tạp ghi của Giác Kiến







Pages

27.6.20

Thênh thang trên xứ non cao



Cứ mỗi lần có người rủ đi Bhutan, tôi lại lôi sách báo viết về Bhutan ra đọc. Mọi thứ sẵn sàng cho chuyến đi. Nhưng lại thôi. Không cần đâu. Vì sao vậy ? Sự thật đơn giản đã được Cao Huy Thuần viết lại thế này đây.
GDP của Bhutan là 500 triệu đô la. GDP của Nhật là 4400 tỷ. Một giọt sương bên cạnh bát nước đầy ! Nhưng người Nhật có hạnh phúc hơn ông già bán táo trong phim không ? Các kinh tế gia tiếng tăm của Nhật tuyên bố trong hội thảo của Bộ Ngoại giao : nước Nhật phải bớt quan tâm đến mức tăng trưởng GDP để học hỏi quan niệm hạnh phúc của Bhutan. Cũng thế, một đại biểu Canada hỏi thẳng trong hội thảo ở Mỹ: ở đầu thế kỷ 21 này, ai còn dám tự hào "bạn phải cười đi vì bạn đang đứng giữa Disneyland" ? Cuốn phim đưa người xem đi vào cái nhìn hiền triết thời sự ngày nay mà Mathieu Ricard đã dự báo từ mấy năm trước. Ông nói : Buthan nghèo, nhưng không khổ, không có người ăn xin, nhà nào cũng có ruộng vườn, có trâu bò, có khung dệt, đủ ăn, đủ mặc, giáo dục, y tế miễn phí.
Bhutan là nước nghèo duy nhất trên thế giới có rừng còn nguyên vẹn, là nước nghèo duy nhất trên thế giới hạn chế du lịch đến mức tối đa, là nước duy nhất trên thế giới cấm săn bắn, đánh cá. Bhutan không biết chen chúc : non một triệu dân sống rải rác trên một dãi đất dài 500 cây số, phong cảnh tuyệt đẹp, với một thủ đô không quá 30 ngàn người. Nếu muốn, Bhutan có thể trở thành như bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng nếu muốn, không nước nào có thể trở thành Bhutan. Không ở đâu trời đất còn nghe tiếng nông dân hát ngoài đồng trong mùa gặt. Trong thế giới càng ngày càng phức tạp, Bhutan lựa chọn sống đơn giản. Người dân không có gì trong tay bởi vì họ có cả thế giới. Họ không tìm kiếm gì, bởi vì tất cả đều ở đấy rồi. Bởi vậy, người trong phim không vội vã. Không vội vã, nên họ tự do. Và tự do là hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến từ bên trong. Cám ơn Bhutan đã dám sống độc đáo với sự thật ấy.
Nếu bạn quan tâm, mời bạn đọc toàn bài Thênh thang trên xứ non cao in trong cuốn Thấy Phật. Nếu bạn quan tâm hơn nữa, hãy mua luôn tập Thấy Phật đọc sẽ thú vị hơn.

18.6.20

Giữa tĩnh lặng cao nguyên


Giữa tĩnh lặng cao nguyên là tựa đề một bài viết ngắn của tác giả Huỳnh Ngọc Chiến. Bài viết chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức và cảm nhận của tác giả về miền cao nguyên Buôn Ma Thuột.
Tôi đọc được bài này từ năm 2007, thấy hay, thích, cảm ơn tác giả và lưu lại trên máy, không biết có còn đâu đó trên Internet không. Nay xin giới thiệu lại ở đây để mọi người cùng đọc. Mong là những ai yêu mến Buôn Ma Thuột, thích sự tĩnh lặng của núi rừng tây nguyên sẽ thích những chia sẻ của tác giả.
- Buôn Ma Thuột có lẽ là một nơi hiếm hoi trên đất nước, (hay có lẽ trên cả trái đất?) hầu như có đủ hình tượng của cả bốn mùa trong chỉ một ngày. Buổi sáng nơi đây có cái dịu dàng man mác của mùa xuân, buổi trưa có cái nắng nóng nhè nhẹ của mùa hè, buổi chiều có cái se lạnh êm ả của mùa thu, buổi tối lại có cái giá lạnh se sắt của mùa đông. Từng ngày, bốn mùa cứ lặng lẽ chuyển dịch trên vùng cao tĩnh lặng.
- Trải qua gần hai tuần không có Internet, không có báo chí, không có những buổi chiều ngồi nơi quán cóc trên vỉa hè Sài Gòn nhâm nhi ly bia tán ngẫu cùng bạn bè, thiếu những tiếng ồn ào của xe cộ đường phố, tôi có cảm tưởng mình như đã bị cắt đứt ra khỏi cái thế giới “văn minh” quen thuộc. Thế nhưng sự thay đổi này, gẫm ra lại hoá hay. Thoạt đầu, ta có cảm giác hụt hẫng, trống vắng, vì tưởng như bị tước đoạt mất tất cả cái thế giới quen thuộc thường ngày. Nhưng sau đó hồn ta sẽ tràn ngập một sự xao xuyến dịu dàng, khi chìm vào cõi tĩnh lặng mênh mông. Cảm giác xao xuyến đó có lẽ giống như cái Anxiety của Heidegger, làm chúng ta bâng khuâng không sao thốt được nên lời. Anxiety robs us of speech! Heidegger cho rằng đó là kinh nghiệm để con người cảm nhận được sự hiện diện của Hư Không (Nothing), khi cảnh vật quanh ta như tan biến đi, chỉ còn lại cõi Hư Không bàng bạc vây quanh. Ngày xưa, khi đọc câu đó trong bài “What Is Metaphysics?” (Siêu hình học là gì?) của Heidegger, tôi chỉ mơ hồ nắm bắt được điều đó trên khái niệm, nên không cảm nhận được gì nhiều. Nhưng chính lúc này, giữa sự tĩnh lặng êm đềm của cao nguyên, và trong cơn xao xuyến của tâm thức, tôi lại nghe câu văn kia vọng lên một âm hưởng khác.

Anxiety robs us of speech. Because beings as a whole slip away, so that just the nothing crowds round, in the face of anxiety all utterance of the “is” falls silent... The nothing reveals itself in anxiety. (Sự xao xuyến khiến chúng ta bâng khuâng không sao thốt được nên lời. Bởi vì toàn bộ khối hiện thể trôi lướt đi, chỉ còn có Hư Không bàng bạc vây quanh. Đối diện với sự xao xuyến đó thì mọi phát biểu về “hiện thể” đều rơi vào im lặng… Hư Không tự thân hiển lộ trong xao xuyến).