tạp ghi của Giác Kiến







Pages

22.8.14

Cái giận

Đây là những dòng chữ tùy duyên gõ lại từ năm 2012, gọi là tùy bút về giận. Hồi đó tôi có chia sẻ trên Văn hóa Phật giáo online. Năm nay, nhân Vô Ưu đăng bài tùy bút này trên báo giấy số 54, mùa Vu Lan, với tựa đề Chuyện về cái giận, nên tôi xin chia sẻ lại ở đây để mọi người cùng đọc. Với các bạn thân quen trong lớp học thiền, thì dòng chữ này quen và nhàm lắm rồi. Nhưng đối với những bạn đọc mới, bàn về cái giận cũng có cái hay, nên chia sẻ lại cho vui vậy. Nói đến giận, Đức Phật đã dạy chúng ta rồi:
Nó mắng tôi, đánh tôi  
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
Nó thắng tôi, đánh tôi
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận thù diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu. (Kinh Pháp cú số 3, 4, 5)
Và Đức Phật dạy thêm:
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy. (Kinh Pháp cú số 223)
Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái! (Kinh Pháp cú số 251)
Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù buộc ràng,
Không sao thoát hận thù. (Kinh Pháp cú số 291)
Biết rằng thực hành được như lời đức Phật dạy là khó lắm. Mà học lời Phật dạy về sân giận để có thể nhìn lại một chút như thế này, như một bạn trẻ chia sẻ, là quý lắm rồi:
Đấy! Sân giận đấy! Từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc có giây phút nào thỏa mãn, hạnh phúc, đẹp lòng mọi người không? Hay là ấm ức, bêu rếu, lườm nguýt, mỉa mai nhau... Giận nhau làm gì cho mệt mà xấu gái đi, chả ai thèm yêu. 
Vâng, thay đổi tập tính từ tốt đến xấu thì dễ, còn từ xấu thành tốt thì khó mà cũng ít người chịu nhìn thẳng vào cái Xấu của mình. Thế nhưng đời sống an lạc hay không thì phụ thuộc vào khả năng biến đổi của bản thân, không ai chuyển hộ được. Đối với những người hay nóng tính như mình đây thì tập từng chút một, tập dần dần, đừng có “chưa đi đã chạy”, mà cũng đừng có nói suông. (Hanh Nguyen, HS 12)

Chia sẻ lại ở đây, có 2 chỗ lỗi cần chỉnh lại chút xíu. Một là có vài cụm, câu đã ghi trong bài Chuyện về cái giận chưa rõ, nay chia sẻ trên báo giấy mới đọc kỹ lại và phát hiện ra, chỉnh lại. Bản này là bản đã chỉnh. Hai là, trên Vô Ưu, BBS thích để bài này dưới mục gọi là Hồi ký, có vẻ không ổn lắm. Mục này gọi là Tùy bút thì phù hợp hơn. Không biết tâm lý người đọc hiện nay thích đọc Hồi ký hơn là Tùy bút, Tản văn không? Hồi ký nghe có vẻ thật và gợi tò mò? Tùy bút, Tản văn có vẻ hư cấu và tự chia sẻ tâm tình? Thực ra, cả hai đều là cách người viết mượn để chia sẻ những điều mình muốn nói qua kinh nghiệm sống thực của người viết mà thôi.

 

 

Cái giận

Thời còn học phổ thông, tôi được đưa về ở với ngoại một năm. Sau này mỗi lần tôi gặp lại các dì và cậu, điều mà các dì và cậu tôi hay nhắc về tôi nhất chính là cái… tính nóng. Qua lời kể của dì, tính nóng của tôi thể hiện thường xuyên, nhất là những lúc chơi giỡn với bọn trẻ hoặc khi bị ông bà ngoại bảo làm một điều gì đó mà tôi không thích. Vì thế mà chuyện gây gổ và choảng nhau với bọn trẻ trong xóm là chuyện thường như cơm bữa. Còn cái tật làm ẩu cho ‘biết mặt’ của tôi mỗi khi bị ép buộc phải làm một điều gì bất đắc dĩ, thì các dì và cậu của tôi đều ngán.

Sau này, tôi chuyển về ở với nội để gần trường cho tiện bề đi học. Thời gian sống với nội, tôi cũng chỉ để lại những ‘thành tích’ tương tự. Ngay cả khi kể chuyện ‘biểu vo gạo nấu cơm’ hay ‘bắt đi học’, chú tôi cũng nhắc lại nhiều chuyện sinh động làm dẫn chứng để chứng minh cho cái thói ngang bướng đáng ghét của tôi. Nhưng may cho tôi, thay vì bị ghét bỏ thì cả bên nội và bên ngoại ai cũng trải lòng yêu thương, bảo bọc và nuôi nấng tôi tử tế.
*
    *         *
Cha tôi thì thẳng tính và cương trực. Đi đôi với phẩm chất đáng quý ấy là… tính nóng. Sau những lần cha tôi giận và đổ xong cơn thịnh nộ lên mẹ tôi, lên chị tôi, lên anh tôi, hay lên ai đó, những câu nói như “Chuyện đáng giận chớ phải!”, “Thử có đáng giận không chớ?” hay “Chuyện vậy mà không giận sao được!”… là những câu nói mà tôi phải nghe đi nghe lại nhiều lần.
Tôi luôn kính quý và học theo tính cương trực của cha, có lẽ đó cũng là do gien di truyền! Và điều này đã khiến tôi ‘học’ luôn tính nóng. Dường như lúc nào tôi cũng ủng hộ cha tôi trong những tình huống xung đột gia đình. Bằng cách nào đó, tôi luôn nghĩ rằng cha tôi chỉ giận và la rầy mẹ tôi, chị tôi và anh tôi về những chuyện ‘đáng’ giận và ‘đáng’ la rầy mà thôi.
*
    *          *
Tôi đã nhiễm nặng tính nóng đó lúc nào chẳng biết. Có lần, có một người bạn ở cùng ký túc xá, mượn của tôi một cuốn sách mà tôi yêu thích. Khi trả lại, tôi thấy ngay nếp gấp cuộn lại ở mấy trang sau cùng. Tôi nhìn anh ta một cách khó chịu. Đưa mắt qua góc cuốn sách đang cầm trong tay, tôi phản ứng một cách gắt gỏng vụng về: “Bữa sau đừng mượn nữa nghe!”
Nhưng rồi thỉnh thoảng anh ta cũng mượn, và tôi cũng phải đưa. Một hôm, khi chúng tôi không còn ở chung ký túc xá nữa, tôi ngồi lật quyển sách thì chợt nhận ra nét chữ của anh ấy với mấy dòng trên một mặt của trang cuối bìa: “Ai cũng có thể sân giận, chuyện đó dễ ợt. Nhưng giận đúng người, giận đúng mức, giận đúng lúc, giận đúng mục đích và giận đúng cách thì không dễ chút nào”. Giờ có thời gian hồi tưởng lại chuyện này, tôi mới biết đó là lời của triết gia Aristotle, mà anh bạn tôi mượn để chân thành nhắn gởi đến tôi.
*
    *          *
Trong cuộc sống dường như chúng ta luôn có xu hướng đòi cho mình quyền được giãi bày sự bực dọc khi chúng ta cho rằng sự bực dọc của mình là có lý. Chúng ta xem đó như là một thái độ cần có trong tình huống chẳng đặng đừng và tự biện bạch rằng đó là cách hành xử có tính đạo đức. Trong trường hợp đáng giận, theo triết gia Aristotle, ta cứ giận, vì giận là điều tốt. Vĩ đại như triết gia Aristotle cũng tán thành vậy mà! Aristotle cho rằng người biết biểu hiện sự sân giận đúng mức là người có tính khí tốt. Aristotle thừa nhận giận là một thuộc tính vốn có trong bản chất con người. Giận vừa phải được xem như là một điều kiện để được “hạnh phúc”. Trạng thái “hạnh phúc” đó, ông bà ta gọi là hả dạ chăng? Người không biết giận những chuyện đáng giận thì bị cho là khờ khạo. Khi cha tôi giận, cha đổ được cơn giận và hả dạ nói rằng “Thử có đáng giận không chớ?”, chắc hẳn cha tôi cũng có lập trường tương tự như triết gia Aristotle! Đó là cách nhìn nhận về tính sân giận và sự biểu hiện sân giận trong triết học đạo đức phương Tây, và cũng là tâm lý và nhận thức phổ biến của con người.
Trong truyền thống đạo đức Phật giáo thì cái nhìn về giận có sự khác biệt. Miễn thanh minh, giận là điều xấu, chắc chắn đó là cái tật xấu. Giận là điều nên tránh trong bất cứ tình huống nào. Nói năng và hành động trong giận dữ đều đáng bị khiển trách. Không một lời kinh nào ghi rằng Đức Phật cho phép hay khuyến khích người học Phật sân giận. Trong những tình huống nên giận, Đức Phật dạy chúng ta nên tập dùng lòng thương mà xử sự. Đức Phật xem giận là một cấu uế và cần phải được chuyển hóa tận gốc rễ. Tất nhiên, việc chuyển hóa tận gốc rễ này hẳn không dễ chút nào. Giận đúng cách, theo Aristotle, đã khó; chuyển hóa sân giận tận gốc rễ, theo Đức Phật, lại càng khó hơn.
Trong buổi nói chuyện về các món ăn tinh thần với các học trò của mình, Đức Phật dạy rằng có những ‘món ăn’ có thể làm cho tâm sân giận nổi lên và phát tán. Nếu chúng ta không khéo nhìn nhận và ý thức về điều đó, thì tâm sân giận sẽ phát tán mạnh hơn. Với lại trước những ‘món ăn’ có thể làm cho tâm sân giận nổi lên và phát tán, nếu đem tâm thương yêu buông xả mà đáp lại và liên tục gìn giữ tâm thương yêu buông xả này, thì tâm sân giận đã nổi lên sẽ dần dần tan biến. Như vậy, theo truyền thống Phật giáo, rõ ràng là không có chuyện “giận đúng người, giận đúng mức, giận đúng lúc, giận đúng mục đích và giận đúng cách”. 
*
    *         *
Mỗi lần nhớ đến Thầy, cha tôi đều nhắc lời thầy dặn. Nếu không kịp thời nhìn nhận và ý thức về cơn giận của mình và thực hành chuyển hóa đúng cách, thì làm sao người ta có thể “giận việc đáng giận” đúng cách cho được; Học đạo rồi, chúng ta không những không giận việc không đáng giận, mà với những chuyện đáng giận, mình cũng dần dần thực tập và chuyển hoá để không còn giận nữa. Học đạo thì nên thực tập cách tự làm chủ tâm mình, nhìn cho rõ, hiểu cho sâu, để mở lòng thương yêu thay vì giận. Nhờ lời dạy này, mà cha tôi bỏ câu cằn nhằn “chuyện vậy mà không giận sao được!” lúc nào chẳng biết.
Thì ra, cha tôi cũng đã giảm một cách đáng kể cái tính ‘giận việc đáng giận’ nhờ mấy lời dạy đạo giản dị đó của Thầy tôi một cách không ngờ. Thì ra, lòng thương mà nội ngoại tôi dành cho tôi rất giống với tình thương Đức Phật và Thầy tôi dạy. Với những việc trước kia tôi bồng bột gây nên sân giận, nhưng hay thay, nội ngoại tôi lúc ấy chỉ thương mà không hề giận. Có lẽ, nhờ tiếp cận nền văn hoá mang đậm truyền thống Phật giáo dân gian một cách tự nhiên, và qua sinh hoạt đình chùa trong làng, mà nội ngoại tôi thấm lời Phật dạy lúc nào chẳng biết.
Nhớ ngày tưởng niệm Thầy, Nội và Ngoại
Mùa Vu Lan năm Giáp Ngọ, 2014

Giác Kiến

No comments: