tạp ghi của Giác Kiến







Pages

4.5.15

Giáo dục đúng hướng phải đặt nền tảng trên tỉnh thức


Lời người dịch: Richard Brady là nhà Tư vấn Giáo Dục của tổ chức Minding Your Life Inc. Ông là thành viên sáng lập Mạng Lưới Giáo Dục Tỉnh Thức Mindfulness in Education Network. Giáo dục đúng hướng phải đặt nền tảng trên tỉnh thức là bài dịch từ bản tiếng Anh Realizing True Education with Mindfulness, bài tham luận của Richard Brady tại Hội Nghị Phật Giáo Quốc Tế tại Hà Nội nhân Đại Lễ Vesak 2551/2008 (United Nations Day of Vesak Celebrations, 13-14 May 2551/2008). Chúng tôi đã dịch bài viết này để đăng trong kỷ yếu Hội Nghị với tựa đề Để Có Một Nền Giáo Dục Lý Tưởng Qua Con Đường Tỉnh Thức. Bài viết Realizing True Education with Mindfulness nay được tác giả hiệu đính và đăng trong tạp chí khoa học Journal of the Sociology of Self-knowledge, Vol. VI, Issue 3, 87-98 với cùng tựa đề. Nhận thấy tầm quan trọng của bài viết trong giáo dục Phật giáo nói riêng và trong ngành giáo dục nói chung, đồng thời cũng nhận ra một số lỗi trong lần dịch trước, chúng tôi xin dùng bản đăng trên tạp chí Journal of the Sociology of Self-knowledge để dịch lại và chia sẻ cùng bạn đọc. Nhân đây, tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã giới thiệu cho tôi bài viết rất hay này của Richard Brady và yêu cầu tôi dịch cho kỷ yếu Hội thảo. Nhờ dịch bài này mà tôi học được rất nhiều điều hay từ giáo pháp của Đức Phật và từ tác giả. Tôi cũng xin cảm ơn các bạn mà tôi không tiện nêu tên ở đây đã giúp tôi nhận ra một số lỗi trong dịch thuật khi tôi mới bắt đầu dịch. Trong bài này, dịch sát nghĩa cái tựa vẫn là việc khó, nên tôi đành dịch thoát. Ngoài ra, còn có chỗ nào không ổn, rất mong bạn đọc chỉ giúp.  

Nội dung chính của bài viết: Giáo dục đúng hướng phải là giáo dục có mục đích đánh thức người học tự hiểu biết mình và hiểu biết thế giới xung quanh. Là người học Phật, chúng ta có thể xây dựng một nền giáo dục như vậy dựa trên giáo lý Bảy Yếu Tố Giác Ngộ của Đức Phật. Bài viết này bàn về những chướng ngại đang tồn tại trong nền giáo dục hiện đại cản trở quá trình phát triển bảy yếu tố giác ngộ và đề xuất các biện pháp có thể vượt qua các chướng ngại đó bằng con đường tỉnh thức.

---------------------------

Giáo dục đúng hướng phải đặt nền tảng trên tỉnh thức
Richard Brady
Giác Kiến dịch
Ngày nay giáo dục ở tuổi đầu đời được xem là giai đoạn quyết định nhất cho thành tựu của mỗi người trong tương lai. Trong khi đó, quá chú trọng những tựu trong tương lai lại là sự cản trở cho yếu tố thứ nhất trong bảy yếu tố  giác ngộ, làm mất đi niềm vui trong hiện tại. Học sinh càng ngày càng mất đi niềm vui do tâm lý cạnh tranh và chia rẽ trong học sinh. Vì học sinh tin rằng hạnh phúc có thể đạt được trong tương lai phụ thuộc vào những gì các em có thể đạt được trong hiện tại, các em nỗ lực học liên tục, rút ngắn thời gian nghỉ ngơi và vô tình đánh mất giá trị của yếu tố giác ngộ thứ hai, đó là thư giãn. Do có quá nhiều bài tập phải làm, quá nhiều hoạt động phải tham gia, và lòng lúc nào cũng mong chờ thành tích sẽ đạt được, khả năng tập trung của học sinh - yếu tố thứ ba - yếu đi.

Kết quả mà học sinh mong muốn đạt được thường phụ thuộc vào thành tích của các em trong các kỳ thi với những kiến thức và kỹ năng đã được soạn sẵn. Điều này ảnh hưởng không tốt đến tính ham học tự nhiên của học sinh, đây là yếu tố thứ tư. Khi các em lớn lên, các chướng ngại này sẽ làm gia tăng các trạng thái tâm lý tiêu cực như lo lắng và giận dữ. Phương pháp đối trị các chướng ngại này là sự tỉnh thức nội tại, một thói quen tốt cần được rèn luyện thường xuyên để có được yếu tố thứ năm, đó là chuyên cần. Tuy nhiên, giáo dục ngày nay chủ yếu tập trung hướng dẫn học sinh chú ý đến thế giới bên ngoài mà không thấy được giá trị bên trong và không dành thời gian cho việc trau giồi nội tâm của các em. Các trạng thái tâm lý tiêu cực phát tán và nhân rộng ra gây nên mệt mỏi, căng thẳng, có khi đến rối loạn thần kinh, làm cho yếu tố thứ sáu, buông xả, một trong các yếu tố quan trọng nhất, không thể nào phát triển được.  
Tỉnh thức, yếu tố thứ bảy, là yếu tố then chốt giúp học sinh có thể mở đường cho sáu yếu tố kia. Tuy nhiên, chỉ nhắm vào thành tích, quá chú trọng vào tư duy biện chứng, và lúc nào cũng lao về phía trước làm cho học sinh không thể phát triển khả năng tiếp xúc trọn vẹn với tiềm năng phong phú vốn có của mình ngay trong giây phút hiện tại.
Những biện pháp vượt qua các chướng ngại mà tôi sẽ trình bày dưới đây chính là những gì mà tôi đã từng áp dụng để đưa thực tập tỉnh thức vào giáo dục trung học cơ sở. Ở cấp học này, não bộ của học sinh phát triển rất tốt, nhưng đồng thời những thói quen suy nghĩ không lành mạnh cũng phát sinh dễ dàng. Cũng ở cấp học này, học sinh cũng chịu nhiều áp lực hơn. Tôi đã áp dụng một số trong các biện pháp này trong 14 năm qua khi tôi dạy lớp giảm căng thẳng (stress) cho tất cả học sinh lớp 9 của trường tôi. Các biện pháp khác thì mới áp dụng cách đây hai năm thôi khi tôi bắt đầu hướng dẫn tỉnh thức trong trong lớp Toán II, tức môn Hình học lớp 10 của trường chúng tôi, trong đó, tôi cho học sinh viết tự do về thơ, truyện, những câu văn hay (một số hoạt động tôi sẽ trình bày dưới đây) và thực hành thiền hoặc yoga để bắt đầu mỗi buổi học.

Niềm vui

Tạo ra một không khí vui tươi trong lớp học luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Nhiều năm qua, học sinh của tôi thường sử dụng phần lớn thời gian trên lớp để học nhóm rất tích cực. Vào đầu khóa tu Tháng Sáu năm 1992, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cho mỗi người chúng tôi một “câu thần chú” để gắn vào một chiếc giày của mình: “Tôi bước cho các bạn” (I walk for you). Đọc câu chú này mỗi khi mang giày để đi thiền, chúng tôi được nhắc nhớ rằng những bước chân nhẹ nhàng thảnh thơi của các bạn đồng tu có thể giúp chúng tôi bước đi nhẹ nhàng hơn, vững chãi hơn, chứ đó không phải là chỗ để ganh tỵ hay là lý do để đánh giá thấp mình. Cuối mùa hè đó, tôi đã làm nhiều câu thần chú “tôi học cho các bạn.” Tôi bảo học sinh gắn câu thần chú này lên bìa sách/vở của các em để nhắc các em rằng mỗi tối các em làm bài tập không phải chỉ vì lợi ích cho riêng các em mà còn lợi ích cho cả lớp nữa. Và cùng lúc đó, các học sinh khác cũng đang học cho các bạn mình nữa.  
Đến cuối học kỳ, thời gian mà học sinh thường mong đợi và học hành tích cực, tôi cũng nhắc học sinh ghi câu cảm ơn cho bạn cùng nhóm của mình. Cách đây hai năm, tôi cũng bắt đầu một hoạt động mới, đó là thực tập tỉnh thức theo nhóm giữa học kỳ, trong đó, học sinh tập viết tự do với đề tài “nhóm tôi….” Tôi gợi ý cho học sinh suy nghĩ tìm ra phương pháp để nhóm của mình học tập có hiệu quả hơn và viết vào quyển tập những phương pháp mới mà các em có thể thực hiện được. Các hoạt động này đã làm cho lớp học trở thành một đoàn thể thân tương thân tương ái hỗ trợ lẫn nhau.  
Học nhóm là một phương pháp rất hiệu quả tạo điều kiện cho học sinh hoàn thành tốt bài tập về nhà và có cơ hội khám phá ra nhiều phương pháp giải quyết vấn đề khác nhau. Cùng nhau giải quyết những khó khăn trong quá trình học ở lớp tạo cơ hội cho học sinh phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề theo nhóm. Dù là tập trung vào các vấn đề trên lớp hay sơ lược qua các bài tập về nhà, học nhóm luôn là động lực giúp học sinh vui thích học tập và tỉnh thức ngay trong giây phút hiện tại, điều mà học sinh không thể nào có được nếu cứ phải ngồi nhìn lên bảng và lắng nghe thầy giảng bài. Đề cao tầm quan trọng của tỉnh thức mở ra một chiều hướng mới cho các nhóm học sinh. Nhiều học sinh tự nhiên phát triển khả năng quán chiếu. Sự tĩnh lặng, tập trung, và viết những gì hay vừa học được trong tĩnh lặng giúp cho các bạn khác cũng thực hành tương tự. Một đồng nghiệp của tôi, sau khi dự giờ lớp Toán II, kể với tôi rằng cô ấy cảm thấy rất ấn tượng về chất lượng của phương pháp học qua thảo luận theo nhóm, cộng với sự tập trung và nhịp độ làm việc rất thong thả của học sinh được tạo ra sau những khoảng yên lặng tràn ngập trong khi các em đọc hay viết.
Một học sinh đã mô tả những gì em mang theo sau lớp Toán II thế này:
Tôi sẽ nhớ mãi những câu nói đùa, những lời nhận xét, những buổi đàm thoại thật vui thú hằng ngày, vì qua đó tôi đã học được rất nhiều, ngay cả khi những giờ học nhóm đó đi đã qua. Tôi thích lớp học đó lạ kỳ và cho đến bây giờ lớp học đó vẫn là lớp học mà tôi yêu thích nhất. Cái không khí tự nhiên làm sao, đúng là một môi trường học tập tuyệt vời nhất.

Nghỉ ngơi

Sau khi trở về từ khóa tu thứ hai của tôi ở Làng Mai, một trung tâm tu tập của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh ở vùng tây nam nước Pháp, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm của mình sau khóa tu với toàn trường nơi tôi dạy. Tôi có kể câu chuyện của Chris, người thực tập thiền đầu tiên mà tôi được gặp – Chris lớn hơn tôi nhiều. Ông đã chia sẻ kinh nghiệm của ông sau 3 tuần thực hành thiền chuyên sâu tại trung tâm thiền Zen ở địa phương. Cuối buổi chia sẻ của ông, một học sinh hỏi ông rằng việc tu tập thiền của ông có ích gì cho ông trong cuộc sống bên ngoài trung tâm thiền hay không. Chris trả lời rằng nhiều lợi ích rất vi tế và không thể diễn đạt dễ dàng được. “Tuy nhiên,” ông nói tiếp, “tôi có thể nói rằng kết quả là tôi ít sân giận hơn.” Và cuối buổi nói chuyện của tôi, tôi đã hướng dẫn toàn trường ngồi thiền trong 2 phút. Sau buổi nói chuyện đó vài ngày, Audrey, một học sinh lớp 12, đã chia sẻ kinh nghiệm của em tại buổi cầu nguyện của toàn trường thế này.
Em đã suy nghĩ rất nhiều về thay đổi mà học sinh của Thầy Brady nhận ra ở thầy sau thời gian thầy tu tập thiền đều đặn là thầy đã ít sân giận hơn. Sau đó, em trở nên bực bội với chính mình kinh khủng vì sân giận đã chất chồng trong tâm ngập cả những điều mà em nghĩ em phải làm. Em thực sự muốn buông xả tất cả, nhưng em không thể làm được. Điều này làm em càng bực mình hơn. Vào một đêm nọ, em đang ngồi ở bàn học, khoảng 12 giờ rưỡi khuya, thì đầu óc đang căng thẳng tột độ vì có quá nhiều việc phải làm. Cái đầu gần như muốn vỡ tung ra. Nhưng em kịp nhắm mắt lại và thở được 10 hơi thở thật sâu, hoàn toàn tập trung vào hơi thở vào ra. Đến khi mở mắt ra thì em thấy nhẹ nhõm lạ kỳ. Nếu các bạn cảm thấy căng thẳng hay sân giận, chỉ cần 10 giây nhắm mắt lại và thở sâu. Một hành động quá nhỏ mà lợi ích lớn vô cùng.  
Tôi luôn kể câu chuyện này trong các buổi dạy giảm căng thẳng bởi vì câu chuyện giúp tôi mời các học viên chuyển từ học về thiền sang thực hành thiền một cách dễ dàng như tôi đã làm. Sau đó tôi kết thúc buổi học bằng 10 phút ngồi thiền có hướng dẫn (xem thêm Nhất Hạnh, 1993, tr. 21):
Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào.
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.

Thở vào, hơi thở trở nên sâu hơn.
Thở ra, hơi thở trở nên chậm lại.

Thở vào, tôi cảm thấy an tịnh.
Thở ra, tôi cảm thấy nhẹ nhàng.

Thở vào, tôi mỉm cười.
Thở ra, tôi thảnh thơi.

An trú trong giờ phút hiện tại.
Tôi thấy đây là giây phút tuyệt vời.

Trong lớp Toán của tôi, tôi dùng một cái chuông Nhật (ringong) nhỏ. Tôi lắc nhẹ khi bắt đầu lớp học và cứ sau chừng mươi phút tôi lại lắc nhẹ để giúp học sinh dừng lại và quay về. Thời gian dường như ngừng trôi trong những giây phút ngắn ngủi ấy. Học sinh kính cẩn nghe tiếng chuông ngân. Không gian tràn ngập cả lớp như Judy Brown (2003, tr. 89) mô tả:  
Lửa
Lửa cháy nhờ đâu
Hai thanh củi chạm
Nhẹ thở không gian.
Quá nhiều điều lạ
Lửa củi dẫu nhiều
Một dòng nước mát
Lửa liền tiêu tan.
Nhìn kỹ nhìn sâu
Lửa cháy lửa hừng
Tan thanh củi chạm
Không gian cháy tràn,
Củi lửa chất chồng
Lửa cháy đường lửa
Giữa không gian rộng
Bài học cho ta.
Còn củi còn lửa
Củi hết lửa tàn,
Từng thanh củi mỏng
Tiếp lửa liên hồi
Lửa cháy đường lửa
Giữa không gian rộng
Bài học cho ta.

Tập Trung

Dành thời gian nghỉ ngơi, dừng lại, để nhìn sâu vào từng câu hỏi, từng ý nghĩ, từng phương pháp, từng kinh nghiệm cá nhân tạo ra được một môi trường học tập rất mới nhưng rất quen thuộc với các em học sinh này. Mới và đầy thách thức thú vị. Thường thì học sinh không thấy được lợi ích trước mắt như các em mong đợi. Đó không phải là chuyện sử dụng thời gian để mau qua việc khác hoặc gác qua mọi chuyện vô một góc nhỏ nào đó. Nghĩa là cần nhiều thời gian để cho học sinh thấy rằng có cái gì đó quan trọng hơn bên cạnh những gì các em đang thực tập; cần nhiều thời gian hơn nữa để các em ý thức được mình đang làm gì và với ai; cần nhiều thời gian hơn nữa để các em thật sự hiểu được điều mà John Moffitt (2003, tr.125) mô tả dưới đây.
Nhìn sâu vạn vật
Nhìn vật
Ta muốn hiểu sâu
Rừng nghe
Xanh ướm
Nói mau:
Xuân về.
Hiểu chưa
Chưa hiểu
Ai về?
Duyên không
Ai hỏi
Ai về
Duyên không.
Hãy là cuống lá đen cong
Chìm trong nét họa rêu phong mỹ miều
Tan trong thinh lặng sương chiều
Vi vu giai điệu cánh diều nhẹ buông.
Phản ứng với tác hại của “mì ăn liền,” phong trào ăn chậm đang khuyến khích một phương pháp thực tập xưa cổ trong bữa ăn tự nấu ở nhà với các thành phần bổ dưỡng. Ăn trong tỉnh thức hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá và nuôi dưỡng lòng tri ân trong bữa ăn chất lượng. Giống như cách chất bổ bị mất đi trong “mì ăn liền,” giá trị con người đang bị mất đi trong một nền giáo dục mà ở đó mục đích chỉ để tích luỹ thông tin và phương pháp phục vụ cho các kỳ thi cuối khoá. Trong hình thức giáo dục này, việc dạy và học chỉ để  cho xong hết chương trình đã được biên soạn, hoàn thành các đơn vị học trình để bước qua học trình khác. Việc học như vậy có thể được gọi là “học xong liền.”
Những gì phong trào giáo dục thiền định mang lại cho quá trình học cũng giống như những gì phong trào ăn chậm và ăn trong tỉnh thức mang lại cho quá trình tăng cường chất dinh dưỡng vậy đó. Học quán chiếu hay học “chậm” là cách học xưa cổ. Đó là phương pháp học trong các tu viện và trường dòng thời trung cổ, với đặc tính là “đào sâu” hơn là học qua và lướt qua. Với cách học này, người học đôi khi đọc đi đọc lại chỉ có một đoạn thôi, mà ngồi với nó trong im lặng, viết suy tư của mình về nó vào quyển tập, sau đó chia sẻ suy nghĩ của mình với nhóm hay với lớp (xem chương 6 trong Một Tổng Thể Ẩn Tàng (A Hidden Wholeness) của Parker Palmer). Học chậm hợp nhất người học với điều được học giống như thiền ăn hợp nhất người ăn và món ăn vậy.
Học chậm phù hợp với những hình thức học đa phức như đọc thơ, nghiên cứu, trình bày nghịch lý, xử lý tài liệu mơ hồ và còn nhiều tranh cãi, và giải quyết các vấn đề mang nhiều thách thức. Những trường hợp này thường đòi hỏi học chậm. Tập được thói quen học chậm nơi học sinh vốn phải luôn vội vã và bị cuốn về phía trước là điều rất quan trọng. Về việc ghi vào quyển tập kinh nghiệm quán chiếu khi gặp một bài toán khó, một học sinh đã chia sẻ: “Viết ra những gì em nghĩ về… thường cho em cơ hội nhìn lại bài toán từ một góc độ khác và giúp em hình dung ra được phương pháp để giải bài toán đó.
Quả thật, thói quen học (và sau đó là thói quen tiếp xúc với sự sống) một cách hoàn toàn tỉnh thức là kết quả quan trọng nhất của phương pháp học chậm.
Nhiều thầy cô đang áp dụng các hoạt động tỉnh thức từ giáo dục mầm non cho đến giáo dục đại học. Mở ra các lớp thực tập như tập thiền, tập yoga, tập viết nhật ký có thể giúp học sinh tập trung và tiếp cận các hoạt động sau đó tỉnh thức hơn. Tuy nhiên, phần lớn việc học của học sinh diễn ra ở nhà, nơi mà các thói quen cũ dễ dàng phát triển.
Trong vài năm qua, một điều tôi biết về học sinh của mình là, tôi khuyên học sinh mỗi tối học bài đừng quá 45 phút: đọc bài mới và làm bài tập hết khả năng của mình trong khoảng thời gian đó thôi; và kết quả cho thấy 45 phút học bài và 45 phút ngồi thiền giúp cho học sinh có thể tập trung tuyệt đối vào việc mà các em đang làm. Cách đây 2 năm, để cố gắng giúp học sinh hiểu được giá trị của thiền, tôi kể cho học sinh nghe câu chuyện thực tập rửa chén chỉ để rửa chén thôi của Thiền sư Nhất Hạnh (xem Nhất Hạnh, 1975, tr. 4). Nhiều học sinh hiểu câu chuyện, nhưng, giỏi lắm cũng chỉ ở bề mặt tri thức mà thôi. Năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức một lớp thực hành thực tiễn ngắn hạn đầu tiên, đó là thiền ăn nho. Tôi hướng dẫn học sinh ăn 3 trái nho khô trong vòng 5 phút với tất cả ý thức về mùi vị và xúc chạm; chỉ bỏ trái nho tiếp theo vào miệng khi nào đã ăn hết không còn một chút xíu nào của trái nho trước trong miệng. Nếu em nào không thể ăn hết 3 trái nho trong vòng 5 phút đó, cũng được, không sao. Ngày hôm sau, tôi giải thích cho học sinh biết tôi muốn các em, khi làm bài tập về nhà, các em hãy tập trung vào bài tập giống y như cách ăn nho đó vậy. “Nhai mỗi bài tập kỹ càng. Tiêu hoá bài tập đó cho hết trước khi bước qua bài tập khác. Làm như vậy, các em sẽ nhận được sự nuôi dưỡng trọn vẹn mà bài tập đó đem lại cho các em. Ngay cả khi các em không có thời gian để làm hết tất cả bài tập, các em sẽ thấy rằng sau khi xếp sách vở lại các em hiểu về những gì các em đã học tốt hơn là khi các em làm bài tập một cách vội vàng cho chóng hoàn thành.”
Tôi thấy khuyến khích học sinh học chậm như thế này là điều có thể làm được bởi vì trong môn toán không có dạng bài tập nào có thể bảo đảm rằng khi làm xong bài tập đó, học sinh chắc chắn sẽ nắm vững một khái niệm mới hoặc thành thạo một kỹ năng mới. Trong một lớp học tiếng Anh, có lẽ hơi vô lý nếu bảo học sinh rằng các em có thể dừng học sau khi đã đọc kỹ ba phần tư các trang sách phải đọc, hoặc có thể dừng lại sau khi đã học được hai phần ba số từ vựng. Cho nên, việc khuyến khích học sinh làm bài tập về nhà một cách tỉnh thức hơn trong hầu hết các môn học chỉ có thể thực hiện được nếu thầy cô có thể ra bài đọc ở nhà ít hơn, ít từ vựng hơn, ít câu hỏi phải trả lời hơn. Nếu quý thầy cô làm được điều này, tôi tin rằng, quý thầy cô sẽ thấy “ít hơn” nhưng thực chất là “nhiều hơn.”
Một cậu học sinh đã suy nghĩ về những gì mà cậu muốn trau giồi sau ba tuần đầu tiên của lớp học năm ngoái thế này.
Tôi thường làm việc đó (bài tập về nhà) chỉ để cho xong cho rồi. Thay vì suy nghĩ kỹ về bài toán mà tôi đang làm, tôi gấp rút lục ra câu trả lời để tôi chuyển sang làm bài tập khác, và cách học này làm hại khả năng thực thụ lĩnh hội bài học của tôi.
Một học sinh khác, sau khi hoàn tất lớp Toán II năm ngoái, viết:
Bây giờ tôi học nhiều hơn và có kỷ cương hơn, phần lớn là nhờ cái đoạn viết về rửa chén, vậy nên, tôi không xem học là một nhiệm vụ, mà tôi học vì tôi thích học.

Ham học

Nhiều học sinh của tôi đang bị một nền văn hoá mà ở đó cái gì các em nói ra lúc nào cũng bị nhận xét, đánh giá, đến nỗi nó làm cho các em chỉ muốn hỏi những câu hỏi hay. Xin hỏi, các em học sinh này có gặp khó khăn khi phải hỏi điều gì khi các em mới có 5 tuổi không? Quá trình khơi dậy trí thông minh vốn có của học sinh đòi hỏi chúng ta phải giúp các em trở về tiếp xúc với cái tâm ban đầu của mình, như Thiền sư Nhật Bản Shunryu Suzuki (1973,  tr.21) mô tả như sau:
Ở Nhật, chúng tôi có cụm từ soshin, nghĩa là “tâm ban đầu.” … Tâm ban đầu của chúng ta tự nó chứa tất cả. Tự nó vốn giàu có và đầy đủ. Đó không phải là một cái tâm khép kín, mà thực chất, một cái tâm trống không là một cái tâm sẵn sàng tiếp nhận tất cả. Nếu tâm bạn trống không, tâm bạn luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận bất cứ điều gì, nó rộng mở đối với tất cả. Tâm của người bắt đầu có rất giàu tiềm năng, còn tâm của người điêu luyện rồi thì nghèo lắm.
Khi mà lớp học bắt đầu học về một dạng toán mới và phức tạp trong sách giáo khoa, tôi bảo học sinh đừng chú ý đến các bài tập mà hãy ghi ra bốn câu hỏi của chính mình, với ba câu các em có thể tìm được câu trả lời ở trong sách và một câu thì không. Tôi chép những câu hỏi đó ra và bảo mỗi học sinh hãy chọn một hay hai câu mà các em thấy thích nhất rồi viết vào quyển tập của mình, mô tả điều gì đã làm cho các em thích những câu hỏi đặt biệt đó. Một học sinh chọn một câu hỏi về cách mở rộng một khái niệm từ hai đến ba phương diện khác nhau bởi vì em ấy thích học về không gian. Một học sinh khác thì chọn một câu hỏi vì cô bé “không biết làm sao có thể trả lời được câu hỏi đó.” Các em khác thì chọn một câu hỏi vì câu đó “phản lại với sách và toán học” hoặc “huyền bí quá” hoặc “làm cho em tức cười.”
Rồi tôi bắt đầu giờ học này bằng cách cho học sinh đọc đoạn văn sau của nhà thơ Rainer Maria Rilke (2001, tr.34):
Hãy kiên nhẫn với những vấn đề chưa được giải quyết trong tâm và cố gắng yêu thích chính những câu hỏi đó như thể chúng là những cái phòng đã bị khoá chặt hoặc những quyển sách được viết bằng một ngoại ngữ lạ hoắc. Đừng đi tìm câu trả lời lúc này, bởi vì có thể bạn sẽ không đủ khả năng để sống với chúng. Và vấn đề là hãy sống với tất cả. Lúc này hãy sống với các câu hỏi. Rồi có lẽ mai kia, một ngày nào đó, bạn sẽ dần dần sống với câu trả lời đang mở ra cho bạn.
Sau đó tôi bảo học sinh viết suy nghĩ của các em về đoạn văn này vào quyển tập của mình. Những suy nghĩ này được viết ở phía sau của quyển tập và tôi không bao giờ đọc phần này. Tôi thật sự không biết các em có đồng cảm với tác giả qua đoạn văn đó hay không! Các em đang nỗ lực tìm ra câu trả lời, nhưng nếu các em không thể tìm ra câu trả lời hoặc các em học được câu trả lời từ một người khác, nhiều em dễ dàng để những câu hỏi đó qua đi. Nhưng nhìn lại xem, sống với các câu hỏi chắc chắn là phương pháp đã làm cho Newton và nhiều nhà tư tưởng lớn khác phát ra những sáng kiến quan trọng nhất trong đời họ. Vì vậy, một trong các mục đích của tôi trong nhiều năm nay là bảo học sinh suy tư về những câu hỏi cho chín chắn để có thể sống với những câu hỏi đó; những câu hỏi đó có thể là những câu hỏi tôi đặt ra mà cũng có thể là những câu tự các em đặt ra cho mình.   
Thú thật là tôi không thành công lắm trong nỗ lực giúp học sinh tự đặt ra câu hỏi cho mình. Học sinh không quen nghĩ ra được câu hỏi, và nhiều em lại thấy ngại không dám chia sẻ những câu hỏi một khi các em nghĩ ra được. Trở lại đoạn trích của Rilke, tôi nhận ra rằng mục đích của tôi là phát triển tính ham học cho học sinh và thừa nhận giá trị của sự nhầm lẫn và lúng túng của các em. Các trường hợp này có thể nảy sinh theo cách riêng của từng em. Do nghĩ vậy cho nên cứ lâu lâu tôi bảo học sinh ghi những điều mà các em thấy phân vân, thấy không rõ ràng vào các trang sau của quyển tập của mình. Các em cũng đã thừa nhận rằng làm như vậy giúp các em trở nên ý thức rõ hơn về những gì mình còn mù mờ, tạo cho các em không gian rộng lớn hơn để nghĩ về những gì mà các em chưa rõ và có thể đưa ra nhiều câu hỏi quan trọng. Và chắc hẳn một số học sinh cũng mù mờ về những gì mà các em mù mờ.

Chuyên cần

Khi tôi mở các buổi hội thảo về Tỉnh thức cho giáo viên và học sinh trung học của trường, bắt đầu hội thảo, tôi luôn nhấn mạnh rằng tâm thức đóng vai trò rất quan trọng cho sự bình an của chúng ta. Sau đó tôi hướng cho họ hiểu tâm thức quan trọng như thế nào. Khi tôi nói về tâm, tôi nói về tỉnh giác. Tôi giúp họ hiểu tâm tỉnh giác của họ như là một ‘sân chơi’ trên đó nhận thức, tình cảm, ý tưởng và cảm giác diễn ra. Tôi nói với họ rằng chúng ta sẽ thực hiện một cuộc thí nghiệm ngắn để chúng ta có thể xem những gì đang diễn ra trên sân chơi cá nhân của mình. Sau khi học sinh hoặc giáo viên đã ổn định chỗ ngồi đâu vào đó rồi, tôi bảo họ nhắm mắt lại và hướng tâm vào cái sân chơi tỉnh giác của mình. Tôi hướng dẫn họ chỉ đơn giản theo dõi bất cứ nhận thức, tình cảm, ý tưởng và cảm giác nào đang diễn ra, quan sát chúng, nhưng đừng để chúng cuốn lôi. Sau 5 phút, chúng tôi từ từ mở mắt ra, và tôi hỏi một số câu hỏi. Ai đã ý thức được cảm giác của mình – âm thanh, mùi, vị, xúc chạm trên chỗ ngồi, nhịp tim, hơi thở, v.v…? Ai đã ý thức được tình cảm hay nhận thức của mình? Ai thấy được sự nảy sinh của một ý tưởng và sự chấm dứt của nó? Về cảm thọ, tôi hỏi ai cảm nhận được cảm thọ tiêu cực, cảm thọ trung tính, cảm thọ tích cực? Về những cảm thọ tiêu cực, ai cảm nhận được những cảm thọ đã từng biểu hiện? Ai cảm thấy bực bội hay tội lỗi về các cảm thọ tiêu cực? Thường thì rất ít người đá động đến câu hỏi này? Sau đó tôi hỏi bao nhiêu người có ý thức và cảm nhận được ý tưởng và cảm thọ liên quan đến tương lai, tức là những điều mà họ lo lắng về? Câu hỏi này thì được nhiều người trả lời. Cuối cùng, tôi hỏi bao nhiêu người có ý thức và cảm nhận được ý tưởng và cảm thọ liên quan đến hiện tại?
Sau đó, trở lại vấn đề chính, tôi chỉ cho họ thấy rằng hành hoạt của tâm thức chúng ta trong 5 phút tỉnh thức đặc biệt này của đời mình được lập lại khoảng 70.000 lần mỗi năm. Nếu chúng ta nhân số lượng những ý tưởng và cảm thọ tiêu cực mà chúng ta ý thức được đó lên 70.000 lần thì chúng ta sẽ hiểu ngay tại sao tâm thức đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra căng thẳng cho mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể ý thức hơn về những ý tưởng và cảm thọ tiêu cực nảy sinh trong tâm thức mình và thực tập thay thế những trạng thái tiêu cực đó bằng những trạng thái tích cực thì chúng ta sẽ có khả năng sống hạnh phúc hơn và ít bị căng thẳng hơn ở trường cũng như trong cuộc sống. Và tập thiền chính là một phương pháp giúp cho tâm mình luôn sẵn sàng nuôi dưỡng những ý tưởng lành mạnh.
Giờ học của học sinh dường như luôn luôn đầy ắp thời khóa biểu. Các em phải học và làm toán thật nhanh, dù sao cũng kinh qua được các bài học và có thể sử dụng kiến thức đó để giải được bài tập, nhưng các em hiếm khi ý thức được mối quan hệ giữa việc học đó với chính mình. Học sinh có thể ý thức hơn về quá trình tư duy của chính mình hay không? Tôi nghĩ là các em có thể, nếu tôi dành nhiều thời gian để các em thực tập tỉnh thức hơn. Vậy nên, trong hai năm qua, cứ vào thứ Sáu mỗi tuần, tôi cho học sinh của tôi 5 phút để viết tự do. Tôi hướng dẫn thế này: “Bây giờ bắt đầu viết ra bất cứ điều gì khởi sinh trong tâm thức trong vòng 5 phút. Hãy viết liên tục, đừng nghỉ. Nếu các em thấy không có gì nảy sinh trong tâm để viết ra cả, thì hãy viết “tâm tôi trống trơn,” viết hoài như vậy cho đến khi nào có điều gì đó nảy sinh để viết ra.” Tôi không bao giờ đọc những ‘bài viết’ này của các em. Những bài viết đó chỉ dành cho các em. Rất nhiều em bắt đầu đặt bút xuống là “tâm tôi trống trơn” liền. Một số em khác thì nói rằng, lúc đầu các em viết lung tung, chẳng đâu ra đâu cả, nhưng lần lần, các em thấy ý tưởng trở nên mạch lạc hơn. Quá trình thực tập viết tự do này rất có ích lợi, rất có giá trị đối với các em. Có lần, tuy rất hiếm, tôi quên hôm đó là ngày các em được viết tự do, lập tức các em nhắc tôi liền. Viết như thế này giúp các em học toán tốt hơn.
Đúng như những gì mà đồng nghiệp của tôi nhận xét như tôi đã đề cập ở trên, một học sinh viết:
Viết ra suy nghĩ và tình cảm của mình cho tôi cơ hội tập trung hoàn toàn vào những gì đang diễn ra trong tâm, và nhờ vậy, tôi có thể tập trung một cách dễ dàng trong 40 phút của giờ học toán.
Viết tự do và đọc bài học nhiều lần trong tuần dường như đã giúp cho học sinh hình thành thói quen ý thức về chính mình và cuộc sống tốt hơn. Ghi nhận ý tưởng và tình cảm của mình đã giúp phát triển khả năng tỉnh thức của học sinh. Một số học sinh nói rằng đọc học chậm và đọc nhiều lần là cách học rất hiệu nghiệm. Có em nói thực tập tỉnh thức như vậy “làm cho em nhìn sâu cuộc sống của mình.” Có em thì thích viết tự do hơn. Vài tuần sau khi khóa học bắt đầu, học sinh đã đề nghị cung cấp tài liệu cho các em đọc nhiều hơn. Một số đoạn trích liên quan đến các đề tài như bí quyết giải quyết khó khăn hoặc trí tuệ của Đạo sư Berre đã được sưu tập từ trên mạng Internet cho mục đích này.
Mặc dù tôi chẳng bao giờ đọc các đoạn viết trong quyển tập của các em, nhưng cuối năm học, tôi hay bảo học sinh đọc lại tất cả các đoạn các em đã viết ở phần sau cuốn tập và yêu cầu mỗi học sinh đều phải viết một bài hoàn chỉnh phát triển một đoạn nào đó và giải thích tại sao đoạn đó có ý nghĩa đối với em. Một số em đã chọn các đoạn viết tự do mà em đã viết trong năm và mô tả thái độ của em về khóa học hoặc hiểu biết của em về toán học đã thay đổi như thế nào. Có một em viết thế này:
Điều mà tôi học được đó là nhìn thẳng vào những nghịch cảnh và khó khăn đúng như hiện thực của chúng chính là phương pháp đối diện với nghịch cảnh và giải quyết những khó khăn. Nếu chúng ta quên đi những áp lực, quên đi những định kiến về những gì chúng ta đang làm; nếu chúng ta để cho tâm mình tự do tập trung và sáng tạo, được tự do đối ứng và thao tác tình huống hiện tại và ngay trong hiện tại đó thôi thì chúng ta sẽ khai thác được nguồn tiềm năng tuyệt đối của mình.
Một số em thì chọn viết về những bài đọc hiểu đã mang lại cho các em sự hiểu biết sâu hơn và mới mẻ hơn về chính mình và cuộc sống. Một học sinh đã viết về phản ứng của em khi đọc sự bắt đầu mà Steve Jobs mô tả như sau:
“Tôi bắt đầu nghĩ rằng có lẽ cứ thơ ngây với đường đời trước mặt không phải là điều xấu.” Tôi không khép mình trong suy nghĩ của riêng tôi, mà ngược lại, tôi tự do khám phá và cố gắng tìm ra những gì mà tôi thật sự yêu thích.
Dường như khi thực tập tỉnh thức đáp ứng được nhu cầu của học sinh ngay từ lúc mới bắt đầu, tôi cảm thấy quá tuyệt vời. Sau đây là một câu chuyện về tính thiết thực và giá trị của con đường tỉnh thức.
Cách đây mười năm, giờ dạy Đại số lớp 9 vào buổi chiều của tôi luôn luôn thất bại. Tôi không thể nào vượt qua tình trạng đó được. Cũng một nội dung bài học mà tôi có thể hoàn thành trọn vẹn trong giờ dạy cho lớp buổi sáng, tôi chỉ có thể hoàn thành một nửa trong lớp buổi chiều này. Phản ứng đầu tiên của tôi là khiển trách tình trạng của lớp học do một nhóm học sinh thiếu ý thức gây ra. Tuy nhiên, có một người bạn đề nghị rằng tôi nên khảo sát xem học sinh trong lớp ý thức về tình trạng này như thế nào. Một số học sinh cho tôi biết các em thường rất mệt mỏi vì lớp học bắt đầu ngay sau bữa ăn trưa. Chia sẻ ‘phát hiện’ này với cả lớp, tôi nói tôi muốn làm một nghiên cứu vào kỳ nghỉ Đông tới để xem thử tôi có thể tìm ra cách khắc phục tình trạng này hay không.
Lúc đó, Thượng tọa Rahula, một trong các vị sư ở tu viện Phật giáo mà tôi thường tới lui vào mùa nghỉ Đông, đang dạy thiền. Tôi đem khó khăn ở trường chia sẻ với Thượng tọa và xin ngài có lời khuyên. Thượng tọa chỉ cho tôi một bài thể dục vươn mình đơn giản nhằm đưa năng lượng dưới chân lên. “Đứng nhón mình trên ngón chân, vươn cao hai tay trên đầu, vừa thở ra vừa cong mình xuống chạm hai bàn tay trên nền nhà. Rồi vừa nâng người lên trở lại, vươn cao hai tay, vừa thở ra. Lặp lại động tác này chín lần nữa, và nhớ vẫn đứng nhón người trên ngón chân.”
Tôi trở lại lớp học thách thức này với hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng mệt mỏi của học sinh. Cho học sinh đứng thành vòng tròn trước lớp, tôi hướng dẫn học sinh tập động tác vươn mình đó. Tất cả học sinh đều thấy có hiệu nghiệm. Tôi nói, “từ nay trở đi, thầy sẽ bắt đầu tiết học như thế này. Thầy muốn tất cả các em lần lượt thay phiên nhau thay thầy hướng dẫn động tác này. Sau đó, nếu các em trở nên tỉnh táo đủ để sẵn sàng học rồi, thì khi đó các em muốn tham gia tập nữa hay không cũng được.”
Từ đó đến cuối năm, hầu như cả lớp đều tham gia tập động tác này hằng ngày. Những người đi qua cửa lớp đều đưa mắt nhìn chúng tôi qua cửa sổ một cách ngạc nhiên. Thực tập mở màn của chúng tôi trở thành bản sắc độc đáo của học sinh lớp này. Điều quý nhất là tất cả học sinh đã trở nên rất tập trung trong tiết học và chú ý vào bài giảng của tôi cũng như hoạt động của các em tốt hơn. Kể từ đó, tôi giới thiệu bài tập yoga này đến lớp học nào mà học sinh trở nên mệt mỏi và sau đó, khi nào học sinh cảm thấy mệt mỏi và yêu cầu tập thì tập, còn không thì thôi.  

Buông xả

Các bài toán đố, các bài kiểm tra và các kỳ thi là nguyên nhân chính làm cho nhiều học sinh căng thẳng đầu óc. Nhiều học sinh đến lớp đã quá căng thẳng rồi đến nỗi không còn khả năng diễn đạt điều mà các em đã biết. Việc bỏ ra 5 phút để tập thiền trước giờ giải toán, giờ kiểm tra, hay giờ thi đã chứng tỏ rất lợi ích cho học sinh trong các lớp toán trung học của tôi. Tôi thường cho các em bắt đầu thực tập thiền trước giờ giải toán bằng cách hỏi cả lớp thử có em nào cảm thấy hồi hộp không, nếu có em nào giơ tay, thì tôi liền cho cả lớp tập thiền vài phút để giảm bớt căng thẳng.
Tập thiền gồm có hai phần. Chúng tôi tắt hết đèn, cho học sinh ngồi thẳng lưng, thư giãn và mắt nhắm. Phần thứ nhất, học sinh chú ý đến cảm thọ của mình, ghi nhận trạng thái hồi hộp, bồn chồn, lo lắng, v.v…và chỉ đơn giản ghi nhận vậy thôi. Cứ cảm nghiệm các cảm thọ này một cách tự nhiên. Dù có một số cảm thọ không lợi ích, từ bản chất, chẳng có gì sai trong các cảm thọ này cả. Tập chấp nhận các cảm thọ này như là những phần rất tự nhiên trong con người giúp chúng ta tránh nhân rộng tác động của chúng đối với mình.  
Mặc khác, học sinh có nhiều kinh nghiệm trong việc học toán hơn là chỉ có các bài giải toán và các cảm thọ này. Vì vậy, tôi giới thiệu phần thứ hai, cho học sinh thay đổi đối tượng chú ý và hướng cho các em cảm nhận một trải nghiệm tích cực nào đó trong việc học toán. Trải nghiệm này có thể là một khóa học, một hoạt động, một đề án nào đó về toán mới đây, hoặc có thể là một ký ức về thời mới học đếm, mới học xem giờ. Ngồi im lặng với cảm giác về những gì mình đã làm được liên quan đến toán khoảng vài phút làm cho học sinh sẵn sàng bắt đầu giải toán với tâm lý tích cực hơn.
Tôi gợi ý rằng nếu các em cũng còn thấy hồi hộp khi đang làm bài thì hãy dừng lại, nhắm mắt lại, thở vào, thở ra ba hơi thật chậm, để tiếp xúc lại với những cảm nghiệm tích cực của mình.
Tất cả chúng ta đều lo lắng căng thẳng trước những tình huống sắp diễn ra mà chúng ta chưa hoàn toàn sẵn sàng. Tập ý thức về những cảm thọ như vậy và chấp nhận những cảm thọ đó một cách tự nhiên sẽ tạo ra được một không gian rộng lớn bên trong. Đây là một kỹ năng sống rất quan trọng mà học sinh cần phải học. Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là học sinh cũng cần phải biết các em có nhiều tiềm năng lớn hơn nữa chứ không phải chỉ có các cảm thọ này thôi. Ý thức được như vậy sẽ làm cho học sinh có quyền tự do chọn lựa tập trung vào những cảm nghiệm khác có thể khơi dậy cảm giác sẵn sàng và giàu năng lực. Sau giờ giải toán đầu tiên của năm học này, một học sinh viết trong quyển tập của mình thế này:
Hôm qua chúng tôi được làm toán chạy, nhưng trước đó chúng tôi đã tập thiền. Dường như tôi chẳng có gì lo lắng bởi vì không khí lớp học quá bình an và tĩnh lặng. Một phút tĩnh lặng mà trải cả hàng giờ.  
Vì trong kỳ thi thường có các giáo viên khác đến cùng làm giám thị, cho nên học sinh trong một khóa tôi dạy đã không có thời gian tập thiền trước khi làm bài thi giữa kỳ năm ngoái. Do vậy, trong giờ giải lao, tôi đến gặp các em và trao cho mỗi em một cái thẻ, trong đó tôi ghi “dừng lại và thở đi em.” Nhiều em đã thấy cái thẻ nhắc nhớ đó rất hiệu lực. Và trước kỳ thi cuối năm, học sinh lại tìm tôi hỏi xin “thẻ thở” nữa. Một học sinh nói thế này:
Trong các môn học khác, tôi cũng thích tập thiền một chút trước giờ giải bài tập hoặc giờ kiểm tra để cho tâm bình tĩnh và tập trung vào những gì tích cực thôi.
Và đây là ghi nhận cuối năm của một học sinh lớp 10.
Suốt khóa học năm nay, các giờ tập thiền bắt đầu mỗi buổi học và trước các giờ thi đã thực sự dạy tôi thư giãn. Đầu năm học, tôi rất hồi hộp trước các giờ kiểm tra bởi vì tôi cố gắng ôn lại thật nhanh những gì tôi đã học, nhưng sang học kỳ hai, tôi đã học được cách rửa não của mình. Quan trọng hơn nhiều, tôi học thở. Tôi đã biết làm thế nào để rửa não mình cho sạch và tin rằng tôi sẽ nhớ tất cả các định lý và công thức mà tôi đã học. Khi tôi có thể rửa sạch não mình và thư giãn, tôi ít bị mắc lỗi hơn.
Một khi học sinh đã tập thiền, như qua lời kể trên, thiền không còn là việc bắt buộc nữa. Tôi chỉ cần gợi ý cho học sinh cất hết sách vở và tĩnh lặng một vài phút trước khi làm bài, có thể suy nghĩ về những bài toán đã học hay điều gì khác cũng được. Phần lớn học sinh, như học sinh trên đây, sau đó thấy rằng tập thiền là việc tự nguyện và yêu thích.
Tuy nhiên, hiệu quả của thiền cũng đa dạng. Tôi giải thích với học sinh rằng cái tâm giống như cái ti vi vậy. Nó có nhiều kênh, như kênh hạnh phúc, kênh buồn bã, kênh tự tin và kênh lo lắng. Ai cũng có thể tiếp được các kênh đó hết, những có người tiếp kênh này tốt hơn người khác hoặc các kênh khác. Kênh mạnh nhất thường là kênh được mặc định, được mở tự động nhiều nhất.
Một số học sinh có thể rất sẵn sàng và tự tin khi làm bài kiểm tra. Ngay cả trong trường hợp này, thiền vẫn giúp ích. Một học sinh rất giỏi toán đã giải thích:  
Tôi đã chuẩn bị tinh thần để khám phá trước các giờ kiểm tra và tôi tin là tôi có khả năng làm cho câu trả lời tinh tế chưa từng thấy trong một giới hạn thời gian nhất định.
Một số học sinh khác thì lại thấy hồi hộp dù các em đã chuẩn bị sẵn sàng và hiểu biết tương tự như vậy. Mặc dù thiền có thể giúp một số học sinh ở nhóm trước tập trung tốt hơn, thiền về những kinh nghiệm tích cực về toán phù hợp hơn cho học sinh ở nhóm sau vì phương pháp này giúp các em vượt qua những lo lắng. Dẫu vậy, cũng có học sinh với kênh lo lắng quá mạnh, mỗi khi gặp tình huống khó khăn thì kênh lo lắng lập tức chuyển về dạng thức mặc định. Với học sinh này, tôi đề nghị ngưng làm việc, nhắm mắt lại, thở vài hơi, rồi sau đó chuyển kênh tâm lý trở lại dạng thức tích cực. Cứ chuyển lại kênh tích cực nhiều lần sẽ gia tăng tín hiệu của nó để cuối cùng nó sẽ trở thành kênh mặc định.  
Trong một môi trường mà căng thẳng thường làm cho năng lực yếu đi, một lời chia sẻ như thế này rất đáng khích lệ:
Ban đầu, tôi nghi không biết thiền có ích gì chăng, nhưng sau đó, tôi thấy thiền giúp tôi tập trung và bình tĩnh hơn bất cứ phương pháp nào khác.
Đầu năm ngoái, tôi có nói chuyện với một học sinh. Em đó viết trong quyển tập của mình về sự căng thẳng đầu óc khi em chuẩn bị cho bài kiểm tra đầu tiên. Em kể cho tôi nghe suy nghĩ về giờ kiểm tra đã ảnh hưởng tiêu cực lên việc học của em như thế nào. Tôi hỏi em không biết có phải em lo lắng vì em luôn nghĩ về thành quả trong tất cả các việc làm của mình. Em xác quyết rằng ý tưởng về quá trình hình thành của một chiếc khăn len không bao giờ can thiệp vào việc đang đan khăn của em cả. Tôi đề nghị, vậy thì em nên ý thức về việc học bài chuẩn bị kiểm tra như một cách đan khác, và tin rằng “chiếc khăn” sẽ rất đẹp nếu em hoàn toàn tập trung vào việc “đan” của mình mà thôi.

Kết luận

Tôi thấy rằng tạo điều kiện cho học sinh thực tập tỉnh thức đều đặn dưới nhiều hình thức khác nhau (tập yoga, viết tự do, đọc tĩnh lặng, thiền giải toán, quán chiếu ý tưởng và cảm thọ, cảm nghiệm kinh nghiệm học toán, nhận biết hương vị của nho) giúp cho học sinh thực nghiệm một hình thức giáo dục có thể phát triển bảy yếu tố giác ngộ của các em. Hơn ai hết, học sinh sẽ tự mình nhận chân được kinh nghiệm tỉnh thức của mình. Có học sinh nói rằng em thường “bị ý tưởng của mình cuốn khỏi bài mà em đang đọc.” Một học sinh khác viết rõ hơn:
Tôi đã học được nhiều bài học quý giá từ chính kinh nghiệm của tôi qua cách suy nghiệm về những lời trích tôi viết trong quyển tập và cách tôi suy nghiệm về những đoạn viết tự do của mình. Khi viết liên tục, tôi thường viết những điều, mà trên bề mặt ý thức, tôi không hề hiểu gì cả trước khi những con chữ tràn ra trên trang vở.



Tham khảo

Brown, J. (2003). in S. Intrator & M. Scribner (Eds.). Teaching with Fire: Poetry that Sustains the Courage to Teach. San Francisco: Jossey-Bass.
Moffitt, J. (2003). in S. Intrator & M. Scribner (Eds.). Teaching with Fire: Poetry that Sustains the Courage to Teach. San Francisco: Jossey-Bass.
Nhat Hanh, T. (1975). The Miracle of Mindfulness. Boston: Beacon Press.
Nhat Hanh, T. (1993). The Blooming of a Lotus: Guided Meditation Exercises for Healing and Transformation. Boston: Beacon Press
Palmer, P. (2004).  A Hidden Wholeness: The Journey Toward an Undivided Life. San Francisco: Jossey-Bass.
Rilke, R.M. (2001). Letters to a Young Poet (S. Mitchell, Trans.), New York: Modern Library.
Rumi, J. (2003). in S. Intrator, S. & M. Scribner (Eds.). Teaching with Fire: Poetry that Sustains the Courage to Teach. San Francisco: Jossey-Bass.
Suzuki, S.(1973). Zen Mind, Beginner’s Mind. Boston: Weatherhill.


Richard Brady
Giác Kiến dịch


No comments: