Ở Phương Thảo Am, ngồi thiền như ngồi chơi.
Đi thiền cũng như đi chơi.
Thật thảnh thơi.
Bị ảnh hưởng bởi cách ngồi và đi như thế, đi khất thực chỗ
Phương Thảo Am bây giờ cũng giống như đi chơi mặc dù đi khất thực là một hạnh thanh
cao, thánh thiện, thiêng liêng, không thể nói là đi chơi được.
Đi khất thực là một pháp hành mà tăng sư trong dòng Đạo Phật
Khất Sĩ Việt Nam phải thực hành hằng ngày. Tăng sư đi khất thực là đi xin, mà
là cách xin cao thượng. Xin thức ăn chay, rau trái để dùng bữa ngọ trưa. Xin để
bớt tham sân si, và nếu tu luyện tốt, để dứt sạch tham sân si luôn. Triết lý
này cao sâu lắm.
Trong truyền thống Phật giáo, hạnh khất thực gọi là piṇḍapāta,
đi nhận thức ăn của người tín thí cúng dường. Với tu sĩ xuất gia, Piṇḍapāta là
hạnh tu giải thoát. Với cư sĩ tại gia, Piṇḍapāta được duy trì là để tạo duyên
lành cho người biết đạo cũng như chưa biết đạo gieo phước, gieo duyên với con
đường giải thoát. Truyền thống đi khất thực - Piṇḍapāta hiện nay vẫn còn thấy ở
cộng đồng Phật giáo các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và
Việt Nam. Cách thức đi và nhận thức ăn có khác nhau ít nhiều tùy theo vùng. Có
vùng, tăng sư nhận cả tiền khi đi khất thực, nếu có người cúng; và nhận tiền
như thế là không đúng luật nhà Phật.
Ở Việt Nam, nhà sư Khất sĩ thường đi khất thực khoảng từ 7
giờ đến 9 giờ sáng. Thường đi thành đoàn từ 4 đến 10 vị. Có khi, chỉ có 1 hay 2
vị. Các sư chỉ nhận thức ăn chay đủ một bình bát nhỏ. Không nhận thức ăn mặn.
Không nhận tiền. Không đi xin sau giờ ngọ, tức 12 giờ trưa.
Đi khất thực, có nhiều điều vui và hay lắm.
Sáng bước ra khỏi tu viện được khoảng hơn 100 bước, có người
cúng cho tôi 1 ổ bánh mì, vuông vuông tròn tròn, to bằng cái bình bát. Tôi thấy
không thể nhận hết được. Tôi bảo cậu thanh niên bẻ ra, cúng một phần nhỏ thôi.
Cậu làm theo. Tôi nhận một phần tư và nói rằng tôi xin hồi hướng phần còn lại
cho anh, anh hoan hỷ nhé.
Tôi biết, chỉ vẽ như vậy là không đúng phép, không đúng luật
mà giáo hội đề ra. Đi khất thực thì ai cúng gì nhận nấy. Cúng ít nhận ít, cúng
nhiều nhận nhiều. Khi nào đủ đầy bình bát thì cất bình bát và quay về. Nếu ai
cúng thức ăn mặn và tiền thì từ chối.
Nếu tôi nhận ổ bánh mì to như cái bình bát đó thì tôi không
thể nhận thức ăn những người khác cúng nữa. Tôi phải quay về ngay thôi. Thấy vậy
nên tôi mới chỉ vẽ cho cậu thanh niên cúng đầu tiên trong lần khất thực đó vậy.
Đi khất thực, tôi thực hành chánh niệm tỉnh thức, ghi nhận từng
bước đi và sống với từng giây phút hiện tại. Nhưng ổ bánh mì làm tôi nhớ đến
trái dừa trái dưa mà thầy tôi đã kể. Bữa nào thầy tôi nhận được trái dừa hay
trái dưa là kể như đầy bát, không nhận được gì khác, phải quay về thôi. Bữa ngọ
trưa của thầy cũng chỉ có bấy nhiêu. Bây giờ thì khác. Tôi đi khất thực, nhưng
về lại tu viện, có người sửa soạn thức ăn cúng thêm. Tôi có thể chọn thức ăn
phù hợp với mình để nuôi thân qua bữa ngọ trưa.
Đi vài trăm bước nữa, không có ai cúng hết. Chợt nghe tiếng
gọi, phất phất. Giọng không rõ lắm. Tôi bước tiếp. Lại nghe một giọng khác gọi
sư sư. Rồi nghe lại Phật Phật. Giờ tôi nhận ra rồi. Tôi dừng lại. Thì là, người
đàn ông gọi Phật Phật, là muốn gọi tôi dừng lại để ông cúng dường. Chắc ông
không phân biệt được Phật là gì và sư là gì. Người đàn bà kia thì biết nên mới
gọi sư sư. Nếu không nghe bà gọi sư sư, tôi đã không đứng lại đâu. Họ nói với
nhau ổng đứng lại rồi kìa. Rồi người đàn bà bước tới, tay cầm mấy tờ tiền nhỏ. Bà
đặt tiền lên nắp bình bát. Tôi tránh và nói với bà rằng nhà sư đi khất thực chỉ
xin thức ăn chay như cơm bánh thôi. Bà hiểu.
Khoảng 2 phút sau, họ mang đến 2 miếng đậu khuôn. Họ cúng
vào bát và nói thầm thầm, bát nhỏ quá, đầy quá. Ngay trước đó, có người đã bước
tới và cúng 2 ổ bánh mì nhỏ.
Tôi cũng cố gắng giữ chánh niệm tỉnh thức ghi nhận từng bước
đi. Nhưng tiếng gọi Phật Phật Sư Sư khiến tôi suy nghĩ. Đi khất thực cũng vui
nhỉ. Cũng hay nhỉ. Có thể có người nghĩ tiêu cực về việc đi khất thực. Có thể
hình tướng đi khất thực của tôi chẳng có gì hay chẳng có gì đẹp trong mắt một số
người. Nhưng đi như vầy ít ra cũng giúp được vài người bắt đầu biết đến Phật.
Phật là gì hở bạn? Sư là gì hở bạn?
Dù sao, cúng dường là một cách chia sẻ, là một cách làm đẹp
cho tâm hồn, làm giàu cho nhân cách người chia sẻ rồi đúng không bạn?
Thế là quý rồi, không vui sao được.
Một cô gái bước đến, xá 3 xá rồi cúng một chùm nhãn và một
túi quýt. Nhưng bình bát đã đầy rồi. Cô cố gắng xếp cho được mấy trái quýt và
chùm nhãn lên trên bình bát. Tôi cũng cố gắng lắm mới đặt được bình bát đầy
tràn vào túi bát.
Tôi quay về. Đi được vài trăm mét, thì có một người phụ nữ tạt
xe vào lề, ngay trước mặt mình. Bà muốn cúng dường ít tiền. Rất muốn cúng. Tôi
nói tôi chỉ đi xin thức ăn chay. Không nhận tiền. Bà bảo tôi chờ để bà chạy đi
mua xôi. Cúng nắm xôi xong, bà nói bà hay cúng tiền cho các nhà sư như vậy lắm.
Họ nhận hết mà. Tôi không nói gì và tiếp tục đi về.
Kể ra thì có nhiều điều cần bàn xung quanh truyền thống đi
khất thực trong nhà Phật đó chứ.
Nhận gì? Nhận bao nhiêu là đủ? Đi đâu để nhận? Đi bao nhiêu
người thì nhận được?...
Kể thêm thì, cho là một nghệ thuật, mà nhận cũng là một nghệ
thuật đó chứ.
Nói gì thì nói, khi đi xin tôi thích nhất là lúc xin qua đường.
Vì lúc đó tôi hay nhớ Quốc Dũng: Thôi ta đứng lại, nhường đường em qua!
[Dọc đường phố núi | Pindapata 1 | Dừng lại | 23/3/2017]
No comments:
Post a Comment