tạp ghi của Giác Kiến







Pages

31.7.14

Thật cả trong mơ

Đây là những dòng chữ tùy duyên gõ lại từ năm 2010. Cứ đến ngày kỷ niệm Hòa Thượng Minh Châu thì tôi nhớ và đem ra đọc lại. 
Năm nay, sắp đến ngày kỷ niệm 2 năm Hòa Thượng viên tịch, tôi lại gặp nhiều duyên làm tôi nhớ đến Ngài. Nhớ đến Ngài là tôi nhớ đến một số việc cần làm mà tôi đã tự đặt ra cho mình ngay sau đêm tôi mơ thấy Ngài, 14 tháng Giêng năm Canh Dần.
Chia sẻ mấy dòng chữ này ở đây, tôi mong cầu được Ngài gia hộ để tôi đủ duyên làm được những điều mà tôi đã tự dặn mình về một bậc thầy khả kính.
  *
*  *

Vừa tỉnh giấc dậy, hình ảnh của Hòa thường vẫn còn hiện rõ trong trí nhớ tôi. Hiền từ trên gương mặt nhưng vóc dáng có vẻ quắc thước. Phải chi tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ ngay chân dung Hòa thường như tôi vừa gặp. Nhưng vì tôi không phải là họa sĩ, nên hình ảnh của Hòa thượng lại cứ hiện lên hiện lên như thể nhắc tôi phải vẽ.

Chiêm bao thì đêm nào chẳng thấy. Tôi chưa bao giờ ngủ mà không mơ. Ngày còn mơ huống chi là ngủ. Những giấc chiêm bao thường gặp là những cuộc vui chơi cùng bạn bè, hoặc có khi đi đến những nơi chưa hề thấy trên bản đồ thế giới. Thỉnh thoảng cũng có những giấc chiêm bao có nội dung khó nhớ, chỉ nhớ mình vừa chạy hớt hãi, như thiệt, để lại cảm giác lo sợ mệt lã khi tỉnh giấc. Chưa bao giờ chiêm bao thấy rõ Phật Trời, dù có ước. Hôm nay chiêm bao gặp Hòa thượng cũng là lần đầu tiên. Tôi có học Pháp Phật, ăn chay, đọc kinh, và thực tập thiền. Nhưng tôi ít khi đi chùa, hiếm khi tụng kinh cầu nguyện. Tôi cũng ít tham gia cúng kiến lễ lội. Hơn 3 năm qua không gặp một vị Hòa thượng nào. Tôi chỉ thường gặp các vị sư trẻ để hỏi đạo học pháp cho vui mà thôi.
Ngày ấy, sự ẩn hiện hiện ẩn của một vị Hòa thượng tôi chưa một lần diện kiến trong tâm tưởng buộc tôi phải viết, dù tôi biết mình viết cũng chẳng hơn gì vẽ.
Tôi bắt đầu từ đầu.
Tôi chưa từng gặp Hòa thượng. Tôi cũng chưa được ai đã từng gần gũi với Hòa thượng kể cho tôi nghe về ngài. Chỗ này, tôi thấy mình thiếu phước duyên. Nhưng lạ thiệt, duyên gì đã đưa tôi gặp Ngài tối hôm qua. Nhưng cuộc gặp diễn ra trong mơ. Mơ thôi. 
Tôi thấy tôi đang đi trong sân một học xá. Nhìn lên lan can góc phải phía trước, tôi thấy Hòa thượng và Hòa thượng đưa mắt về phía tôi. Mừng quá. Tôi chạy lại gần, ngước cổ lên, nói nói gì đó với Hòa thường. Giờ không còn nhớ rõ để ghi lại được.
Có lẽ những gì diễn ra trong mơ thường nhạt mờ và thiếu logic hơn những gì diễn ra trong hiện thực. Tôi nói ‘thường’ vì cũng có lúc, mơ mà rất thực, rất ấn tượng và logic đến khó quên. Có lúc ngược lại. Là học sinh, có lúc tôi mơ thấy mình đang đứng trả bài trước bục giảng bên bàn cô giáo mà xe tăng chạy ầm ầm bên ngoài cửa sổ. Trả bài xong, tôi đi ra cửa chính của lớp học, gặp chiếc máy cày đi ngang qua, tôi bu lên rờ-mooc để theo về nhà. Đúng là mơ và chẳng logic chút nào. Nhưng có cái thật đó. Tôi là học sinh, lên bảng trả bài cũ là chuyện thường. Tôi cũng biết xe tăng, chiến tranh qua các bài học lịch sử. Tôi đã từng “quá giang” xe máy cày trên đường đi học về. Có lần tôi suýt chết vì cái thú “quá giang” này của bọn học sinh chúng tôi. Các mảnh vụn của sự thật kết lại trong mơ vậy đó.
Trở lại cuộc gặp tối qua với Hòa thượng, tôi nhận ra có một cái cầu thang đi lên lan can tầng một, nơi Hòa thượng đang đứng. Chạy lên, tôi cúi đầu khập mình xá Hòa thượng ba xá. Nói cho tôi lời gì đó (không nhớ), Hòa thượng đưa tôi vào phòng. Thì ra, Hòa thượng đang nằm điều dưỡng trong một bệnh viện. Hai giường hai bên cũng có nhà sư đang nằm trị bịnh. Hòa thượng giới thiệu tôi với hai nhà sư rằng tôi là học trò đến thăm Hòa thượng. Cuộc trò chuyện ở phòng điều dưỡng này diễn ra khá lâu, nhưng tôi chỉ nhớ được có một điều. Đó là, tôi xin phép Hòa thường cho tôi dịch một trong hai bài viết Hòa thượng đã viết cho một tạp chí tiếng Anh mà tôi vô tình gặp được tại một thư viện ở Nhật Bản trong chuyến thăm Nhật Bản (Nhật Bản là trong mơ, trong thực tế là Tích Lan) năm ngoái. Hòa thượng không những hoan hỉ mà còn khuyến khích tôi hãy cố gắng tìm hiểu và triển khai thêm những ý căn bản mà Hòa thượng đã nêu ra trong bài báo đó.
Tôi kính xá Hòa thượng ba xá rồi ra về với niềm vui được gặp một bậc Thầy khả kính. Tôi tỉnh giấc với niềm vui đó và hình ảnh một vị Hòa thượng đầy nét nhân hậu.
Cả một ngày nay, hình ảnh nhân hậu ấy cứ hiện về làm tôi vừa thắc mắc đủ điều vừa suy nghĩ mông lung. Mông lung vì do mơ trộn với thật. Mông lung làm cho thắc mắc chẳng ra thắc mắc mà dẫn đến liên tưởng đủ điều. Mơ vẫn là mơ, nhưng những điều liên tưởng đều là thật.
Hòa Thượng Thiện Siêu tiếp nhận bộ Đại tạng kinh do Hòa Thượng Minh Châu trao tặng tại buổi lễ ra mắt Đại Tạng Kinh. Nguồn: Giác Ngộ số 18, 15/9/1991, PL. 2535. 
Tôi xin kể một vài điều thật liên quan. Như tôi đã nói, tôi chưa từng gặp Hòa thượng. Cũng chưa có ai gần gũi với Hòa thượng kể cho tôi nghe về ngài. Tôi chỉ biết Hòa thường qua những trang sách của Ngài từ khi tôi bắt đầu tìm học Phật pháp từ cuối thập niên 80. Tôi biết Hòa thượng viết nhiều, và dịch kinh sách nhiều. Nhưng tôi, vì lười, chỉ đọc rất ít trong số nhiều đó thôi. Về hình ảnh của Hòa thường, tôi đã thấy nhiều trên các tờ báo. Phổ biến nhất là một tấm hình chụp khi ngài còn trẻ, học tại Đại Học New Nalanda, và một tấm hình khi Ngài đã già với đôi hàng chân mày trắng bạc phơ. Hình ảnh Hòa thượng tôi gặp trong mơ có nét nhân hậu như tấm hình này nhưng lại có vẻ quắc thước hơn.
Tôi có gặp 2 bài báo Hòa thượng viết bằng tiếng Anh đăng trên một Tạp chí Phật giáo lưu trữ tại một thư viện ở Tích Lan khi tôi viếng thăm Tích Lan năm 2008. Tôi có chụp hình 2 bài báo này. Nhưng do bản tôi gặp và chụp là bản đã đóng lại thành tập nên khi chụp, nhiều từ bên lề gáy bị mất.
Có một điều thật về Hòa thượng nữa là, trong tháng vừa rồi, tôi có đọc tin đâu đó trên mạng, thấy có thông báo về việc sưu tập toàn bộ tài liệu của và về Hòa thượng để biên tập lại thành bộ và làm phim tài liệu. Khi đọc thông báo này, tôi có nghĩ đến việc dịch 2 bài báo mà tôi sưu tập được. Nhưng ý tưởng xin phép Hòa thượng thì không, vì tôi nghĩ điều đó không cần thiết. Dịch được thì ngài hoan hỉ cho phép và ủng hộ thôi.
Và đây là một số sự thật khác, không liên quan đến Hòa thượng, xuất hiện chắp vá trong giấc mơ.
Trong chuyến viếng thăm Tích Lan năm 2008, tôi gặp một học giả Phật học lão thành, giáo sư D. J. K., giáo sư emeritus, Đại Học Harvard. Ông ký tặng tôi một quyển sách của ông. Tôi xin ông cho phép tôi được dịch sách của ông khi tôi đọc và gặp những chỗ tâm đắc. Ông nói, khi nào gặp chỗ nào muốn dịch thì viết thư cho ông, ông sẽ cho phép.
Trong chuyến đi Tích Lan, tôi có thăm một người bạn của bạn tôi đang điều trị tại một bệnh viện vì bị sốt. Cảnh tôi gặp Hòa thượng trong mơ là cảnh của bệnh viện này. Nhưng cái cầu thang đi lên phòng lại khác. Đó là một cái cầu thang xoắn rất đẹp tại một thư viện (ở Ấn Độ) mà tôi đã đến để tìm tài liệu liên quan đến Việt Nam.
Tôi dùng máy vi tính mấy năm nay. Lâu lâu, tôi cho mấy xếp lại những dữ liệu trong ổ cứng bằng chức năng defragement của máy. Tôi hình dung hoạt động của bộ nhớ con người trong mơ cũng giống như hoạt động của bộ nhớ máy vi tính vậy thôi.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bí ẩn nào đó trong các giấc mơ mà tôi chưa lý giải được. Nhất là tôi thấy, giấc mơ có một phần nguồn gốc từ cuộc sống thật và có ảnh hưởng đến thực tế cuộc sống rất nhiều. Những điều chưa thấy trong cuộc sống thật, tôi không biết chúng từ đâu ra.
Nhân đây, tôi xin kể thêm một chuyện nữa. Không có gì thú vị, nhưng nó thật. Nhà tôi không phải là gia đình có truyền thống Phật giáo. Ông cố và ông nội tôi không biết đạo Phật. Đến đời cha tôi thì hạt giống Phật mới mọc lên trong gia đình tôi. Cha tôi kể rằng, có một hôm, cha tôi nằm mơ, thấy ghé thăm chùa Non Nước (có lẽ là chùa Linh Ứng hiện nay? – Nghe nói, chính quyền ông Diệm có lần định san bằng vùng núi non nước với các ngôi chùa này, nhưng Tướng Nguyễn Chánh Thi, người theo đạo Phật, đã bảo vệ được vùng đất linh này như ngày hôm nay). Nhà sư cho cha tôi một cái bánh bao. Cha tôi ăn xong và nhớ hoài vị ngon của chiếc bánh bao đó. Từ đó cha tôi bắt đầu nhớ tưởng Phật trong lòng và nghĩ đến một ngày nào đó đủ duyên sẽ xuất gia tu Phật. Lớn lên cha tôi bị gọi nhập ngũ. Rồi vâng lời ông tôi, cha tôi lập gia đình. Trong chiến tranh, tuy phải làm nhiệm vụ của một người lính, cha tôi hầu như đã được hầu hết các cảnh trực tiếp làm máu đổ lệ rơi cho người. Gián tiếp thì tôi không biết. Cha tôi thường nghĩ đến Phật và đã qua được những tai nạn chiến tranh một cách màu nhiệm. Cha tôi kể cho tôi nghe rất nhiều về những lần tưởng như mất mạng. Nhưng rồi, điều đó đã không xảy ra ngoài sức tưởng tượng của cha tôi. Vì thế, cha tôi rất tin vào sự che chở của chư Phật. Cha vẫn ước nguyện sau khi chiến tranh kết thúc, hoàn bình lập lại, cha sẽ xuất gia tu Phật. Thế nhưng, sau khi đất nước hòa bình, kinh tế lại khó khăn. Với gánh nặng gia đình, cha tôi không thể thực hiện được ước nguyện đó. Tùy duyên, cha phải sống đạo ở đời. Nhờ vậy mà anh em chúng tôi mới có cơ hội sống theo.
Không học đạo trước và sống theo đạo sau, chúng tôi sống theo đạo của cha tôi trước, rồi mới học đạo Phật sau. Đạo cha tôi sống là ăn chay, nhớ Phật trong lòng, tránh sát sanh trộm cắp, tránh gian dối say sưa. Chúng tôi nhờ tập theo vậy mà đến cuối thập kỷ 80, anh em chúng tôi đã có duyên biết đến Phật pháp và học được Phật pháp. Tôi biết đến vị Hòa thường mà tôi gặp trong mơ tối qua từ dạo đó. Từ một cái bánh bao trong mơ mà bao nhiêu sự thật lại đến. Từ bao sự thật đó, một giấc mơ lại về. Từ mơ tới thật, từ thật tới mơ, đâu là phân ranh. Thảo nào, nhà Phật nói sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị. Có người hiểu thuyết này khác đi, cho cuộc đời toàn là hư ảo. Còn tôi, cũng hiểu chưa thấu thuyết ấy, thấy giữa hư ảo, chứa đầy sự thật. 
Rằm tháng Giêng, Canh Dần - Rằm tháng Bảy, Giáp Ngọ

No comments: