qua cái đau, và các bạn có ý muốn ngồi thiền tự tin tham gia các khóa thiền mà không để nỗi sợ đau chân làm chướng ngại cắt mất duyên lành. 
Đây là những chia sẻ chủ quan và rất giới hạn, có gì chưa đúng, rất mong quý vị có kinh nghiệm thực hành và hướng dẫn chỉ dạy thêm.

------------------------------------  
1. Cảm nhận cái đau khi ngồi thiền
Khi ngồi thiền với tư thế kiết-già hay bán kiết-già, đau chân là một điều không thể tránh khỏi. Những ai muốn ngồi lâu 1 tiếng, 2 tiếng hay lâu hơn nữa, cơn đau đôi khi là một thử thách, làm cho tâm không thể tập trung được. Ngoài các cơn đau nảy sinh ở chân, có người đôi khi lại phải đối mặt với những cơn đau bất thường nảy sinh ở lưng, ở hông, ở vai, ở dạ dày khi ngồi thiền. Mỗi người có một cách cảm nhận về những cái đau này và ngộ ra các nguyên nhân của chúng. Và đây là một chia sẻ về điều đó.


Khi ngồi thiền, do thế ngồi chân kẹp, mạch máu, cơ bắp và xương chưa quen trong tư thế đó nên gây đau. Máu không thông, cơ bị nén, xương bị ép. Đau là do khí và máu không thông. Máu và khí thông thì hết đau. Đau ở chân thường là do nguyên nhân này. Trong y học cổ truyền, người ta bảo thống bất thông và thông bất thống quả là không sai vậy.
Lại có thể do trong cơ thể mình, có những bộ phận vốn đã bị đau, khi ngồi thiền, chỗ đau đó lại tái phát. Đau lưng, đau hông, đau ngực, đau bả vai, đau dạ dày, đau đầu thường do nguyên nhân này. Nhưng tại sao các dạng đau này lại tái phát khi ngồi thiền? Rất khó tìm được một cách giải thích hợp lý về vấn đề này phù hợp với tất cả mọi người. Thể trạng riêng của mỗi người, tiền sử đau bịnh, tình trạng sức khỏe lúc ngồi thiền, nghiệp lực và có thể có các yếu tố khác nữa liên quan đến các dạng đau khác nhau.
Nhưng có một điều mà dường như ai ngồi thiền cũng có thể cảm nhận được: đó là đau vì tâm lý. Thực ra cái đau đây không hẳn là đau. Đau ở đây gần như một ảo giác về cường độ của cơn đau. Không đau hoặc đau ít có thể trở thành có đau hoặc đau nhiều do chính tâm lý mình mà ra. Ví dụ, khi ngồi thiền, đau xuất hiện như một cảm giác bị kiến cắn. Có thể có một tín hiệu đau rất nhỏ, có thể tan biến ngay sau đó nếu mình không để ý tới; nhưng do trong lúc ngồi thiền, ý thức nhạy bén, tín hiệu đó được nhận ra và truyền tín hiệu đi khắp toàn thân và chúng ta có cảm giác như cơn đau tăng dần và lan rộng.
Nói cách chung, cảm nhận về đau như vừa chia sẻ có thể tách bạch có thể đan xen. Đau như thế có thể ảnh hưởng hệ trọng đến sức khoẻ mà cũng có thể không.
Cơn đau ở chân và mông, khi máu và khí không thông do bị nén ép hay bị cấn xương, không có gì hệ trọng. Đau ấy bình thường thôi. Ngồi nhiều lần sẽ quen, sẽ bớt và hết đau. Xoa bóp, co giãn chân trước và sau khi ngồi sẽ tránh được phần nào các cơn đau dạng này. Người ngồi thiền có thể tập ngồi lâu và cố gắng ghi nhận cơn đau một cách đơn thuần. Cơn đau có khi kéo dài, có khi đau một lát rồi tan. Thậm chí, để việc thực hành thiền tốt hơn ở những lần ngồi sau, chúng ta cũng có thể tập ‘chịu đựng.’ Chịu đựng cơn đau đến khi nào không chịu đựng được nữa thì thôi, buông duỗi chân và xả thiền. Nên tập kéo dài thời gian ngồi thiền tăng dần đều. Thường thì thời gian ngồi càng tăng, cường độ đau sẽ giảm dần đều.
Với các cơn đau ở lưng, hông, ngực, bả vai, đau dạ dày, đau đầu, chúng ta có thể vượt qua bằng cách để ý theo dõi thể trạng của mình, tiền sử đau bịnh, tình trạng sức khỏe lúc ngồi thiền. Nếu cơn đau nảy sinh là do thế ngồi, do tình trạng sức khỏe hiện tiền hoặc do tác động tức thì của môi trường, thì chúng ta có thể điều chỉnh, thay đổi cho thích ứng. Điều này không khó. Nếu cơn đau nảy sinh do có tiền sử đau bịnh, chúng ta có thể áp dụng một vài kỹ năng để xoa dịu nó.
Trước hết, chúng ta có thể nói rằng vùng đau trên cơ thể vốn có tiền sử là vùng nhạy cảm. Nếu bạn có một lần trặc chân hơi nặng, và đã bị đau nhiều ngày mới hết. Khi bạn ngồi thiền, các xung thần kinh và cảm giác chỗ chân bị trặc và đã từng bị đau đó rất nhạy cảm. Nếu cơn đau bắt đầu trên cổ chân hay ống chân, cơn đau đó sẽ dễ dàng lan ra chỗ trặc chân đó rất nhanh, và làm cho bạn có cảm giác vết thương cũ tái phát. Tương tự như vậy, bạn thường đau dạ dày, các xung thần kinh liên quan dạ dày rất nhạy và có thể nhận tín hiệu đau từ các vùng lân cận trên cơ thể rất nhanh. Chính vì vậy, khi bạn thực hành thiền, bạn dễ có cảm giác những vùng có vấn đề đó trở nên đau nhiều hơn khi không ngồi thiền, nhưng thực chất, nó vẫn vậy. Có điều là cảm nhận về cảm thọ của bạn trở nên nhạy cảm hơn mà thôi.
Cũng có thể có trường hợp, bạn quá bận tâm về chỗ đau đó, xung thần kinh vùng mà bạn quá chú tâm đến đó trở nên căng thẳng và hoạt động quá mức bình thường, cơn đau ở đó dễ nảy sinh và cường độ đau dễ tăng lên. Do đó, lưu ý điều này, chúng ta sẽ tránh được trường hợp vô tình làm cho các cơn đau nhân rộng hoặc cường độ đau tăng lên.
Bây giờ chúng ta có thể ngồi để thử cảm nhận cái đau và lợi ích của sự cảm nhận đó.
2. Vượt qua cái đau khi ngồi thiền
Trong khi ngồi thiền, đau chân là điều ai cũng gặp phải. Chúng ta không thể loại trừ hay vượt qua các cơn đau một cách dễ dàng, nhưng chúng ta có thể làm cho các cơn đau không nhân rộng hoặc cường độ đau không tăng.Chúng ta có thể thử thực tập thế này. Khi ngồi thiền, đối diện với cảm giác đau, chúng ta hãy ý thức thở một hơi thật sâu và thư giãn toàn bộ cơ bắp trên thân một cách có ý thức. Khi chúng ta buông thư cơ thể một cách có ý thức, chúng ta sẽ cảm thấy tâm mình trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cũng có thể sử dụng kỹ năng quan sát để phân biệt cái đau của thân vật lý (có thể gọi là đau sinh-vật lý) với cái cảm giác đau tâm lý (có thể gọi là đau sinh-tâm lý) nảy sinh cùng với cái đau của thân vật lý đó. Nếu chúng ta thực hành tốt và tâm trở nên tinh tế, chúng ta có thể sẽ nhận ra mình đang nghĩ rằng, “sao cái đau chỗ này cứ xuất hiện hoài, càng lúc càng thấy đau hơn vậy.” Chính dòng ý tưởng đó làm cho cái đau trở nên khó chịu hơn, đau hơn nhiều. Đôi khi ảo tưởng dạng này còn hướng về tương lai và chúng ta nghĩ rằng chỗ này SẼ đau hoặc CỨ đau hoài và đau HƠN hoài. Cái đau mới chỉ được tiên đoán đó làm cho bạn khó chịu như đau thật, mà trong tực tế cái đau đó có thể không xảy ra.
Thứ hai, khi cơn đau nảy sinh mà chúng ta biết là cơn đau này đã xuất hiện nhiều lần, chúng ta nên khởi tâm sám hối những gì mình đã lỡ tạo trong quá khứ liên quan đến cơn đau này. Nếu tâm thức thông nhạy, chúng ta có thể đoán định được những hành vi quá khứ để lại hậu qua đau ngay hiện tại. Nhưng đoán định được hay không không quan trọng lắm, quan trọng là từ chỗ đau hiện tại, mình khởi tâm sám hối, xin tha thứ và cầu cho đau bịnh mau qua. Đó là một dạng biểu hiện của nghiệp và cách chuyển hóa nghiệp. Truyền thống nhà Phật gọi hiện tượng này là sankhara. Nếu cơn đau có tiền sử đó không quá hệ trọng, chỉ cần gia tâm sám hối và xoa dịu như vậy là đủ. Kiên trì ngồi thiền, sankara sẽ dần dần được hóa giải. Nhưng lưu ý, với một chúng sanh bình thường, sankhara như thế nhiều vô kể, sankhara này được hóa giải, sankara khác lại biểu hiện. Do đó, có thể nói, cùng với định tâm và khai mở trí tuệ, thiền là quá trình hóa giải sankhara cho đến khi nào tâm thức được hoàn toàn trong sạch.
Nếu những cơn đau có tiền sử đau bịnh trở nên hệ trọng, chúng ta có thể nhờ đến kỹ thuật y khoa hiện đại để chẩn bịnh và điều trị thích ứng. Đồng thời nên duy trì và tiếp tục ngồi thiền, không nên bỏ ngồi thiền vì đau. Nghĩa là kết hợp cả y học và tâm linh để điều trị. Ngồi thiền đúng cách, bên cạnh những chuyển hóa tích cực mang tính tâm linh, chỉ có thể có tác động tích cực đến thể trạng, chứ không hề có tác động tiêu cực lên cơ thể.
Ngoài ra, khi ngồi thiền, có những cơn đau xuất hiện mình chỉ có thể cảm nhận là do nghiệp lực mà ra nhưng hoàn toàn không đoán định được gì về cơn đau đó cả. Trường hợp này hiếm hơn, không phải ai cũng gặp. Trường hợp này chỉ nên ghi nhận đơn thuần và dùng tâm chuyển hóa mà thôi. Nếu có thầy hướng dẫn, người thực hành nên trình bày diễn biến của cơn đau rõ ràng với thầy hướng dẫn và xin lời khuyên của thầy.
Nói tóm lại, khi thực hành thiền, nhất là ngồi nhiều, ngồi lâu, đau là điều không thể tránh khỏi. Đau là một trạng thái khó chịu có nảy sinh và có tan biến. Nó đến rồi đi. Do vậy, dù đau vì nguyên nhân gì, dưới dạng nào, cường độ ra sao, chúng ta cũng không nên vì đau mà bỏ ngồi thiền. Gặp và học được thiền Phật giáo là may mắn lớn trong đời, hãy cố gắng thực tập. Đau là một cơ hội cho chúng ta nhìn lại bản chất của các cảm thọ trong cơ thể. Quá trình đến và đi của cơn đau là một bài học để chúng ta nhận ra bản chất thay đổi liên tục của mọi sự vật hiện tượng. Khi vượt qua được các cơn đau khi ngồi thiền, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm để vượt qua những cơn đau mà chúng ta chạm phải trong cuộc sống đời thường. Có kinh nghiệm vượt qua những chạm đau giữa đời thường, chúng ta sẽ có khả năng giữ được sự bình an nội tại trong tâm trong mọi hoàn cảnh.
Giác Kiến

2 comments:

Unknown said...
This comment has been removed by a blog administrator.
Unknown said...
This comment has been removed by a blog administrator.