tạp ghi của Giác Kiến







Pages

13.3.23

Khi tờ tiền là bản tình ca

((( Mọi người thông cảm nhé, tôi lại không thao tác trên cái blopspot này được rồi. Công nghệ hiện đại này rắc rối quá.) Khi nào thì tờ tiền là bản tình ca? Bạn đừng bảo tôi thi vị hóa. Có nhiều người ca vang nhờ được tiền nhiều. Nhưng cũng không biết bao nhiêu người ngậm đắng nuốt cay cũng vì tiền. Buồn nhất là khi tiền làm cho tình người tan vỡ. Thế nhưng, ai đã từng nhận những tờ tiền từ chính tay Trưởng lão Giác Dũng đều có thể hiểu tại sao tiền qua tay Trưởng lão có thể biến thành bản tình ca. Với lối sống biết đủ, Trưởng lão thể hiện văn hóa cho nhận theo triết lý Phật giáo rất đẹp. Phải nói văn hóa cho nhận trong Phật giáo là một nét văn hóa đẹp. Văn hóa này giúp con người giải thoát về phương diện kinh tế. Các hình thức cúng dường trong Phật giáo, như được thấy qua các thùng phước sương, trong các buổi lễ lộc là thể hiện của văn hóa cho nhận đó. Giữ nét văn hóa này, những tờ tiền chuyền tay nhau qua hình thức cúng dường và bố thí với tâm thành kính và thương yêu, làm cho nét văn hóa này đẹp thêm lên. Tôi gọi những tờ tiền trong trường hợp thứ hai này là những bản tình ca. Có lần Trưởng lão lấy tiền mua vịt cầu an. Chuyện thế này, gia đình cặp vợ chồng trẻ T. – P. bất an. Anh T. bị bệnh chạy chữa khắp nơi mà không hết. Bệnh viện Hòa Hỏa, Chợ Rãy đều đi. Sau đó đành phải rước thầy cúng. Cúng đủ kiểu cũng không hết. Vợ chồng khổ sở vô cùng. Hôm nọ, duyên đủ, Trưởng lão đến nhà. Hình thức tôn giáo đơn giản của Trưởng lão là đọc các bài kệ lễ Tam bảo và kệ cầu an theo nghi thức Khất sĩ. Sau đó Trưởng lão khuyên vợ chồng ăn chay, sám hối. Thấy phía sau có mấy con vịt được nuôi trong chuồng, khá èo ụt. Trưởng lão bảo anh T. bán mấy con vịt cho Trưởng lão. Cách Trưởng lão nói làm anh T. không thể từ chối được. Trưởng lão lấy tiền trả đủ đúng giá mấy con vịt và nhờ người đưa các con vịt đến thả ở một hồ lớn cạnh bìa rừng gần đó. Tôi không biết cuộc sống các con vịt sau đó thế nào, có lạnh lắm không, nhưng gia đình anh T.- P. bắt đầu ấm lên, sức khỏe bình phục, cả hai đều bắt đầu tinh tấn tu hành theo chánh pháp. Tôi không biết lời khuyên của Trưởng lão hay mấy trăm ngàn mua vịt đã mang lại hạnh phúc cho cặp chồng vợ trẻ kia, nhưng tôi tin là tâm vô tham của Trưởng lão đã biến những tờ tiền thành bản tình ca và tặng cho vợ chồng T - P. Khi những người đứng về phía số đông người dân lao động chân lấm tay bùn Việt Nam đang quá buồn lòng khi tỉ lệ doanh thu ‘hoa hồng’ (vốn là biểu tượng của cái đẹp của tình yêu) từ các phong bì toan tính đi tắt đón đầu cao hơn quá nhiều so với doanh thu từ phong bì được sản xuất ra và dùng đúng mục đích (đựng những lá thư băng rừng vượt suối mang tình yêu, niềm tin và sức mạnh cho hàng triệu con người) và có thể cao hơn cả doanh thu bán hoa hồng của nông dân, thì những tờ tiền chở đầy lòng cảm thông của một thầy tu vô tham như thế quả là một bản tình ca được tặng cho đôi vợ chồng trẻ. Tiền cứ là tiền. Một người phật tử người Ấn Độ, chỉ nghe danh Trưởng lão mà gởi cúng dường Trưởng lão 2 tờ 1000 rupe. Chuyển đến Trưởng lão, tôi nói, để con đổi ra tiền Việt cho Trưởng lão nghe. Trưởng lão nói không. Trưởng lão nhận và giữ cái tình của người tín tâm thôi. Triết lý biết đủ của Trưởng lão đơn giản là vậy đó. Biết rõ vai trò của vật chất, như Trưởng lão hay nói, vật chất hưng, tinh thần dễ suy mòn, nên Trưởng lão không để mình trở thành nạn nhân của chủ nghĩa duy vật tâm linh. Với đức độ của Trưởng lão, nhiều người tin tưởng Trưởng lão là thửa ruộng phước mầu mỡ, cúng dường tài vật nhiều. Trưởng lão làm nhịp cầu nối liền người có điều kiện và người có hoàn cảnh khó khăn. Người có điều kiện, thông qua Trưởng lão, biết tập cúng dường, bố thí để trang nghiêm tâm mình. Người hoàn cảnh khó khăn, Trưởng lão tạo điều kiện giúp đỡ để có phương tiện tiến triển trong cuộc sống. Theo chỗ tôi biết, đó là một phần trong văn hóa cho nhận mà Trưởng lão có được từ hồi thầy còn rất trẻ. Giác Kiến

1.3.23

Tỉnh thức, hạnh phúc và con đường tâm linh

 David Ian Miller thực hiện || Giác Kiến dịch

Jack Kornfield là một thiền giả và tác giả nổi tiếng. Kornfield có nhiều năm kinh nghiệm dạy phương pháp sống tỉnh thức, đặc biệt là nghệ thuật sống tỉnh thức giữa những thử thách và cám dỗ của thế giới hiện đại. Kornfield hiện nay đã 60 tuổi, đã từng tu tập ở các tu viện Phật giáo ở Thái Lan, Ấn Độ và Miến Điện. Ông là tác giả của các tập sách “A Path with Heart” - Con đường từ tâm, “The Art of Forgiveness, Lovingkindness, and Peace” - Nghệ thuật tha thứ, thương yêu và hạnh phúc, “Meditation for Beginners” - Bước đầu hành thiền” và nhiều tác phẩm khác.

Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với Kornfield tại khu vườn quê của Spirit Rock, một trung tâm thiền ở Marin County mà Kornfield là một trong những người sáng lập.

* * *

D. I. Miller: Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện với câu hỏi căn bản nhất: Tỉnh thức là gì và tại sao tỉnh thức quan trọng?

Kornfield: Tỉnh thức là khả năng ý thức trọn vẹn về chính mình, về sự sống của chính mình, là khả năng học từ sự sống ấy. Chúng ta sử dụng phần lớn thời gian trong ngày cho các hoạt động tự phát. Lái xe, chúng ta biết là mình lái xe chứ không phải không, nhưng đến khi cho xe dừng lại bên đường, chúng ta mới chợt nhận ra rằng, “Ủa, tôi tới đây rồi sao? Tôi đâu có biết là tôi đang lái xe đâu.” Thế nhưng, khi chúng ta ý thức, mọi thứ trở nên đẹp lạ, nghĩa là, chúng ta thấy có không gian đủ cho những vui buồn được mất của mình, tất cả đều diễn ra một cách yên ắng.

D. I. Miller: Và con đường dẫn đến tỉnh thức là thiền?

Kornfield: Có nhiều phương pháp thực tập tỉnh thức. Thiền là một phương pháp tốt. Muốn giỏi trong công việc gì, bạn cần tỉnh thức. Một người đầu bếp giỏi phải ý thức về những món mình nấu, về dao cắt, về hương vị thực của món ăn mình tạo ra. Tỉnh thức là một kỹ năng, là một phần trong sự phát triển của con người trong nhiều lĩnh vực. Thực hành thiền có thể khó, nhất là trong những nền văn hóa mà công nghệ đã đẩy con người lao tới. Khó vậy thì sao? Thực ra, thực hành thiền không đến nỗi quá khó vậy đâu.

Những người theo học lớp thiền của tôi, ban đầu, thường tỏ ra bận rộn và cảm thấy căng thẳng. Và bởi vì họ không biết phải làm sao với những bận rộn và căng thẳng đó, họ cảm thấy thực hành thiền sao khó quá. Nhưng một khi họ nhận ra khả năng tạo được một bầu không khí êm dịu cho sự căng thẳng đó trong tỉnh thức để cho sự căng thẳng đó tự nó tan đi, hay khả năng thấy được sự chộn rộn của tâm mình trong không gian tỉnh thức và để cho những tâm tưởng tự đến rồi đi như mây khói; một khi họ biết chút ít về phương pháp làm lắng dịu tâm tưởng và mở rộng con tim, thì ngay cả khi họ phải đương đầu với những bận rộn và thậm chí khó khăn của cuộc sống, thực hành thiền sẽ giúp họ vượt qua.

D. I. Miller: Ông cũng có vẻ hơi bận rộn đó. Ông có bao giờ thấy vất vả để tìm được sự bình yên giữa thế giới cuồng quay này không?

Kornfield: Tôi cũng bận rộn nhưng tôi rất vui. Tôi bận rộn với cuộc sống gia đình như một người bình thường, như một người thầy, như một tác gia và như một thành viên của cộng đồng. Nhưng, ở một mức nào đó, tôi làm tất cả những việc này trong thiền định. Tôi làm trong tỉnh thức. Và tất nhiên, tôi phải ngồi thiền và những thời ngồi thiền đó giúp tôi làm lắng dịu tâm mình và đưa tôi trở về với trạng thái yên tĩnh. Tôi cũng thường ngồi thiền và thực tập tâm từ để cho chất liệu từ bi đó xông ướp công việc hằng ngày của tôi. Tôi nghĩ trong cuộc sống bận rộn mà chúng ta có khả năng thực tập như vậy mới là điều quan trọng.

D. I. Miller: Ông tự cho mình là người hạnh phúc. Thế thì, theo ông, hạnh phúc là gì?