tạp ghi của Giác Kiến







Pages

18.3.20

Nghỉ ngơi


Trong những quyết định mà con thỉnh ý thầy, trình lên thầy, hay bàn xét với thầy, quyết định về sống trên mảnh đất quê hương này là một trong các quyết định có mức đồng cảm cao nhất. Đồng cảm, đồng kiến về nhiều phương diện. Trong đó, điều đầu tiên và chính yếu nhất đơn giản là về để sống được một cuộc sống bình thường giản dị, như thầy đã sống.
Hôm nay, trong lúc nghỉ ngơi, con chợt nhớ ra nhiều điều, tương ứng với sự nghỉ ngơi, với trạng thái nghỉ ngơi, với nếp sống của thầy, với bao điều bình dị của cuộc sống.

Về quê, về một nơi yên tĩnh để dưỡng tâm. Tâm an vạn sự an. Tâm lành vạn sự lành.
Ra vườn, trồng một bãi cỏ xanh. Màu xanh giữ cho khu vườn luôn tươi mới. Mỗi sáng ra vườn nhìn những ngọn cỏ xanh, lòng người sẽ thấy bình yên hơn, yêu quý cuộc sống hơn.

Xin một hòn đá, mang về để trong bãi cỏ xanh ấy. Khi nào cần, thì ra đó ngồi. Nhất là những lúc có thầy, có bạn, có những điều cần chia sẻ.

Làm vài cái am nhỏ, cốc nhỏ, phù hợp cho những người muốn dưỡng tâm trú nghỉ lúc nắng lúc mưa.
Thỉnh, xin, mua một ít sách thánh hiền để khi cần mang ra đọc học.

Trồng một ít cây lấy bóng mát, cây ăn trái, cây rau, cây hoa mình thích.


Con đang viết, và muốn viết vài dòng ngắn thôi, vài dòng ngắn về thầy thôi. Điều con muốn viết nhiều hơn là về những điều thầy dạy mà rất nhiều người đã gần gũi với thầy, ngưỡng mộ thầy chưa biết. Con nghĩ đơn giản đó là những điều mà người kính mến thầy xứng đáng được biết được hiểu để sống an vui hạnh phúc.
Thầy ơi, nói cho cùng, những người đến với thầy là mong được nương tựa, được học tập để sống an vui hạnh phúc. Đáp lại, thầy thương tưởng đến những người này cũng chỉ mong cho họ bớt khổ đau, bước ra khỏi khổ đau để sống an vui hạnh phúc thôi.

Nói đến đây, con chợt nhớ lại câu chuyện "sống an vui" trong những ngày đầu tìm đến thầy. Câu chuyện này chia sẻ với những người hữu duyên với thầy, trực tiếp hoặc gián tiếp, trong ngày hôm nay, 25/2 Canh Tý, có lẽ phù hợp.
Hồi đó, cuối năm 1996, đứng bên thầy mà tự nhiên con thấy không vui. Thầy đang đứng tỉa mấy cành khô bên thềm chánh điện tịnh xá. Con nhặt những thanh sắt vụn còn lại sau khi mấy chú thợ hàn xong việc. Thân làm việc này, mà tâm nghĩ chuyện khác. Do nghĩ tưởng mà không vui. Con nghĩ đến mấy lời thơ:
... ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
...
Tưởng vậy mà không vui. Đúng hơn là buồn. 
Buồn vì ai đó mất mẹ. 
Rồi sẽ buồn khi mẹ của mình cũng như mẹ ai đó.
Rồi sẽ buồn khi ai đó khóc cho cái xe của mình.

Giờ kể lại, nói đúng hơn, là nghĩ đến cái chết mà buồn, mà hoảng sợ.
Thầy tỉnh bơ và cười: Nên biết sợ buồn sợ vui chớ không nên sợ chết
Tại vì...Tại vì... Tại vì...
Con đưa ra bao nhiêu lý do cho cái vui, cái buồn, cái chết, thầy cũng chỉ cười thôi. 

May một điều, ai càng sống thì càng hiểu cái chết hơn. Cũng như, ai càng vui thì càng hiểu cái buồn hơn, và càng buồn càng hiểu cái vui hơn.

Nhớ ra rồi. Đó là bài thơ của Đỗ Trung Quân. (*)

Mấy dòng thơ với hai chữ "của mình" được viết xuống dòng thế này chắc đã làm không ít người giật mình bừng tỉnh!

Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
...
Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?

Con muốn dừng lại ở đây
với mấy câu
bãi cỏ của mình
hòn đá của mình
thầy của mình
cái chết của mình
bây giờ còn đâu, với cái tựa thật kêu, của mình còn đâu!

Nhưng thôi, nhờ được nghỉ ngơi, mới có được chút đồng cảm, đồng kiến với thầy, với thơ, với những người hữu duyên. 
Mong ai cũng có được một ngày nghỉ ngơi vui vẻ vậy.
Giác Kiến
Phương Thảo Am, ngày 25 tháng 2 năm Canh Tý

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

(*)  Mẹ

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới!

1986
Đỗ Trung Quân


No comments: