Ai đánh thức, không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức, bất kể họ là ai.Cao Huy Thuần
Trong loạt bài nói chuyện với các anh em học thiền gần đây, tôi thấy anh em bắt đầu quan tâm nhiều đến "tỉnh thức". Tỉnh thức không phải là điều gì mới. Tỉnh thức cũng không cần phải đặt trong ngoặc kép. Nhưng ở đây, tôi phải đặt từ này trong ngoặc kép vì nhiều lý do.
Thứ nhất, tỉnh thức đang nổi lên như một trào lưu. Đã là trào lưu, tỉnh thức chắc hẳn được hiểu theo nhiều dạng, nhiều chiều, nhiều cấp độ khác nhau. Và như thế, những người đang dùng từ tỉnh thức có tỉnh thức về hiện tượng này hay không?
Thứ hai, tỉnh thức có thể được dùng như một từ phổ thông, ai cũng hiểu được, không nhiều thì ít. Đồng thời, tỉnh thức có thể được dùng như một thuật ngữ, chỉ một chuyên môn trong Phật giáo. Một từ được dùng trong hai ngữ cảnh khác nhau, nghĩa chắc hẳn khác nhau.
Thứ ba, (qua cách diễn đạt của một số bạn, tôi cảm nhận) dường như từ tỉnh thức trong Phật giáo bị hiểu nhầm (cùng với từ chánh niệm) khi từ này được sử dụng rộng rãi.
Sống tỉnh thức. Sống tỉnh thức là sống thế nào? Đi nhẹ nhàng vào đời bằng bước chân tỉnh thức. Thế nào là bước chân tỉnh thức? Có thực vào đời bằng bước chân tỉnh thức đó được không? Ăn trong tỉnh thức. Ăn có chánh niệm. Là ăn sao? Và nhiều câu hỏi nữa. Tưởng đơn giản mà không đơn giản.