tạp ghi của Giác Kiến







Pages

3.3.21

Vượt qua cái đau khi ngồi thiền

  Trong khi ngồi thiền, đau chân là điều ai cũng gặp phải. Chúng ta không thể loại trừ hay vượt qua các cơn đau một cách dễ dàng, nhưng chúng ta có thể làm cho các cơn đau không nhân rộng hoặc cường độ đau không tăng.

Chúng ta có thể thử thực tập thế này. Khi ngồi thiền, đối diện với cảm giác đau, chúng ta hãy ý thức thở một hơi thật sâu và thư giãn toàn bộ cơ bắp trên thân một cách có ý thức. Khi chúng ta buông thư cơ thể một cách có ý thức, chúng ta sẽ cảm thấy tâm mình trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cũng có thể sử dụng kỹ năng quan sát để phân biệt cái đau của thân vật lý (có thể gọi là đau sinh-vật lý) với cái cảm giác đau tâm lý (có thể gọi là đau sinh-tâm lý) nảy sinh cùng với cái đau của thân vật lý đó. Nếu chúng ta thực hành tốt và tâm trở nên tinh tế, chúng ta có thể sẽ nhận ra mình đang nghĩ rằng, “sao cái đau chỗ này cứ xuất hiện hoài, càng lúc càng thấy đau hơn vậy.” Chính dòng ý tưởng đó làm cho cái đau trở nên khó chịu hơn, đau hơn nhiều. Đôi khi ảo tưởng dạng này còn hướng về tương lai và chúng ta nghĩ rằng chỗ này SẼ đau hoặc CỨ đau hoài và đau HƠN hoài. Cái đau mới chỉ được tiên đoán đó làm cho bạn khó chịu như đau thật, mà trong tực tế cái đau đó có thể không xảy ra.


Thứ hai, khi cơn đau nảy sinh mà chúng ta biết là cơn đau này đã xuất hiện nhiều lần, chúng ta nên khởi tâm sám hối những gì mình đã lỡ tạo trong quá khứ liên quan đến cơn đau này. Nếu tâm thức thông nhạy, chúng ta có thể đoán định được những hành vi quá khứ để lại hậu quả đau ngay hiện tại. Nhưng đoán định được hay không không quan trọng lắm, quan trọng là từ chỗ đau hiện tại, mình khởi tâm sám hối, xin tha thứ và cầu cho đau bịnh mau qua. Đó là một dạng biểu hiện của nghiệp và cách chuyển hóa nghiệp. Truyền thống nhà Phật gọi hiện tượng này là sankhara. Nếu cơn đau có tiền sử đó không quá hệ trọng, chỉ cần gia tâm sám hối và xoa dịu như vậy là đủ. Kiên trì ngồi thiền, sankara sẽ dần dần được hóa giải. Nhưng lưu ý, với một chúng sanh bình thường, sankhara như thế nhiều vô kể, sankhara này được hóa giải, sankara khác lại biểu hiện. Do đó, có thể nói, cùng với định tâm và khai mở trí tuệ, thiền là quá trình hóa giải sankhara cho đến khi nào tâm thức được hoàn toàn trong sạch.
Nếu những cơn đau có tiền sử đau bịnh trở nên hệ trọng, chúng ta có thể nhờ đến kỹ thuật y khoa hiện đại để chẩn bịnh và điều trị thích ứng. Đồng thời nên duy trì và tiếp tục ngồi thiền, không nên bỏ ngồi thiền vì đau. Nghĩa là kết hợp cả y học và tâm linh để điều trị. Bên cạnh những chuyển hóa tích cực mang tính tâm linh, Ngồi thiền đúng cách chỉ có thể có tác động tích cực đến thể trạng, chứ không hề có tác động tiêu cực lên cơ thể.
Ngoài ra, khi ngồi thiền, có những cơn đau xuất hiện mình chỉ có thể cảm nhận là do nghiệp lực mà ra nhưng hoàn toàn không đoán định được gì về cơn đau đó cả. Trường hợp này hiếm hơn, không phải ai cũng gặp. Trường hợp này chỉ nên ghi nhận đơn thuần và dùng tâm chuyển hóa mà thôi. Nếu có thầy hướng dẫn, người thực hành nên trình bày diễn biến của cơn đau rõ ràng với thầy hướng dẫn và xin lời khuyên của thầy.


Nói tóm lại, khi thực hành thiền, nhất là ngồi nhiều, ngồi lâu, đau là điều không thể tránh khỏi. Đau là một trạng thái khó chịu có nảy sinh và có tan biến. Nó đến rồi đi. Do vậy, dù đau vì nguyên nhân gì, dưới dạng nào, cường độ ra sao, chúng ta cũng không nên vì đau mà bỏ ngồi thiền. Gặp và học được thiền Phật giáo là may mắn lớn trong đời, hãy cố gắng thực tập. Đau là một cơ hội cho chúng ta nhìn lại bản chất của các cảm thọ trong cơ thể. Quá trình đến và đi của cơn đau là một bài học để chúng ta nhận ra bản chất thay đổi liên tục của mọi sự vật hiện tượng. Khi vượt qua được các cơn đau khi ngồi thiền, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm để vượt qua những cơn đau mà chúng ta chạm phải trong cuộc sống đời thường. Có kinh nghiệm vượt qua những chạm đau giữa đời thường, chúng ta sẽ có khả năng giữ được sự bình an nội tại trong tâm trong mọi hoàn cảnh.
Giác Kiến

(Bạn có thể đọc bài đầy đủ hơn về tình trạng bị đau khi ngồi thiền ở đây)

No comments: