tạp ghi của Giác Kiến







Pages

21.10.16

SGK và sgk

Mấy bạn thân thân đôi lần tỏ vẻ ngợ ngợ khi gặp chữ tắt SGK và sgk, dù biết đơn giản SGK hay sgk chỉ là tình cờ ngẫu nhiên thôi. SGK hay sgk cũng là Sư Giác Kiến, cũng là sách giáo khoa tất. Tôi cũng đùa rằng SGK và sgk đâu có khác. Khi chia sẻ và hướng dẫn cho các bạn trẻ học và thực hành thiền, có lần, tôi thấy sgk không hơn SGK là mấy. Tiếp ý của các bậc thầy đi trước, tôi cũng đã tự nhủ, trí óc tôi chứa đầy tri thức vụn, chỉ để sẻ chia như kiến thức ban đầu. Còn tinh hoa lời Thế Tôn chỉ dạy, vẫn đợi chờ khai, mở, sống em ơi!

~~~~~~~~~
Tôi không có ý nói chuyện viết tắt hay bàn về giáo Pháp của Đức Phật ở đây. Tôi chỉ nhớ và mượn chuyện vui vui đó để bắt chuyện và lưu lại đây mấy ý kiến nảy sinh khi đọc được mấy bài thảo luận về SGK đang được nhiều người quan tâm trên báo Giáo dục Việt Nam. 

Ở 3 bài thảo luận này, một mặt có sự phản biện thẳng thắn về cái gọi là công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại và mặt khác là sự quan tâm sâu sắc rất đáng trân trọng và học tập của những người tham gia thảo luận. Sau khi chỉ ra những lỗi nghiêm trọng trong công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, tác giả Trần Hương Giang bày tỏ với tất cả tấm lòng.
"Vì tương lai của chính chúng ta, người lớn chúng ta hãy nghiêm túc nhìn lại mình và tự cải cách mình ngay lúc này. Hãy làm gương để chính con em mình noi theo. Hãy tôn trọng và lắng nghe những nguyện vọng của lớp trẻ.
Những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục hãy xem xét lại nội dung của chương trình Giáo dục công nghệ trước khi áp dụng trên diện rộng như hiện nay.
Đừng biến các cháu thành vật thí nghiệm vô giá...trị nữa mà tội nghiệp các cháu. Xin các vị hãy nghĩ lại đi. Làm ơn hãy vì tương lai con em chúng tôi, dù chỉ một chút thôi."
Tiếp đó, tác giả Hồng Thủy và GS. Nguyễn Tiến Dũng cũng chỉ ra nhiều điều bất cập khác trong quá trình thực nghiệm Công nghệ Giáo dục. 
Ai đọc sách của Gs. Hồ Ngọc Đại và đọc 3 bài thảo luận này đều có thể thấy cái vụng về và thiếu sót trong công nghệ giáo dục và chương trình thực nghiệm của giáo sư. 
Có thể nói rằng thực tế là giáo sư không thể tránh được những tiêu cực khi nỗ lực làm chương trình thực nghiệm. Nếu chỉ chú vào những tiêu cực đó mà phê phán nỗ lực của ông trong giáo dục thì không chính đáng. Đó là nhận xét của tôi ban đầu vậy thôi, có thể chưa đúng. 
Nhưng qua câu chuyện SGK này, tôi có mấy ý. 
Một là sự đa dạng về sách giáo khoa và tính cần thiết của nó. Gs Hồ Ngọc Đại ít gì cũng có đóng góp đáng ghi nhận trong lĩnh vực này.
Hai là sự tinh khiết hóa sách giáo khoa. Điều này không nên có. 
Ba là sự tự do chọn lựa. Tôn trọng sự tự do chọn lựa nên cần sự đa dạng về SGK. 
Có như thế, thì nhiều tác phẩm hay, nhiều kiến thức bổ ích mới có thể được vào SGK để học sinh nhiều thế hệ tiếp cận và học tập được. 
sgk


No comments: