tạp ghi của Giác Kiến







Pages

27.1.14

Bình yên nơi miền tĩnh lặng

Mỗi dịp xuân về là mỗi dịp nỗi nhớ thầy càng thắm hơn. Hai vị thầy mà tôi nhớ nhất là Trưởng lão Giác Dũng và Trưởng lão Giác Đăng. Điểm chung của hai vị là hiện thân của sự bình yên, một nguồn bình yên miên viễn. Xuân này, hai vị đã đi về miền tịch tĩnh lặng yên, nỗi nhớ đã thắm giờ thêm thấm. Thắm và thấm hơn khi nguồn bình an trong tâm thức của thầy không còn giới hạn trong sắc thân của thầy, khi bình an đã trở thành một nguồn năng lượng lan toả và thấm nhuần khắp những nơi thầy đã ở đã đến.
Tôi liên tưởng đến một ý pháp trong triết lý Phật giáo rằng, nếu thấy và nghe sự tồn tại của một nhân cách đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát qua hình sắc và âm thanh thì cái thấy nghe đó chưa chuẩn. Người thấy nghe như thế không thể tiếp cận được với nhân cách đã giác ngộ giải thoát được.
Ý pháp ấy như một lời nhắc giúp tôi cất đi những ký ức về hình tướng của thầy để dễ dàng cảm nhận nguồn năng lượng toả ra từ thầy đang tĩnh ngự nơi đây.
Nhớ lời Trưởng lão Giác Dũng dạy, “tự nhiên tâm mình vốn là tịnh, tức là tâm mình vốn tịnh. Nhưng bên ngoài làm mình động, không an.” Thanh tịnh, bình an tự nhiên ai cũng có. Người ta khác nhau ở chỗ có nhận ra và biết giữ gìn sự bình an trong sáng cho mình hay không.
Trưởng lão Giác Đăng cũng thường dạy như vậy. Thường khi ngồi với thầy nhìn hàng dừa phía trước chính điện tịnh xá, Thầy hay nói triết lý nôm na thế này. “Trò thấy bình an ai cũng có, nhưng người biết nhận ra sự bình an đã có của mình thì ít. Phần đa, giống như người có trái dừa trong tay, mà chẳng biết làm sao lột vỏ, chẻ gáo để có nước dừa ngọt mà uống, có cơm dừa ngon mà ăn.”
Bình an mình có mà mình không nhận ra thì làm sao sống bình an được. Bình an không phải tìm đâu xa. Bình an ở nơi miền tĩnh lặng.

No comments: