KINH KACCAYANAGOTTA
Kinh Kaccānagotta nằm trong Tương ưng nhân duyên, Kinh Tương Ưng Bộ. Đây là bài rất quan trọng trong văn học Phật giáo. Bài kinh giới thiệu các khái niệm căn bản như Có, Không, Bản ngã, Trung đạo và Duyên khởi. Các khái niệm này cũng là nền tảng của tư tưởng Phật giáo phát triển sau này.
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana
(Thắng Lâm), trong vườn ông Anātha-pindika (Cấp Cô Độc).
2) Rồi Tôn giả Kaccāyanagotta đi đến Thế Tôn; sau
khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kaccāyanagotta bạch
Thế Tôn:
– “Chánh kiến, chánh kiến”, bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là chánh kiến?
4) – Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ
vào hai cực đoan này: có và không có.
5) Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như
chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccāyana,
ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận
thế giới là có.
6) Này Kaccāyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên
kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước,
chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp
trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Đây là tự ngã của tôi”. Khi khổ
sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ,
không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như
vậy, này Kaccàyana là chánh tri kiến.
7) “Tất cả là có”, này Kaccāyana, là một cực đoan.
“Tất cả là không có” là cực đoan thứ hai.
Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccāyana, Như Lai
thuyết pháp theo trung đạo.
8) Vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên
sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái;
ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ,
ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly
tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt
nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ
diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Dọ thọ diệt nên ái
diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh
diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ
khổ uẩn này đoạn diệt.
No comments:
Post a Comment