Giữa tĩnh lặng cao nguyên là tựa đề một bài viết ngắn
của tác giả Huỳnh Ngọc Chiến. Bài viết chia sẻ nhiều thông tin, kiến
thức và cảm nhận của tác giả về miền cao nguyên Buôn Ma Thuột.
Tôi đọc được bài này từ năm 2007, thấy hay, thích, cảm
ơn tác giả và lưu lại trên máy, không biết có còn đâu đó trên Internet
không. Nay xin giới thiệu lại ở đây để mọi người cùng đọc. Mong là
những ai yêu mến Buôn Ma Thuột, thích sự tĩnh lặng của núi rừng tây
nguyên sẽ thích những chia sẻ của tác giả.
- Buôn Ma Thuột có lẽ là một nơi hiếm hoi trên đất nước,
(hay có lẽ trên cả trái đất?) hầu như có đủ hình tượng của cả bốn mùa trong chỉ
một ngày. Buổi sáng nơi đây có cái dịu dàng man mác của mùa xuân, buổi trưa có
cái nắng nóng nhè nhẹ của mùa hè, buổi chiều có cái se lạnh êm ả của mùa thu,
buổi tối lại có cái giá lạnh se sắt của mùa đông. Từng ngày, bốn mùa cứ lặng lẽ
chuyển dịch trên vùng cao tĩnh lặng.
- Trải qua gần hai tuần không có Internet, không có báo chí, không có những buổi
chiều ngồi nơi quán cóc trên vỉa hè Sài Gòn nhâm nhi ly bia tán ngẫu cùng bạn
bè, thiếu những tiếng ồn ào của xe cộ đường phố, tôi có cảm tưởng mình như đã bị
cắt đứt ra khỏi cái thế giới “văn minh” quen thuộc. Thế nhưng sự thay đổi
này, gẫm ra lại hoá hay. Thoạt đầu, ta có cảm giác hụt hẫng, trống vắng, vì tưởng
như bị tước đoạt mất tất cả cái thế giới quen thuộc thường ngày. Nhưng sau đó hồn
ta sẽ tràn ngập một sự xao xuyến dịu dàng, khi chìm vào cõi tĩnh lặng mênh
mông. Cảm giác xao xuyến đó có lẽ giống như cái Anxiety của
Heidegger, làm chúng ta bâng khuâng không sao thốt được nên lời. Anxiety
robs us of speech! Heidegger cho rằng đó là kinh nghiệm để con người cảm
nhận được sự hiện diện của Hư Không (Nothing), khi cảnh vật
quanh ta như tan biến đi, chỉ còn lại cõi Hư Không bàng bạc vây quanh. Ngày
xưa, khi đọc câu đó trong bài “What Is Metaphysics?” (Siêu hình học là gì?) của
Heidegger, tôi chỉ mơ hồ nắm bắt được điều đó trên khái niệm, nên không cảm nhận
được gì nhiều. Nhưng chính lúc này, giữa sự tĩnh lặng êm đềm của cao nguyên, và
trong cơn xao xuyến của tâm thức, tôi lại nghe câu văn kia vọng lên một âm hưởng
khác.
Anxiety robs us of speech. Because beings as a whole slip away, so that just
the nothing crowds round, in the face of anxiety all utterance of the “is”
falls silent... The nothing reveals itself in anxiety. (Sự xao xuyến khiến
chúng ta bâng khuâng không sao thốt được nên lời. Bởi vì toàn bộ khối hiện thể
trôi lướt đi, chỉ còn có Hư Không bàng bạc vây quanh. Đối diện với sự xao xuyến
đó thì mọi phát biểu về “hiện thể” đều rơi vào im lặng… Hư Không tự thân hiển lộ
trong xao xuyến).
Giữa tĩnh lặng cao nguyên
Huỳnh Ngọc Chiến
Tôi quay lại Buôn Ma Thuột trong chuyến công tác hằng năm.
Nhưng lần này tôi về với cái thành phố cao nguyên trầm lặng đó - thành phố mang
tướng ”nội mi” của người phụ nữ đứng tuổi - với tâm trạng trĩu nặng muộn
phiền.
Cuộc sống với biết bao nhiêu tao ngộ bất ngờ, vui buồn bất chợt, với bao ngộ nhận
oái ăm cứ dồn dập vây bủa mãi con người. Chỉ một chút lơ đễnh, chỉ một chút
thôi, là lắm khi dòng đời lại cuốn ta vào những vũng xoáy không ngờ. Ai biện bạch
được cho mũi kéo của Thị Kính đưa vào cổ chồng là Thiện Sĩ đang say giấc nồng?
Thiện tâm là thế, nhưng dưới mắt mọi người lại rành rành cái tội sát phu! Những
muộn phiền trong đời đôi khi lại phát xuất từ những chuyện tưởng chừng như vặt
vãnh không đâu. Những “thằng bán tơ” của cụ Nguyễn Du, những “Ngụy
quân tử kiếm” Nhạc Bất Quần thời nào cũng đầy dẫy trong đời, từ cõi giang hồ
cho đến làng bút mực. Chúng sẵn sàng giăng muôn ngàn cạm bẫy chết người, trên
khắp cõi bể dâu, dưới những lớp vỏ bọc dịu dàng. Những kẻ lãng tử phiêu bồng sống
hồn nhiên vô tâm dễ dàng sa bẫy đã đành, mà cả đến những kẻ cơ cảnh e rằng cũng
phải lắm phen khốn đốn!
Hạnh phúc bình yên của con người có lẽ vẫn mãi mãi chỉ là một giấc mơ hư ảo, thấp
thoáng ở cuối chân trời xa lăng lắc, như những nét chấm phá rất đỗi mơ hồ, trên
một bức tranh tĩnh vật. Nó như hoa nắng trên sông, nhìn thấy đó nhưng không làm
sao với bắt được. Và để con người sẽ cứ mãi đi tìm. Suốt mãi một đời!
Trên chuyến xe từ Sài Gòn đi ngược lên vùng cao nguyên, tôi cứ nghĩ rằng “người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, cứ nghĩ rằng lần này Tây Nguyên, đối với
tôi, sẽ không còn nét quyến rũ của người phụ nữ trong lần đầu gặp gỡ. Cảnh do
tâm mà sinh, một khi tâm đã bị khuấy động bởi những con sóng phiền não thì cảnh
làm sao có thể tĩnh lặng bình yên? Vậy mà khi nhìn những đồi cây lặng lẽ trong
bóng hoàng hôn, tiếp nối điệp trùng dọc theo quốc lộ, tự nhiên tôi thấy tâm hồn
yên tĩnh trở lại. Những phiền muộn trong lòng như lắng dịu đi phần nào trước
cái “Đại khối vô ngôn” trầm lặng mà bàng bạc sức sống kia.
J. J. Rousseau nói rằng cảnh vật thiên nhiên an ủi được tất cả mọi thứ cho con
người. Le spectacle de la nature
console de tout. Điều đó rất đúng. Thiên nhiên
luôn bao dung như lòng Mẹ, như biển cả dung nạp bao dòng sông nhơ bẩn mà không
hề bị nhơ bẩn theo. Tây Nguyên vẫn ngàn đời lặng lẽ với màu xanh của cây rừng,
vẫn thiên thu nộ cuồng với màu bạc của thác nước. Nhưng điều kỳ diệu là tiếng
nói của thiên nhiên, dù cuồng nộ, vẫn khác hẳn với tiếng huyên náo của cuộc đời.
Trong tiếng thét gầm của thác nước, trong tiếng gào hú của gió ngàn, hay trong
tiếng rì rào của cây lá, ta vẫn dễ dàng cảm nhận được sự bàng bạc của một cõi
Tĩnh Lặng mênh mông. Màu xanh của cây rừng đem lại cho ta sự bình yên thanh thản,
và màu nước bạc của thác đổ giúp ta cảm nhận được sức sống dạt dào. Để nguôi đi
muộn phiền và đừng tuyệt vọng. Giữa ngàn cây trầm lặng, giữa con thác ào ạt,
con người cảm thấy bình yên, vì thiên nhiên không lọc lừa thủ đoạn, không tráo
trở thô bỉ như con người.
Buôn Ma Thuột có lẽ là một nơi hiếm hoi trên đất nước, (hay có lẽ trên cả trái
đất?) hầu như có đủ hình tượng của cả bốn mùa trong chỉ một ngày. Buổi sáng nơi
đây có cái dịu dàng man mác của mùa xuân, buổi trưa có cái nắng nóng nhè nhẹ của
mùa hè, buổi chiều có cái se lạnh êm ả của mùa thu, buổi tối lại có cái giá lạnh
se sắt của mùa đông. Từng ngày, bốn mùa cứ lặng lẽ chuyển dịch trên vùng cao
tĩnh lặng. Xuân Hạ Thu Đông! Cả chu kỳ vận động của tạo hoá như được thu gọn lại
trong chu kỳ mọc và lặn của vầng dương, trên thành phố cao nguyên.
Trong cơn phiền muộn, tôi muốn được sống yên lặng một mình để quan chiêm sự vận
động của bốn mùa. Trải qua gần hai tuần không có Internet, không có báo chí,
không có những buổi chiều ngồi nơi quán cóc trên vỉa hè Sài Gòn nhâm nhi ly bia
tán ngẫu cùng bạn bè, thiếu những tiếng ồn ào của xe cộ đường phố, tôi có cảm
tưởng mình như đã bị cắt đứt ra khỏi cái thế giới “văn minh” quen thuộc.
Thế nhưng sự thay đổi này, gẫm ra lại hoá hay. Thoạt đầu, ta có cảm giác hụt hẫng,
trống vắng, vì tưởng như bị tước đoạt mất tất cả cái thế giới quen thuộc thường
ngày. Nhưng sau đó hồn ta sẽ tràn ngập một sự xao xuyến dịu dàng, khi chìm vào
cõi tĩnh lặng mênh mông. Cảm giác xao xuyến đó có lẽ giống như cái Anxiety của
Heidegger, làm chúng ta bâng khuâng không sao thốt được nên lời. Anxiety
robs us of speech! Heidegger cho rằng đó là kinh nghiệm để con người cảm
nhận được sự hiện diện của Hư Không (Nothing), khi cảnh vật
quanh ta như tan biến đi, chỉ còn lại cõi Hư Không bàng bạc vây quanh. Ngày
xưa, khi đọc câu đó trong bài “What Is Metaphysics?” (Siêu hình học là gì?) của
Heidegger, tôi chỉ mơ hồ nắm bắt được điều đó trên khái niệm, nên không cảm nhận
được gì nhiều. Nhưng chính lúc này, giữa sự tĩnh lặng êm đềm của cao nguyên, và
trong cơn xao xuyến của tâm thức, tôi lại nghe câu văn kia vọng lên một âm hưởng
khác.
Anxiety robs us of speech. Because beings as a whole slip away, so that just
the nothing crowds round, in the face of anxiety all utterance of the “is”
falls silent... The nothing reveals itself in anxiety. (Sự xao xuyến khiến
chúng ta bâng khuâng không sao thốt được nên lời. Bởi vì toàn bộ khối hiện thể
trôi lướt đi, chỉ còn có Hư Không bàng bạc vây quanh. Đối diện với sự xao xuyến
đó thì mọi phát biểu về “hiện thể” đều rơi vào im lặng… Hư Không tự thân hiển lộ
trong xao xuyến).
Tôi là người ngoại đạo về triết học nên không quan tâm lắm đến những khái niệm
siêu hình học đầy rối rắm, nhưng chính sự xao xuyến kia giúp chúng ta có dịp lắng
nghe rõ hơn tiếng nói của Tạo Vật, của Cõi Đời đang thì thầm to nhỏ với tâm hồn
mình.
Chúng ta cứ bị đóng khung trong cái tháp ngà của thói quen, của tập quán, cứ tự
tìm cách thích ứng với những sự việc đơn điệu lặp lại từng ngày, để tìm sự bình
yên, cứ quen dần với lối sống “Đời tẻ nhạt như tàu không đổi chuyến. Đến ái
ân cũng hết cả đợi chờ” (Huy Cận). Trong tận thâm tâm, chúng ta sợ mọi
sự đổi thay trong nếp sống. Như một con sâu co ro trong vỏ bọc. Để tìm sự bình
an. Chúng ta sợ hãi cái xa lạ nên tự để mình dần dần xơ cứng và chết khô trong
tập quán tẻ nhạt hằng ngày mà không hay. Có lẽ vì thế mà tất cả chúng ta đều sợ
hãi và muốn lẩn tránh sự tĩnh lặng, vì sự tĩnh lặng gợi đến cái chết, mà cái chết
cũng là một cõi xa lạ. Một cõi xa lạ vô cùng nguy hiểm, vì khi đã đặt chân đến
đó là không có đường về!
Lần trước, những buổi chiều êm ả nơi quán cà-phê thung lũng đã đem lại cho tôi
cảm hứng để nghiền ngẫm và dịch cuốn U mộng ảnh của Trương
Trào, thì lần này sự tĩnh lặng của thành phố cao nguyên lại giúp tôi tìm được sự
bình yên trong tâm tưởng. Hồn tôi, trong những ngày qua, như mặt hồ bị một viên
đá từ một bàn tay bẩn ném xuống gây nên những đợt sóng xao động, song giờ đây
nó đã lấy lại sự bình yên cùng cái se lạnh giữa tĩnh lặng cao nguyên.
Buổi sáng, thức giấc cùng với cái se lạnh đầu ngày, giữa không gian như còn đượm
sương khuya, ngồi một mình nơi quán cóc, nhấm nháp ly cà phê Buôn Mê đen nóng
còn bốc khói, cũng là một cái thú bình dị, nhưng không dễ gì tìm được ở thành
phố miền xuôi. Buổi trưa, tranh thủ một tí thời gian rỗi, ngồi nơi quán cà phê
góc phố, nhìn các cô bé nữ sinh mặc áo dài trắng tan học về, tay che dù màu
tím, tôi chợt bâng khuâng nhớ đến bài hát “Con đường tình ta đi” của Phạm Duy.
Hình ảnh của kỷ niệm một thời, theo giai điệu ngọt ngào ngày nào, trôi về bồng
bềnh trong ký ức. “Con đường nào ta đi… chiếc dù che màu tím... hỡi người
tình học trò... bóng người còn in dấu trên đường mờ… con đường mộng hoa xưa, vẫn
từng đôi từng lứa…”.
Buổi tối, đi lang thang qua các con phố vắng, tôi chợt thấy lòng như nhẹ đi,
vơi bớt những muộn phiền. “Tôi đâu cầu Phật, tôi chẳng cầu Thiền, tim tôi
cũng sạch lụy phiền nhân gian. Ô hay! Giữa cõi mênh mang có tên phiêu lãng ôm
đàn ngược xuôi, đem tài hoa đổi lấy nụ cười. Yêu em ta cũng một thời cỏ hoa.
Yêu người lòng bỗng bao la… ”. Giai điệu trong ca khúc “Hoa tâm khúc”
tôi viết ngày xưa như bay bàng bạc trong không gian, theo tiếng guitare, trong
trí nhớ. Tôi chợt nhớ đến một thời cỏ hoa và thấy lòng bao la lắm giữa cõi tĩnh
lặng cao nguyên.
Dường như chỉ ở những chốn phồn hoa đô hội với cuộc sống xô bồ, con người mới
có thể lãng quên tất cả để hối hả đua chen theo hai chữ Lợi và Danh, mà không hề
chùn tay trước bất kỳ một thủ đoạn nào. Ở nơi đó, cái Tâm của con người cứ mãi
bị tiếng huyên náo ngựa xe vùi lấp, rồi mất dần đi cái tính bản nhiên của buổi
ban sơ. Con người nơi phố thị phải lo tìm mọi cách để tồn tại, mà không có dịp
ngồi tĩnh lặng giữa thiên nhiên để lắng nghe tiếng nói của Hư Không và cảm nhận
được rằng bản chất của Lợi và Danh cũng đều rất phù du. Phù du như chính cuộc sống!
Một cơn giông bão, một trận lũ quét, một trận hoả tai, một cơn biến động thị
trường là có bao công trình sụp đổ, có thể còn kéo theo biết bao mạng người. Đó
là sự phù du của Lợi! Một chút lơ đễnh là có thể khiến danh dự vô tình bị tổn
thương, với những “nỗi oan Thị Kính”. Đó là sự phù ảo của Danh! Chỉ ở giữa
cõi tĩnh lặng, con người mới hiểu được rằng những nỗi đau mà chúng ta gánh chịu
về Lợi, về Danh còn quá nhỏ nhoi so với những nỗi đau nhân thế. Và vẫn còn có một
cái gì đó trường cửu, bên kia những hư ảo của trần gian. Chân nhân là những bậc
giữ cõi lòng luôn tĩnh lặng giữa muôn ngàn biến động, điều mà chúng ta may mắn
lắm mới thực hiện được trong một vài phút giây, khi có cơ duyên.
Từng đêm, đứng một mình trên balcon của một ngôi nhà trọ, nhìn
lên bầu trời mờ mịt không một ánh sao của đêm tháng mười, tôi nghe lòng bình
yên thanh thản lạ lùng. Bên kia cái thế giới đang hiện hữu vây quanh, bên kia “toàn
bộ khối hiện thể đang trôi lướt đi”, Beings as a whole slip away, là
cõi Tĩnh Lặng mênh mông. Phải chăng đó là “Hư Không tự thân hiển lộ trong
xao xuyến”? The nothing reveals itself in anxiety. Đó có lẽ là
những giây phút mà con người mở lòng mình để “nạp năng lượng” từ trời đất.
Tôi tin rằng trong trời đất vẫn luôn có những luồng linh khí bàng bạc, và con
người khi có cơ duyên đều có thể cảm nhận được. Từ đây, khi về miền xuôi với
muôn ngàn biến động, trong lòng tôi sẽ còn mãi những âm vang mênh mông từ cõi
tĩnh lặng cao nguyên.
Huỳnh Ngọc Chiến
Buôn Ma Thuột 10.2007
No comments:
Post a Comment