tạp ghi của Giác Kiến







Pages

28.12.14

Võ Như Lanh: Đường trí tuệ nở hoa

Võ Như Lanh, Ảnh: Phổ Tâm, Nguồn: GN

Hơi đất Quảng
Giữa tháng 11, trong kế hoạch tìm lại nguồn xưa, tôi đi dọc một vòng từ Non Nước, vô Vĩnh Điện, rồi Hà Lam, Việt An, rồi vòng lên Hiệp Đức, ra Quế Sơn, Phong Thử, Điện Thọ, Điện Bàn, rồi ra Miếu Bông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Tôi dừng chân ở Cẩm Lệ.
Tôi chẳng tìm được gì, như dự tính, nhưng phát hiện ra một điều, đó là, người quê ở miệt này rất yêu độc lập, yêu tự do, và yêu hạnh phúc. Dọc đường tự Hiệp Đức ra Quế Sơn, nhà nào cũng treo bảng đỏ chữ vàng Không có gì quý hơn đọc lập tự do hạnh phúc. Trừ một số nhà còn hơi nghèo. Tôi đoán vậy vì tôi thấy những nhà hơi cũ kỷ lụp xụp một chút thì vắng cái bảng đỏ chữ vàng đó thôi. Nói chuyện với cô phụ xe (ở đây phụ nữ phụ xe có vẻ hiền lành và tử tế hơn thanh niên), tôi hiểu là họ nghĩ họ chưa hạnh phúc lắm, để khi nào hạnh phúc rồi họ mới treo, chứ họ vốn chân quê, không thích hô khẩu hiệu suông. Tôi thấy dân ở đây còn dùng cót và sáo tre nhiều, tôi hỏi mua. Cô phụ xe đã ân cần chỉ dẫn cho tôi chi tiết chỗ và hàng tôi nên mua để đảm bảo chất lượng tốt và giá cả phải chăng. 

24.12.14

Sang trang

(Bài thơ này viết cuối năm 2000, khi đang ở Nha Trang. Nay gặp lại trong mớ giấy cũ, xin chia sẻ cùng các bạn).

Mùa đông
một ngày trong vạn thuở
quyển vở sang trang
từ không
đến có
tiếng cười vang
như mây ngàn
như bọt nước
hợp tan...
có lẽ nào
rồi không, anh nhỉ?!
từ vô thỉ
ta biết gì, mặc nó
lúc sang trang
hiện hữu rõ ràng
mây ngàn gió cuốn về đâu?

22.8.14

Cái giận

Đây là những dòng chữ tùy duyên gõ lại từ năm 2012, gọi là tùy bút về giận. Hồi đó tôi có chia sẻ trên Văn hóa Phật giáo online. Năm nay, nhân Vô Ưu đăng bài tùy bút này trên báo giấy số 54, mùa Vu Lan, với tựa đề Chuyện về cái giận, nên tôi xin chia sẻ lại ở đây để mọi người cùng đọc. Với các bạn thân quen trong lớp học thiền, thì dòng chữ này quen và nhàm lắm rồi. Nhưng đối với những bạn đọc mới, bàn về cái giận cũng có cái hay, nên chia sẻ lại cho vui vậy. Nói đến giận, Đức Phật đã dạy chúng ta rồi:
Nó mắng tôi, đánh tôi  
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
Nó thắng tôi, đánh tôi
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận thù diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu. (Kinh Pháp cú số 3, 4, 5)
Và Đức Phật dạy thêm:
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy. (Kinh Pháp cú số 223)
Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái! (Kinh Pháp cú số 251)
Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù buộc ràng,
Không sao thoát hận thù. (Kinh Pháp cú số 291)
Biết rằng thực hành được như lời đức Phật dạy là khó lắm. Mà học lời Phật dạy về sân giận để có thể nhìn lại một chút như thế này, như một bạn trẻ chia sẻ, là quý lắm rồi:
Đấy! Sân giận đấy! Từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc có giây phút nào thỏa mãn, hạnh phúc, đẹp lòng mọi người không? Hay là ấm ức, bêu rếu, lườm nguýt, mỉa mai nhau... Giận nhau làm gì cho mệt mà xấu gái đi, chả ai thèm yêu. 
Vâng, thay đổi tập tính từ tốt đến xấu thì dễ, còn từ xấu thành tốt thì khó mà cũng ít người chịu nhìn thẳng vào cái Xấu của mình. Thế nhưng đời sống an lạc hay không thì phụ thuộc vào khả năng biến đổi của bản thân, không ai chuyển hộ được. Đối với những người hay nóng tính như mình đây thì tập từng chút một, tập dần dần, đừng có “chưa đi đã chạy”, mà cũng đừng có nói suông. (Hanh Nguyen, HS 12)

Chia sẻ lại ở đây, có 2 chỗ lỗi cần chỉnh lại chút xíu. Một là có vài cụm, câu đã ghi trong bài Chuyện về cái giận chưa rõ, nay chia sẻ trên báo giấy mới đọc kỹ lại và phát hiện ra, chỉnh lại. Bản này là bản đã chỉnh. Hai là, trên Vô Ưu, BBS thích để bài này dưới mục gọi là Hồi ký, có vẻ không ổn lắm. Mục này gọi là Tùy bút thì phù hợp hơn. Không biết tâm lý người đọc hiện nay thích đọc Hồi ký hơn là Tùy bút, Tản văn không? Hồi ký nghe có vẻ thật và gợi tò mò? Tùy bút, Tản văn có vẻ hư cấu và tự chia sẻ tâm tình? Thực ra, cả hai đều là cách người viết mượn để chia sẻ những điều mình muốn nói qua kinh nghiệm sống thực của người viết mà thôi.

 

 

Cái giận

Thời còn học phổ thông, tôi được đưa về ở với ngoại một năm. Sau này mỗi lần tôi gặp lại các dì và cậu, điều mà các dì và cậu tôi hay nhắc về tôi nhất chính là cái… tính nóng. Qua lời kể của dì, tính nóng của tôi thể hiện thường xuyên, nhất là những lúc chơi giỡn với bọn trẻ hoặc khi bị ông bà ngoại bảo làm một điều gì đó mà tôi không thích. Vì thế mà chuyện gây gổ và choảng nhau với bọn trẻ trong xóm là chuyện thường như cơm bữa. Còn cái tật làm ẩu cho ‘biết mặt’ của tôi mỗi khi bị ép buộc phải làm một điều gì bất đắc dĩ, thì các dì và cậu của tôi đều ngán.

31.7.14

Thật cả trong mơ

Đây là những dòng chữ tùy duyên gõ lại từ năm 2010. Cứ đến ngày kỷ niệm Hòa Thượng Minh Châu thì tôi nhớ và đem ra đọc lại. 
Năm nay, sắp đến ngày kỷ niệm 2 năm Hòa Thượng viên tịch, tôi lại gặp nhiều duyên làm tôi nhớ đến Ngài. Nhớ đến Ngài là tôi nhớ đến một số việc cần làm mà tôi đã tự đặt ra cho mình ngay sau đêm tôi mơ thấy Ngài, 14 tháng Giêng năm Canh Dần.
Chia sẻ mấy dòng chữ này ở đây, tôi mong cầu được Ngài gia hộ để tôi đủ duyên làm được những điều mà tôi đã tự dặn mình về một bậc thầy khả kính.
  *
*  *

Vừa tỉnh giấc dậy, hình ảnh của Hòa thường vẫn còn hiện rõ trong trí nhớ tôi. Hiền từ trên gương mặt nhưng vóc dáng có vẻ quắc thước. Phải chi tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ ngay chân dung Hòa thường như tôi vừa gặp. Nhưng vì tôi không phải là họa sĩ, nên hình ảnh của Hòa thượng lại cứ hiện lên hiện lên như thể nhắc tôi phải vẽ.

17.4.14

Một lần tìm Phật

Image result for buddha



Xin cáo lỗi: Bài viết này đã được lấy xuống. Sẽ giới thiệu lại cùng các bạn vào một dịp phù hợp. Cảm ơn bạn đã ghé qua đây và hẹn gặp lại.


27.1.14

Rộn trong lễ nghi

Tết đến, cùng với cái rộn ràng tất niên là cảnh rộn ràng trong nghi lễ của mọi người. Tôi đã chọn ở góc núi vậy mà cảnh lễ nghi cũng rộn lên. Kẻ đến người đi. Chào chào nói nói. Người mang theo bó bông. Người mang theo túi quả. Rồi bánh tét, dầu ăn, đường, muối, mức gừng... Tôi đã quyết năm nay không ăn tết dềnh dang mà hương vị tết cứ nức lên. Quê mình là vậy. Rất đẹp và rất thương. Thân tình lắm, các bác các anh chị mới chịu khó ra đến góc núi lạnh này. Tôi quý tấm lòng bằng hữu của các bác và các anh chị.
Nhưng nhìn vật phẩm anh chị mang đến, nghi thức chào hỏi của anh chị, tôi không khỏi suy nghĩ về chuyện nghi lễ của quê mình. Chuyện này thì có người đã bàn.
Theo bác Vương Trí Nhàn, “cách chúng ta tổ chức hiện nay, thì ở đó có bao nhiêu cổ hủ, bao nhiêu đắp điếm giả tạo, và ngày tết không khỏi trở thành là một dịp phô bầy ra cái sự lạc hậu trong nếp sống nếp nghĩ đã từng ngự trị trong quá khứ, và ngày nay còn để lại nhiều di lụy.” Bác tỏ ra lo lắng khi thấy “nhịp điệu uể oải chậm chạp của một xã hội u tối” trong kiểu ăn chơi ngày tết của đông đảo quần chúng. Đó là một góc nhìn trong các góc nhìn, chỉ phản ánh một phần nào đó trong toàn bức tranh xã hội thôi.
Thực chất, việc thăm và chúc tết của các anh chị giúp tôi thấm hơn nghĩa sum họp và tri ân của ngày tết và trân trọng hơn tình bằng hữu. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính nghi lễ ấy vẫn còn dấu hiệu và dáng dấp dềnh dang không nên có.
[...]
Tôi đang ghi lại mấy lời bàn về nghi lễ của những người quan tâm đến hiện trạng nghi lễ hiện nay thì lại có khách đến. Đặt 2 ly cà phê đen lên sàn gỗ, khách mời và chỉ túi đường nhỏ, nếu thích thì thêm vào. Cái đơn sơ của vị khách hiện là một cán bộ uy tín cấp tỉnh làm tôi thích thú.
vẻ đẹp đơn sơ
Bên tách cà phê với khách tại cốc Phương Thảo, chiều 27 tháng Chạp.
Tôi chợt nhớ đến chia sẻ của bác Cao Huy Thuần ba năm về trước. Bác bảo, “tôi sợ lễ nghi, cung cách. Lễ nghi lắm khi giết chết lễ nghi.” Sợ nhưng tránh đâu được. Bác phải luận: bản chất đơn sơ của mọi sự vật, đơn sơ đến độ như không vướng mắc vào bất cứ một cái gì, như không có gì, như chỉ duy nhất tầm thường có thế thôi là cao hơn cả. Từ chỗ cái đơn sơ đó, bác phán rằng, đơn sơ là tinh tuý của nghi lễ. Không dừng lại ở đó, bác lại phán tiếp: Đơn sơ là tinh túy của thiền.
Đến đây, tôi thấy bàn về nghi lễ như vậy thì hơi chăm. Tôi nhẫm nôm na, như vậy, chỗ gặp nhau giữa thiền và nghi lễ là đơn sơ. Và tất nhiên, đơn sơ đó phải đến độ như “không vướng mắc vào bất cứ một cái gì.”
Thế thì, phải chăng để tránh tình trạng “Lễ nghi giết chết lễ nghi” thì phải “không vướng mắc vào bất cứ một cái gì.” Và phải chăng với thiền cũng thế?

Bình yên nơi miền tĩnh lặng

Mỗi dịp xuân về là mỗi dịp nỗi nhớ thầy càng thắm hơn. Hai vị thầy mà tôi nhớ nhất là Trưởng lão Giác Dũng và Trưởng lão Giác Đăng. Điểm chung của hai vị là hiện thân của sự bình yên, một nguồn bình yên miên viễn. Xuân này, hai vị đã đi về miền tịch tĩnh lặng yên, nỗi nhớ đã thắm giờ thêm thấm. Thắm và thấm hơn khi nguồn bình an trong tâm thức của thầy không còn giới hạn trong sắc thân của thầy, khi bình an đã trở thành một nguồn năng lượng lan toả và thấm nhuần khắp những nơi thầy đã ở đã đến.
Tôi liên tưởng đến một ý pháp trong triết lý Phật giáo rằng, nếu thấy và nghe sự tồn tại của một nhân cách đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát qua hình sắc và âm thanh thì cái thấy nghe đó chưa chuẩn. Người thấy nghe như thế không thể tiếp cận được với nhân cách đã giác ngộ giải thoát được.
Ý pháp ấy như một lời nhắc giúp tôi cất đi những ký ức về hình tướng của thầy để dễ dàng cảm nhận nguồn năng lượng toả ra từ thầy đang tĩnh ngự nơi đây.
Nhớ lời Trưởng lão Giác Dũng dạy, “tự nhiên tâm mình vốn là tịnh, tức là tâm mình vốn tịnh. Nhưng bên ngoài làm mình động, không an.” Thanh tịnh, bình an tự nhiên ai cũng có. Người ta khác nhau ở chỗ có nhận ra và biết giữ gìn sự bình an trong sáng cho mình hay không.
Trưởng lão Giác Đăng cũng thường dạy như vậy. Thường khi ngồi với thầy nhìn hàng dừa phía trước chính điện tịnh xá, Thầy hay nói triết lý nôm na thế này. “Trò thấy bình an ai cũng có, nhưng người biết nhận ra sự bình an đã có của mình thì ít. Phần đa, giống như người có trái dừa trong tay, mà chẳng biết làm sao lột vỏ, chẻ gáo để có nước dừa ngọt mà uống, có cơm dừa ngon mà ăn.”
Bình an mình có mà mình không nhận ra thì làm sao sống bình an được. Bình an không phải tìm đâu xa. Bình an ở nơi miền tĩnh lặng.

26.1.14

Thương và tin mình hơn

Đây là bài viết ngắn về thương và tin nhân đọc 2 bài viết trên trang Thiền Quang (do tôi lập ra và giao cho anh Duy Thịnh làm sau đó). Sau khi viết mấy dòng này, tôi thấy cần lưu và chia sẻ những gì mình viết trên trang blog của mình. Trang này tôi lập ra sau lần gặp Đức Dalai Lama tại Pune trong một dịp đặc biệt, và tôi thấy cần chia sẻ những điều hay và đáng ghi nhớ trong những dịp như thế với người thân của mình. Tuy nhiên, sau đó, tôi phải tập trung cho chương trình học của mình, không viết và chia sẻ gì trên blog được. Tiếp sau đó nữa là bao việc kéo theo tiêu tốn hết quỹ thời gian của mình. Mãi cho đến hôm nay, tạm yên nghỉ nơi góc núi này, tôi mới có thể trở lại với blog này đây. Hy vọng sự bình yên nơi đây sẽ cho phép tôi ngồi gõ lại những dòng tạp ghi nhưng với nhiều điều hay với người thân của mình.


Sau khi đăng 64 mục bài đầu tiên trên trang Thiền Quang, tôi tạm ngưng để kiểm tra và khắc phục các lỗi cần sửa và bổ sung những thông tin cần thiết trước khi giao cho người khác phụ trách.
Sau 30 ngày giới thiệu trang thông tin này cho một số bạn để chia sẻ và mong các bạn đóng góp ý tưởng và bài viết để cùng chung xây dựng trang Thiền Quang như một ngôi nhà chung, số lượt đọc bài là 2464 và số follower là 2. Con số này quá khiêm tốn, nhưng số lượt đọc đó đã thể hiện sự ủng hộ đáng trân trọng của các bạn.
Có một điều khá thú vị là, trong số 2464 lượt đọc đó, có 2 bài số lượt đọc là 0. Đó là bài Tình thương: Bài tập thiết yếu của Nữ Thiền Sư Pema Chodron và bài Câu chuyện của niềm tin của Ts. Giáp văn Dương (Nguồn: Tia sáng, TQ đăng lại). Chợt một câu hỏi nhỏ thoáng qua “tại sao 2 tiêu đề này không được đoái hoài tới?”
Tôi không dám nghĩ đến tình trạng Tình thương và Niềm tin mất chỗ đứng trong lòng người hiện nay. Tôi nghĩ có thể Tình thương và Niềm tin là 2 yếu tố không thể thiếu trong một người nếu người đó cần tồn tại và phát triển. Sự có mặt của Tình thương và Niềm tin trong lòng người là điều tất yếu, nên việc bàn về hai phẩm chất này là không cần thiết nữa chăng?
Thế là đọc lại những điều Nữ Thiền Sư Pema Chodron và Ts. Giáp văn Dương đã trở thành cái duyên để tôi biết thương và tin mình hơn.
Pema Chodron thì nhấn mạnh rằng yêu thương chính mình và đối cư xử chân thành với chính mình là điều mà chúng ta ai cũng cần. Điều này được minh hoạ bằng một hình ảnh rất dễ thương: chim mẹ luôn chở che và chăm sóc cho những chú chim non của mình cho đến khi chúng đủ mạnh để có thể bay xa. “Chúng ta là ai trong hình ảnh này, thưa các bạn – chim mẹ hay chú chim non?”
Giáp văn Dương thì chia sẻ niềm tin mà anh có được và đặt vào các cá nhân và xã hội có hệ thống chăm sóc những cá nhân đó. Anh vui khi ngộ ra rằng người ta “giàu mạnh vì họ tin ở con người.” Nhìn người rồi ngẫm lại ta. Anh tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin” ở đây? Và anh thắc mắc khi nào thì người ta không tin nhau? Anh lo lắng “khi niềm tin giữa người với người đã trở nên cạn kiệt.”
Cuối cùng, anh dẫn ý của nhiều người và khẳng định rằng, cá nhân và xã hội, muốn phát triển nhất thiết phải cần có niềm tin.
Đến đây, tôi cảm thấy tri ơn Pema Chodron và Giáp văn Dương đã chia sẻ và các bạn đã cho tôi cái duyên để nhìn lại, để thương và tin mình hơn. Và khi chúng ta biết thương và tin mình hơn, như Pema Chodron nói, chúng ta đã mở được chìa khoá để thương và tin mọi người hơn.

Giác Kiến