tạp ghi của Giác Kiến







Pages

22.8.14

Cái giận

Đây là những dòng chữ tùy duyên gõ lại từ năm 2012, gọi là tùy bút về giận. Hồi đó tôi có chia sẻ trên Văn hóa Phật giáo online. Năm nay, nhân Vô Ưu đăng bài tùy bút này trên báo giấy số 54, mùa Vu Lan, với tựa đề Chuyện về cái giận, nên tôi xin chia sẻ lại ở đây để mọi người cùng đọc. Với các bạn thân quen trong lớp học thiền, thì dòng chữ này quen và nhàm lắm rồi. Nhưng đối với những bạn đọc mới, bàn về cái giận cũng có cái hay, nên chia sẻ lại cho vui vậy. Nói đến giận, Đức Phật đã dạy chúng ta rồi:
Nó mắng tôi, đánh tôi  
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
Nó thắng tôi, đánh tôi
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận thù diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu. (Kinh Pháp cú số 3, 4, 5)
Và Đức Phật dạy thêm:
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy. (Kinh Pháp cú số 223)
Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái! (Kinh Pháp cú số 251)
Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù buộc ràng,
Không sao thoát hận thù. (Kinh Pháp cú số 291)
Biết rằng thực hành được như lời đức Phật dạy là khó lắm. Mà học lời Phật dạy về sân giận để có thể nhìn lại một chút như thế này, như một bạn trẻ chia sẻ, là quý lắm rồi:
Đấy! Sân giận đấy! Từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc có giây phút nào thỏa mãn, hạnh phúc, đẹp lòng mọi người không? Hay là ấm ức, bêu rếu, lườm nguýt, mỉa mai nhau... Giận nhau làm gì cho mệt mà xấu gái đi, chả ai thèm yêu. 
Vâng, thay đổi tập tính từ tốt đến xấu thì dễ, còn từ xấu thành tốt thì khó mà cũng ít người chịu nhìn thẳng vào cái Xấu của mình. Thế nhưng đời sống an lạc hay không thì phụ thuộc vào khả năng biến đổi của bản thân, không ai chuyển hộ được. Đối với những người hay nóng tính như mình đây thì tập từng chút một, tập dần dần, đừng có “chưa đi đã chạy”, mà cũng đừng có nói suông. (Hanh Nguyen, HS 12)

Chia sẻ lại ở đây, có 2 chỗ lỗi cần chỉnh lại chút xíu. Một là có vài cụm, câu đã ghi trong bài Chuyện về cái giận chưa rõ, nay chia sẻ trên báo giấy mới đọc kỹ lại và phát hiện ra, chỉnh lại. Bản này là bản đã chỉnh. Hai là, trên Vô Ưu, BBS thích để bài này dưới mục gọi là Hồi ký, có vẻ không ổn lắm. Mục này gọi là Tùy bút thì phù hợp hơn. Không biết tâm lý người đọc hiện nay thích đọc Hồi ký hơn là Tùy bút, Tản văn không? Hồi ký nghe có vẻ thật và gợi tò mò? Tùy bút, Tản văn có vẻ hư cấu và tự chia sẻ tâm tình? Thực ra, cả hai đều là cách người viết mượn để chia sẻ những điều mình muốn nói qua kinh nghiệm sống thực của người viết mà thôi.

 

 

Cái giận

Thời còn học phổ thông, tôi được đưa về ở với ngoại một năm. Sau này mỗi lần tôi gặp lại các dì và cậu, điều mà các dì và cậu tôi hay nhắc về tôi nhất chính là cái… tính nóng. Qua lời kể của dì, tính nóng của tôi thể hiện thường xuyên, nhất là những lúc chơi giỡn với bọn trẻ hoặc khi bị ông bà ngoại bảo làm một điều gì đó mà tôi không thích. Vì thế mà chuyện gây gổ và choảng nhau với bọn trẻ trong xóm là chuyện thường như cơm bữa. Còn cái tật làm ẩu cho ‘biết mặt’ của tôi mỗi khi bị ép buộc phải làm một điều gì bất đắc dĩ, thì các dì và cậu của tôi đều ngán.