tạp ghi của Giác Kiến







Pages

14.3.19

Sống và chết

Sống chết là một. Chết ở góc nhìn này là sống ở góc nhìn khác. Và nữa, có thể, sống là chết và chết là sống dưới cùng một góc nhìn.
Cây hoa mai tôi trồng bên thềm sống bảy năm nay, giờ nó chết. Vâng, nó chết thật rồi. Nó chết qua góc nhìn của tôi. Nhưng qua góc nhìn của đàn mối, cây mai đang sống đó. Nếu hỏi để kiểm chứng được, chúng ta thử xem.
Tôi đang sống và ngồi viết mấy dòng này đây, dưới góc nhìn của tôi. Và ngay dưới góc nhìn này, tôi cũng đang chết. Nói rõ hơn, tôi đang chết lần lần. Người ta hay nói cái đang chết này một cách dễ hiểu hơn là người ta đang tiến dần đến cái chết.
Đó, sống chết là một là vậy đó.
Ai đã từng sống chết thì  ngẫm câu này của Tổ sư Minh Đăng Quang "sống bởi chúng sanh, chết bởi mình" chắc là thú vị.
Nói vậy, chứ để hiểu sâu lẽ sống chết không phải dễ. Có lẽ nói sống và chết là hai thì dễ hiểu hơn.
Thông thường, với đời người, sống bắt đầu từ khi chúng ta hiện diện (?) trên cuộc đời này và chết là khi chúng ta ngưng thở vĩnh viễn (?) để chuẩn bị trở về với cát bụi. Sống là một quá trình, và chết là một sự kiện tức khắc (tạm hiểu vậy, chứ không chắc vậy đâu!).
Trong tiếng Hán Việt, cặp quá trình và sự kiện này được gọi là sanh và tử, nghe có vẻ thâm thúy hơn.
Tôi mời các bạn đọc Chơn Lý Sanh và Tử của Tổ sư Minh Đăng Quang để hiểu thêm về điều rất rất quan trọng này của cuộc đời mình nhé.
------------------

CHƠN LÝ 7

SANH và TỬ

1.- Vấn: Cái gì là chúng sanh?
 Đáp: Cái biết là chúng sanh.
2.- V: Cái gì sống chết?
 Đ: Cái biết sống chết.
3.- V: Cái gì sanh biết?
 Đ: Đất nước lửa gió do nhơn duyên tập mà biết lần, từ chưa biết đến thành hình biết.
4.- V: Hình dạng của cái biết mỗi lúc ra sao?
 Đ: Lúc mới tượng là thọ cảm, ví như một làn khói. Khi thành tư tưởng, tức làn khói ấy kết đặc thành hình. Kịp có hành vi thì hình khói ấy lộ ra rõ rệt. Đến thức trí, hình bóng ấy lại lâu tan. Được giác chơn, thì thân hình ấy đời đời bất hoại, lại màu sắc vàng ròng, kêu gọi là thân của biết, giác thân hay Phật thân.
5.- V: Cái hình thể của biết ấy, ta có thể thấy được chăng?
 Đ: Có thể thấy được, nếu định tâm yên lặng lại, nhìn xem sự sống đang cử động tác dụng, của mỗi chúng sanh thì ta sẽ thấy rõ rệt. Cho đến nó cũng có nói chuyện nữa, trí ta vắng lặng sẽ nghe rõ ràng từ tiếng nói của trùng dế cỏ cây Phật, Trời, Người, quỉ (ở tận phương xa) cũng nghe thấy.